1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cần bao nhiêu tiền để thành “siêu giàu” Việt Nam; “đế chế” gia đình cựu Thứ trưởng đi lùi

(Dân trí) - Tuần qua, thông tin về “đế chế” gia đình của 1 cựu Thứ trưởng đi lùi khiến không ít người băn khoăn đặt câu hỏi. Bên cạnh đó, việc cần bao nhiêu tiền trên sàn giao dịch chứng khoán để lọt top siêu giàu Việt Nam cũng là thông tin được nhiều bạn đọc tò mò.

“Đế chế” gia đình cựu Thứ trưởng đi lùi

Bóng đèn Điện Quang vốn là doanh nghiệp Nhà nước, song sau quá trình cổ phần hoá, hiện tại doanh nghiệp này được quản lý và sở hữu phần lớn bởi người nhà của cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, người cũng từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bóng đèn Điện Quang.

Diễn biến mới đây, trong phiên giao dịch sáng ngày 19/2, cổ phiếu DQC của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang đã hồi phục 200 đồng tương ứng 0,7% lên 27.000 đồng sau khi đánh mất 2,5% vào phiên hôm qua.

Thế nhưng, trong vòng 1 tuần giao dịch đầu năm, cổ phiếu DQC đã sụt 3,23% giá trị và đánh mất 11,37% so với thời điểm 1 năm trước.

Không chỉ cổ phiếu đi xuống, báo cáo tài chính quý IV/2018 với lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 28% so với cùng kỳ xuống còn 31 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 30,4% còn 26 tỷ đồng bất chấp doanh thu tăng khá mạnh hơn 14% lên 432 tỷ đồng.

Một quỹ ngoại thậm chí đã phải bán hơn 3 triệu cổ phiếu Điện Quang, giảm sở hữu từ 10,86% xuống 9,915%.

Cần bao nhiêu tiền để trở thành “siêu giàu” ở Việt Nam?

Cập nhật của Forbes đến thời điểm này cho thấy, đến thời điểm này, Việt Nam có 3 tỷ phú USD sau khi ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát bị bật khỏi danh sách xếp hạng. Trong 1 năm qua, tài sản ông Phạm Nhật Vượng đã tăng mạnh lên 7,4 tỷ USD, xếp thứ 201 thế giới. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet lại sụt giảm tài sản còn 2,3 tỷ USD, xếp thứ 1038 và giá trị tài sản của ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco Trường Hải và gia đình là 1,7 tỷ USD, xếp thứ 1335 thế giới.

ty-phu-usd-1550474155453.jpg

Tại kỳ xếp hạng tháng 3/2018, ông Phạm Nhật Vượng xếp thứ 499 thế giới về mức độ giàu có với giá trị tài sản là 4,3 tỷ USD; bà Nguyễn Thị Phương Thảo xếp thứ 766 với 3,1 tỷ USD; ông Trần Bá Dương xếp thứ 1339 với 1,8 tỷ USD và ông Trần Đình Long xếp thứ 1756 với 1,3 tỷ USD tài sản.

Báo cáo High Net Worth Handbook 2019 vừa được Wealth-X công bố đầu năm nay cho thấy, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng người giàu giai đoạn 2018-2023. Người giàu theo định nghĩa của báo cáo này là những cá nhân sở hữu khối tài sản từ 1 đến 30 triệu USD.

Tốc độ tăng trưởng người giàu tại Việt Nam từ nay đến năm 2023 trung bình là 10,1%/năm, xếp sau Nigeria (16,3%), Ai Cập (12,5%) và Bangladesh (11,4%).

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, không khó nhận ra có hàng trăm người sở hữu tài sản cổ phiếu có giá trị tới hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng, đều là những triệu phú USD. Và để được xếp hạng trong top 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam thì phải có khối tài sản trị giá tới 526 tỷ đồng (vị trí này thuộc về ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sao Mai Group).

Ông Phạm Nhật Vượng đã giàu hơn “người thay đổi thế giới” Herbert Kohler

Trong phiên giao dịch sáng ngày 21/2, VIC của Tập đoàn Vingroup tiếp tục tăng thêm 1.900 đồng tương ứng 1,63% lên 118.400 đồng/cổ phiếu.

pham-nhat-vuong-1549929687976 (2).jpg

Chưa ai thay thế được vị trí "giàu nhất Việt Nam" của ông Phạm Nhật Vượng 

Ở mức giá này, VIC đã tăng giá tới gần 16% chỉ trong vòng 1 tháng giao dịch và tăng tới hơn 66% so với thời điểm này 1 năm trước. Phiên 21/2/2018 cũng là phiên chứng kiến VIC chạm đáy 74.400 đồng.

VIC diễn biến tích cực cũng đã giúp ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup không ngừng thăng hạng trong bảng xếp hạng siêu giàu thế giới của Forbes.

Cập nhật của Forbes cho thấy, tính đến thời điểm này, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã lên tới 7,7 tỷ USD, lọt top 200 người giàu nhất thế giới với vị trí 195. Theo đó, ông Vượng đã bỏ xa nhiều nhân vật đình đám trên thế giới như “Thái tử Samsung” Jay Y.Lee (7 tỷ USD – xếp thứ 223); Chủ tịch Hyundai Chong Mong-koo (4,2 tỷ USD, xếp thứ 482) hay tỷ phú Donald Trump (3,1 tỷ USD, xếp thứ 746).

Khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng hiện cũng đang lớn hơn tài sản của Herbert Kohler, Jr. – Chủ tịch Công ty Kohler, một trong 25 nhân vật vĩ đại được cho là những doanh nhân thay đổi thế giới. Khối tài sản của Chủ tịch Kohler được xác định đạt 7,6 tỷ USD, xếp thứ 197 thế giới.

Sau thời gian lập nghiệp thành công ở Đông Âu và trở về Việt Nam, “ông chủ” Vingroup hiện tại cũng đã giàu hơn tài phiệt dầu mỏ người Nga Alexei Kuzmichev (7,5 tỷ USD, xếp thứ 202). Hồi năm ngoái, tỷ phú người Nga này gây chú ý khi tham gia đầu tư cho World Cup 2018.

Tiền nhiều để làm gì mà đại gia Dương Ngọc Minh phải làm đến mồng 5 Tết?

Sau chuỗi giao dịch dài không mấy thuận lợi, giá cổ phiều HVG của Công ty CP Hùng Vương chỉ trồi sụt quanh ngưỡng 5.000 đồng. Đến phiên 22/2, mã này tăng trần mạnh mẽ 6,8% lên 5.310 đồng.

duong-ngoc-minh-1550070467085.jpg

"Vua cá" Dương Ngọc Minh đang phải gồng mình để đưa Hùng Vương vượt khó, lấy lại những gì đã mất

Tín hiệu tích cực không chỉ ở giá cổ phiếu, gần đây là Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ đợt rà soát thuế chống phá giá lần thứ 14 (POR14), trong đó Hùng Vương thuộc diện chịu thuế 0%. Điều này tạo điều kiện cho công ty đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ năm 2019.

Tuy nhiên, đại gia này vẫn “miệt mài” làm việc xuyên Tết, ông cho biết: “Tôi làm việc xuyên suốt thời gian qua. Bản thân tôi từ 28 âm lịch đến 5h18 phút ngày 5 âm lịch, bên Mỹ mới thông báo cho tôi nghỉ tết được rồi. Cổ đông nên thông cảm và động viên để chúng tôi phấn đấu.”

Thế Hưng