1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ban Kinh tế Trung ương:

Cần làm rõ vì sao tăng trưởng của tỉnh Hải Dương giảm liên tục?

(Dân trí) - Làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương sáng 26/2, Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu Hải Dương cần làm rõ nguyên nhân tăng trưởng giảm liên tục mấy năm gần đây.

Tại Hội nghị cho ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Hải Dương lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025, bên cạnh việc đánh giá cao về những kết quả đạt được của Hải Dương trong 5 năm qua, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng yêu cầu Hải Dương phân tích sâu về việc phát triển chưa bền vững của tỉnh này, trong đó có tăng trưởng giảm liên tục mấy năm gần đây.

Cần làm rõ vì sao tăng trưởng của tỉnh Hải Dương giảm liên tục? - 1

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương tham dự Hội nghị của Đảng bộ tỉnh Hải Dương sáng ngày 26/2

Cụ thể, tại Hội nghị cho ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025, sau khi nghe báo cáo, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đã đưa ra hàng loạt ý kiến, góp ý cho tỉnh này.

Đáng chú ý nhất là tỉnh này chưa phát triển bền vững thông qua hàng loạt vấn đề như tốc độ tăng trưởng liên tục giảm, tỷ lệ đô thị hóa thấp, số lượng doanh nghiệp tư nhân ít, nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường và chất lượng nguồn nhân lực chưa cao..

Đặc biệt: "Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục giảm trong những năm gần đây (năm 2019 đạt 8,6%, thấp hơn đáng kể so với 9,1% của năm 2018, và thấp hơn mức 8,9% của năm 2017", Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ.

Theo Ban Kinh tế trung ương, tỷ lệ đô thị hóa thấp của Hải Dương hiện hơn so với mức trung bình cả nước và không đạt chỉ tiêu đặt ra (32,2% so với chỉ tiêu là 33-35% và cả nước là 39,2%) trong khi đây là một trong những động lực của tăng trưởng;

"Tỷ trọng của FDI trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội và GRDP khá cao (29,4% và 45,7% theo thứ tự) nhưng chất lượng chưa cao (gia công, lắp ráp, nội địa hóa thấp)", Ban Kinh tế nêu rõ.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Với các thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng giao thông, nguồn lực con người và quỹ đất, Hải Dương cần xác định là tỉnh công nghiệp với phát triển công nghiệp là hướng đi chủ đạo, coi đây là các yếu tố đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trong thời gian tới.

"Hải Dương cần huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm có tính liên vùng, kết nối hệ thống giao thông nhất là vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, đặc biệt phát triển vận tải thủy nội địa kết nối với đường cao tốc QL5 và cảng biển", góp ý của Ban Kinh tế Trung ương.

Theo gợi ý của Ban Kinh tế Trunh ương, tỉnh Hải Dương thời gian tới cần tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng đồng bộ, hình thành chuỗi giá trị và mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh chuyên môn hóa, nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm

"Có cơ chế chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng để thu hút các dự án đầu tư mới, khuyến khích mở rộng sản xuất các sản phẩm thuộc nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn và chủ lực; thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn, giá trị gia tăng cao của khu vực và thế giới tới đầu tư, để hình thành khu công nghệ cao", Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương khẳng định: Thời gian qua Hải Dương đã có quá nhiều ưu tiên. Tuy nhiên, quan trọng là phải huy động được mọi nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển thì chưa có nhiều.

"Nhiều người có tiền nhưng người ta không đầu tư, và có những lĩnh vực rõ ràng nhu cầu rất lớn, người có tiền cũng không phải ít nhưng lại không có ai đầu tư, đây là vấn đề cần đặt ra", ông Hiển nói.

An Linh