1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bối cảnh mới có nhiều "sức ép" đối với Chính phủ

(Dân trí) - "Có thể nhiệm kỳ vừa qua, có những vị Bộ trưởng chưa thực sự chuyển động theo tinh thần cải cách, nhưng tôi hy vọng, Chính phủ mới sẽ thể hiện và duy trì được tinh thần quyết liệt như những lời tuyên thệ của Thủ tướng trước cử tri, nhân dân để từ đó tạo được động lực mới" - đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ với Dân Trí.

Bối cảnh mới có nhiều thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít thách thức với các tân Bộ trưởng (ảnh: Việt Hưng)
Bối cảnh mới có nhiều thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít thách thức với các tân Bộ trưởng (ảnh: Việt Hưng)

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào khi nội các Chính phủ mới có đến phân nửa thành viên có chuyên môn sâu về kinh tế?

Tôi cho rằng điều này sẽ giúp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường được thuận lợi hơn. Chúng ta có quyền hy vọng thời gian tới sẽ có những chính sách đột phá để giúp kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng một cách bền vững.

Vấn đề đặt ra cho Chính phủ là làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong xu thế hội nhập hiện nay, bởi năng lực cạnh tranh yếu kém đang đe dọa đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như thực lực kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, một bộ máy lãnh đạo mới cũng cần tính toán để làm sao cân đối được bài toán: ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý nhưng vẫn đảm bảo được an toàn nợ công.

Với 50% những lãnh đạo còn lại, ông có kỳ vọng gì?

Như đã nói ở trên, 50% lãnh đạo trong bộ máy Chính phủ mới có trình độ chuyên môn về kinh tế và như vậy, 50% các lãnh đạo còn lại trong nội các lo những vấn đề về xã hội.

Đi đôi với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước trong những lĩnh vực xã hội như quản lý đất đai, tài nguyên, rừng; bảo đảm trật tự xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm... Xưa nay, theo như tôi thấy, ta vẫn nặng về quản lý kinh tế trong khi quản lý nhà nước về mặt xã hội hiệu quả vẫn còn chưa tương xứng.

Chủ tịch VCCI mới đây nhận xét, mặc dù Chính phủ có những chính sách rất tốt nhưng sự chuyển động chính sách, sức nóng của cải cách vẫn chưa ra khỏi khuôn viên Văn phòng Chính phủ. Vậy theo ông, trong nhiệm kỳ mới, Chính phủ cần làm gì để khắc phục điều này?

Nhiệm vụ thời gian tới là phải hoàn thiện thể chế, quản lý cán bộ công chức viên chức. Ngay cả ông Chủ tịch Quận cũng phải được quyền cách chức cấp dưới nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm những quy định chính sách mà Nhà nước đã đưa ra.

Trong sử dụng con người, phải tuyển được đội ngũ lao động có năng lực cao nhưng kèm theo đó thì chế độ lương, thu nhập cũng phải cao hơn chứ không phải "xếp hàng" theo hệ số, không khuyến khích được người lao động làm việc.

Có thể nhiệm kỳ vừa qua, như anh Vũ Tiến Lộc nói là có những vị Bộ trưởng chưa thực sự chuyển động theo tinh thần cải cách. Nhưng tôi hy vọng, Chính phủ mới sẽ thể hiện và duy trì được tinh thần quyết liệt như những lời tuyên thệ của Thủ tướng trước cử tri, nhân dân để từ đó tạo được động lực mới.

Bối cảnh hiện nay, nợ công đã lên mức cao; nguồn ODA ưu đãi giảm dần, các khoản vay chuyển sang gần hơn với thị trường, lãi suất vay cao hơn, thời gian vay ngắn hơn... Bên cạnh đó, việc ký kết hiệp định thương mại tự do với trên 50 quốc gia, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới có hiệu lực sẽ đặt nền kinh tế trong cuộc đua cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các nước cũng cải cách mạnh mẽ nên đòi hỏi Việt Nam cũng phải cải cách và bản thân các lãnh đạo Chính phủ, các Bộ trưởng cũng phải chuyển động theo.

Trong nhiệm kỳ này, tân Thống đốc được đánh giá là thành viên Chính phủ trẻ nhất và cũng là Thống đốc trẻ nhất lịch sử. Ông nhận định như thế nào về những thách thức với tân Thống đốc thời gian tới?

Tôi nghĩ Thống đốc 46 tuổi thì cũng không phải là quá trẻ! Điều quan trọng là ông ấy đã từng là Phó Thống đốc và kinh qua nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm nhiều vị trí tại Ngân hàng Nhà nước.

Hơn nữa, thời gian qua dưới sự dẫn dắt của nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tạo được nền tảng về ổn định hệ thống, nền tảng về tái cơ cấu ngân hàng, về xử lý nợ xấu.... Vấn đề là Thống đốc mới phải tiếp tục phát huy và kế thừa những thành quả này tốt đẹp đó để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, đưa công cuộc xử lý nợ xấu lên một “nấc” mới.

Tất nhiên, bên cạnh Thống đốc còn có hệ thống giúp việc, Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia..

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (ảnh: Việt Hưng)
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (ảnh: Việt Hưng)

Cụ thể, theo ông trong việc xử lý nợ xấu, thử thách nào sẽ đặt ra với tân Thống đốc?

Việc xử lý "khối u" nợ xấu, tôi cho là vẫn đang ách tắc nên đòi hỏi cần phải có những biện pháp triệt để hơn. Hiện tại, nợ xấu vẫn đang được chuyển sang VAMC, tới đây phải xử lý vế còn lại là bán đấu giá nợ xấu. Nhưng để bán được nợ xấu và xử lý dứt điểm thì cần một thị trường mua bán nợ. Do vậy, tới đây với tư cách là đầu mối, NHNN phải đẩy nhanh việc hình thành thị trường mua bán nợ.

Nhìn lại thời gian qua, khi nợ xấu được mua gom về VAMC thì thị trường bất động sản chưa ấm lên, nên chỉ có thể tách nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản của các ngân hàng để tín dụng có thể lưu thông. Tín dụng thông đã làm tăng dư nợ và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng 2015. Vấn đề còn lại là nếu không giải quyết thì nợ xấu lại "phình" lên, nên phải xử lý dứt điểm.

Với điều kiện bối cảnh như vừa qua thì việc xử lý nợ xấu của NHNN theo tôi là hợp lý, hữu hiệu nhất, còn bước đi tiếp theo thì phải tiến hành ngay bằng cách phải mổ xẻ cục nợ để thanh lý, đấu giá... Tôi cũng cho rằng, vừa qua phần lớn nợ xấu nằm "chết" trong thị trường bất động sản, khi thị trường này ấm lên thì sẽ giải quyết được.

Vừa rồi, Ngân hàng Thế giới đánh giá hệ thống ngân hàng Việt Nam ở vị thứ thấp hơn trong khu vực, điều này cũng dễ hiểu khi các ngân hàng phải trích lập dự phòng cao. Trước đó, chúng ta cũng từng có thời gian tăng trưởng nóng, lợi nhuận cao nhất trong khu vực, nhưng do chạy theo lợi nhuận nên mới dẫn tới nợ xấu cao.

Còn với Bộ Tài chính, ông đánh giá như thế nào về nhiệm kỳ của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng?

Tôi cho rằng, Bộ trưởng Tài chính đã đảm nhận tốt vai trò điều hành giá cả thị trường, thu – chi ngân sách nhà nước (NSNN), chống thất thu thuế, thu lợi nhuận từ doanh nghiệp nhà nước để đưa vào ngân sách...

Thế nên vừa qua, dù NSNN rất căng thẳng nhưng Bộ Tài chính đã cân bằng được cán cân ngân sách. Tuy vậy, sắp tới, Bộ vẫn phải quyết liệt hơn trong "giữ cửa" ngân sách để tránh tình trạng bội chi vượt dự toán. Kỷ luật ngân sách phải đưa lên hàng đầu.

Điểm tôi đánh giá cao với Bộ Tài chính là đã đề xuất được phương án cho địa phương vay vốn ODA thay vì cấp phát, "cho không", tạo thế ỷ lại như thời gian trước. Từ đó sẽ hạn chế được tình trạng đầu tư dàn trải và lãng phí.

Chúng ta đều biết rằng, NSNN đang trong tình trạng căng thẳng. Gánh nặng ngân sách đặt lên vai Bộ trưởng Tài chính hiện có quá lớn hay không thưa ông?

Tôi nghĩ gánh nặng này là lớn! Việc điều hành, cân đối được cán cân ngân sách đòi hỏi sự cộng hưởng của cả hệ thống chứ không riêng gì Bộ Tài chính. Theo đó, các ngành, lĩnh vực khác cũng phải quyết liệt trong định biên cán bộ công chức, gắn hiệu quả công việc với thu nhập.

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)

Bối cảnh mới có nhiều "sức ép" đối với Chính phủ - 3