1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Cấm” tiếp viên Vietnam Airlines rời khỏi khách sạn lưu trú khi bay quốc tế

(Dân trí) - Quy định khắt khe được Vietnam Airlines đưa ra sau khi tiếp viên đầu tiên bị xác định nhiễm Covid-19. Hãng này khẳng định sẽ kiểm tra trước và sau chuyến bay, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, sau khi phục vụ chuyến bay VN54 từ London đến Hà Nội hạ cánh sáng ngày 9/3, một nữ tiếp viên cảm thấy mệt nên đã xin nghỉ phép. Ngày 10/3, tiếp viên có triệu chứng ho ít, sốt.

Ngày 11/3, tiếp viên đã chủ động đến bệnh viện xét nghiệm và thực hiện cách ly. Ngày 12/3, kết quả xét nghiệm của tiếp viên được công bố dương tính với Covid-19.

Theo lãnh đạo Đoàn tiếp viên, trong quá trình phục vụ các chuyến bay, phi hành đoàn đều được trang bị đầy đủ thiết bị y tế gồm găng tay, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, khăn tẩm cồn...

“Chúng tôi đã rất cẩn trọng, nhưng tiếp viên của chúng tôi đã bị lây nhiễm Covid-19. Tôi rất lo lắng!” - lãnh đạo Đoàn tiếp viên của Vietnam Airlines nói.

Sau khi nữ tiếp viên phục vụ chuyến bay VN54 từ Anh về Hà Nội bị nhiễm Covid-19, Đoàn tiếp viên đã ra một chỉ thị với nhiều yêu cầu khắt khe để đảm bảo sức khoẻ và ngăn ngừa lây nhiệm cho thành viên tổ bay và các cán bộ nhân viên, tiếp viên khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

“Cấm” tiếp viên Vietnam Airlines rời khỏi khách sạn lưu trú khi bay quốc tế - 1
Đội ngũ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines

Cụ thể, ngoài việc yêu cầu cán bộ nhân viên và tiếp viên của đoàn bay phải sử dụng đầy đủ, đúng cách các loại vật tư phòng dịch như khẩu trang y tế, khẩu trang vải nano kháng khuẩn, găng tay y tế, khăn ướt tẩm cồn diệt khuẩn, chai xịt diệt khuẩn, đồ bảo hộ y tế... đã được trang bị.

Đặc biêt, Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines nghiêm cấm tiếp viên mua bán, vận chuyển là hàng hoá đồ dùng từ nước ngoài về Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh. “Cán bộ các liên đội tổ chức kiểm tra trước và sau chuyến bay, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” - lãnh đạo Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Lãnh đạo Đoàn tiếp viên nhấn mạnh, đối với các chuyến bay nghỉ lại nước ngoài, đặc biệt tại châu Âu, tiếp viên không đi ra ngoài khách sạn lưu trú. Lí do các nơi công cộng, cửa hàng, siêu thị, phương tiện giao thông công cộng, nơi tập trung đông người ... có nguy cơ cao lây nhiễm dịch.

Trường hợp đặc biệt phải báo cáo tiếp viên trưởng và cán bộ liên đội chủ quản để xem xét giải quyết. Khi ra ngoài phải sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên hoặc ngay sau khi chạm, nắm các vật dụng công cộng nhiều người sử dụng.

Cán bộ nhân viên, tiếp viên phải báo cáo ngay khi có bất thường về sức khỏe để được hướng dẫn tự cách ly theo dõi hoặc được khám, xét nghiệm kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân và phòng hộ ngăn ngừa lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng, thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly tập trung tại các cơ sở y tế, cách ly tại nhà nơi lưu trú để theo dõi tình hình sức khỏe theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chiều 13/3, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đưa ra khuyến cáo về tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và có chỉ đạo cụ thể nhằm hạn chế việc lây lan dịch bệnh qua đường hàng không.

Bộ này yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thông báo tới các hãng hàng không Việt Nam, các hãng hàng không quốc tế có đường bay đến Việt Nam về việc triển khai hướng dẫn và đề nghị hành khách cần thiết phải sử dụng khẩu trang trên máy bay và khi vào các nhà ga cảng hàng không tại Việt Nam, tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam.

Bộ GTVT cũng đề nghị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam chỉ đạo các cảng hàng không trực thuộc có phương án hỗ trợ cấp, phát khẩu trang cho hành khách mà không có khẩu trang; đồng thời có biện pháp tuyên truyền tại các nhà ga, yêu cầu sử dụng khẩu trang khi nhập cảnh vào Việt Nam đối với khách quốc tế đến Việt Nam.

Châu Như Quỳnh