1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cải cách kinh tế đang đi sau và hụt hơi so với hội nhập

(Dân trí) - Hội nhập của Việt Nam rất rộng về quy mô và sâu về nội dung nhưng hiện tốc độ cải cách đang chưa theo kịp với hội nhập, chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập. Vì vậy, Việt Nam sẽ không tận dụng được tối đa các thuận lợi mà còn nhận về nhiều thách thức.

Tại hội thảo “Cơ hội đối tác để Việt Nam tham gia thành công vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN” được Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng 13/11 ở Hà Nội, nhiều chuyên gia, học giả Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ về quá trình hội nhập của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong bối cảnh mới.

Chậm cải cách, mất cơ hội

Mặc dù TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) hay các FTA với EU, FTA Việt Nam và khu vực Á – Âu… đang mở ra cơ hội xuất khẩu tỷ đô cho Việt Nam. Song các chuyên gia kinh tế khẳng định, Việt Nam không khai thác được cơ hội từ hội nhập do chậm cải cách thể chế. Việc khai thác lợi thế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một ví dụ.

Số liệu của Viện CIEM chỉ ra, chưa đầy 20% DN Việt hiểu rõ các cơ chế của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), trong đó chỉ khoảng dưới 10% DN biết khai thác thị trường này. Trong khi đó, các DN ASEAN ngày càng "tỏ thông, biết thạo" thị trường Việt Nam, bằng chứng là hàng hóa của họ xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam.

T.S Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM dẫn chứng, chẳng cần chờ đến khi AEC chính thức hình thành mà ngay trong thời điểm đầu năm 2015, dạo qua các siêu thị, cửa hàng nhỏ, quán ăn ở Hà Nội, TP HCM… hàng hóa của Thái Lan, Malaysia tràn ngập.

"Một khi thị trường trong nước tràn ngập hàng hóa nước ngoài, DN Việt cùng ngành hàng sẽ sống sao đây? Cái ngay gần trước mắt, đánh mạnh vào thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, DN là tự do hóa thương mại của 10 nước ASEAN lại không mấy ai quan tâm?", TS. Cung lo ngại.

Hội nhập của Việt Nam rất rộng về quy mô và rất sâu về nội dung hợp tác từ cơ chế hải quan, thuế quan chung, tự do hóa thị trường đến mở cửa thị trường, lĩnh vực nhạy cảm và xây dựng thể chế kinh tế chung của khu vực… Tuy nhiên, hiện tốc độ cải cách đang chưa theo kịp với hội nhập, chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập. Vì vậy, Việt Nam sẽ không tận dụng được tối đa các thuận lợi mà còn nhận về nhiều thách thức.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: Đáng lẽ những cải cách trong nước cần theo kịp với tốc độ hội nhập, thì thực tế hoàn toàn ngược lại. Cứ nói thuế và phí của Việt Nam hiện đang cởi mở nhưng cởi chỗ này lại thắt chỗ kia. Ngay cả đến 1 quả trứng mà phải chịu 14 loại phí khác nhau; một con lợn khi xuất chuồng chịu 51 loại phí. Việt Nam được xem là vô địch về thuế và phí.

Cần chính sách ổn định và dài hạn

Hiện, Việt Nam được xem là cửa ngõ để các DN Nhật Bản vươn sang các thị trường ASEAN khác. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, đặc biệt, chính sách thay đổi nhiều và nhanh đang là nỗi sợ của họ.

GS Toshiro Nishizawa, Trường Đại học Tokyo cho hay: “Cái DN Nhật Bản cần nhất lúc này không phải là những ưu đãi chính sách mà cần chính sách ổn định, chắc chắn và dài hạn để các DN Nhật Bản bỏ vốn đầu ăn và nhìn thấy cơ hội kiếm lời. Việt Nam là cửa ngõ giao thông, thông thương để Nhật Bản đẩy mạnh sự hiện diện của mình hoặc hiện diện của hàng hóa liên doanh Việt - Nhật xuống thị trường các nước ASEAN.

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện CIEM nói: “Không chỉ chính sách của Việt Nam hay thay đổi mà DN Việt Nam cũng hay thay đổi. Tôi nhớ có nghiên cứu chỉ ra điểm cốt lõi nhất của người Việt là tính linh hoạt. Vì linh hoạt nên người Việt thích ứng nhanh và xoay chuyển tốt. Nhưng cũng vì linh hoạt mà người Việt mất điểm”.

Ông Thành cho biết, sân chơi toàn cầu, các DN đều muốn chính sách ổn định, tầm nhìn dài hạn và chiến lược thì Việt Nam chưa làm được điều này. Khiến, chính sách luôn là 1 nỗi lo của hầu hết các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Cũng vì quá linh hoạt nên DN Việt Nam không cần làm chiến lược dài hạn, chỉ ngắn hạn, “làm nay chết mai”. Chính vì thế, DN không cần biết 10 năm nữa, 20 năm nữa bản thân DN mình sẽ đi đâu, xây dựng nhân sự thế nào và hợp tác với ai? Đây cũng là yếu tố khiến DN Việt Nam “trượt” khi “ứng thí” tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của tập đoàn xuyên quốc gia.

Nguyễn Tuyền

 

Cải cách kinh tế đang đi sau và hụt hơi so với hội nhập - 1