1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cần Thơ: Trao giấy chứng đầu tư nhà máy rác 1000 tỷ đồng cho doanh nghiệp Trung Quốc

(Dân trí) - Ngày 20/12, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Võ Thành Thống trao giấy chứng nhận đầu tư cho một doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào dự án xử lý chất thải rắn-phát điện với tổng vốn đầu tư trên 47,2 triệu đô la Mỹ, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng.


Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bên trái) trao giấy chứng nhận cho công ty China Everbright International

Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bên trái) trao giấy chứng nhận cho công ty China Everbright International

Cụ thể, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Thới Lai được trao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn China Everbright International (Trung Quốc). Tổng vốn đầu tư cho dự án là hơn 47 triệu USD ( hơn 1.054 tỷ đồng).

Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Thới Lai được đặt tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ trên diện tích hơn 53 ha. Dự án sẽ được khởi công vào tháng 2/2017 và sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động vào tháng 2/2018. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện, sau khi hoàn thành, nhà máy có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt/ngày và tạo ra nguồn điện năng để hòa vào lưới điện quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ trao giấy chứng nhận, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, Công ty Everbright được chọn làm nhà đầu tư cho Nhà máy xử lý chất thải rắn Thới Lai sau khi vượt qua 6 nhà đầu tư khác và Cần Thơ cử các đoàn công tác đi tham quan thực tế các dự án của công ty này tại Trung Quốc.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng cho biết, mặc dù sử dụng công nghệ đạt chuẩn Châu Âu nhưng trong quá trình triển khai dự án, Everbright cần tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam theo quy định của pháp luật. Về phần mình, Cần Thơ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án, đảm bảo đúng thời gian, tiến độ như đã cam kết.

Ông Chen Xiao Ping, Tổng giám đốc Công ty TNHH China Everbright International cho rằng, đây là dự án đầu tiên của đơn vị này tại Việt Nam và cũng là dự án đầu tiên sử dụng rác thải để phát điện. “Chúng tôi sẽ tuân thủ pháp luật Việt Nam; sẽ sử dụng công nghệ, thiết bị, quản lý, vận hành tốt nhất để đưa dự án thành dự án trọng điểm ở Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL)”, ông Chen Xiao Ping nói.

Phạm Tâm