1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vấn đề kinh tế đáng chú ý trong tuần:

“Bóc tách” nguyên nhân hoá đơn tiền điện tăng “chóng mặt”; chưa phải lo lạm phát

(Dân trí) - Giá điện được điều chỉnh tăng lên khoảng 8,3% kể từ ngày 20/3 cộng với thời tiết nắng nóng đẩy tiêu thụ điện tăng cao, bị tính luỹ tiến… hoá đơn tiền điện theo đó cũng tăng “chóng mặt”. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc tăng giá điện và giá xăng dầu không tạo nhiều áp lực cho lạm phát năm nay.

Dưới đây, Dân Trí điểm qua những vấn đề "nóng" được độc giả quan tâm trong tuần qua. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc; các vấn đề và thảo luận quan chính sách giá điện.

Tiếp doanh nghiệp Trung Quốc, Thủ tướng nói sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế các dự án BOT, BT

Trong chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc, chiều 25/4, gặp đại diện nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam mong muốn huy động nhiều nguồn lực cho phát triển, bao gồm khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công-tư (PPP), trong đó có các dự án trong khuôn khổ kết nối “Hai hành lang, một vành đai” với “Vành đai và Con đường”. Đó là cơ hội cho các dự án đầu tư của Trung Quốc.

Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng, nhất là những doanh nghiệp có thực lực về tài chính, công nghệ tới Việt Nam đầu tư, hợp tác.

Tiếp các tập đoàn về hạ tầng - xây dựng, Thủ tướng đánh giá cao các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư các dự án tốt tại Việt Nam, đồng thời cũng phê phán một số doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nhưng triển khai chậm, trong đó có một số dự án trong lĩnh vực sản xuất thép, xây dựng đường sắt.

Thủ tướng cho biết: Việt Nam cần vốn đầu tư hạ tầng đường bộ, đường sắt, sân bay. “Chúng tôi sẽ đấu thầu quốc tế để kêu gọi các nhà đầu tư theo hình thức BOT hoặc BT”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Chuyên gia: Tăng giá điện, xăng dầu không tạo nhiều áp lực lạm phát năm 2019

TS Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Tại Diễn đàn giữa các thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng với đại diện doanh nghiệp Việt đang diễn ra ở Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những lo ngại của dư luận xã hội về việc tăng giá xăng, dầu, điện - những mặt hàng đầu vào của ngành sản xuất, có thể khiến lạm phát cao quay trở lại.

Theo TS Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Tăng giá điện, xăng vừa qua đã được tính toán kỹ càng nên không tác động nhiều đến lạm phát .

Ông Bùi Sỹ Tân, Phó TGĐ Công ty quản lý quỹ Vietcombank cho rằng: "Áp lực lạm phát sẽ lớn hơn trong các quý còn lại của năm nay, khi Chính phủ vừa điều chỉnh tăng giá điện lên 8,36% vào cuối tháng 3. Thêm vào đó, giá thịt lợn có thể sẽ tăng trong thời gian tới sau dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, áp lực này không ở mức lo ngại".

Phương án điều hành giá điện, xăng dầu được đề xuất cho vào danh mục "mật"

“Bóc tách” nguyên nhân hoá đơn tiền điện tăng “chóng mặt”; chưa phải lo lạm phát - 1

Bộ Công Thương muốn đóng dấu mật thông tin giá điện, xăng dầu.

Bộ Công Thương vừa có công văn gửi UBND các tỉnh thành lấy ý kiến góp ý về dự thảo Danh mục bí mật nhà nước ngành Công Thương.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất xếp 13 thông tin, tài liệu vào danh mục bí mật Nhà nước độ Tối mật của ngành. Có 30 thông tin, tài liệu được đề xuất xếp vào danh mục bí mật Nhà nước thuộc danh mục Mật.

Đáng chú ý, danh mục được Bộ Công Thương đề xuất xếp vào danh mục mật có: báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố.

Bộ Công Thương khẳng định: Danh mục được xây dựng đảm bảo sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tình hình mới, đầy đủ thông tin, tài liệu mới phát sinh trong thực tiễn thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương.

Hóa đơn tiền điện của người dân tăng cao vì những nguyên nhân này

“Bóc tách” nguyên nhân hoá đơn tiền điện tăng “chóng mặt”; chưa phải lo lạm phát - 2

Nhiều người dân tại TPHCM lo lắng về hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 3 và tháng 4.

Nhiều người dân tại TPHCM đang khá lo lắng về việc hóa đơn tiền điện tháng 3 và tháng 4 tăng cao hơn so với các tháng trước. Tuy nhiên, ngành điện lực TPHCM đã phản hồi về lý do hóa đơn tiền điện tăng cao.

Đại diện Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) cho biết, sở dĩ hóa đơn tiền điện trong tháng 3 và tháng 4 sẽ cao hơn hóa đơn tiền điện trong tháng 2 là vì tháng 2 chỉ có 28 ngày. Trong khi đó, tháng 3 lại có đến 31 ngày, tức là số ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 3 sẽ tăng lên 3 ngày.

Nguyên nhân tiếp theo đó chính là giá điện đã được tăng lên khoảng 8,3% kể từ ngày 20/3 và do nắng nóng kéo dài tại TPHCM trong tháng 3 và tháng 4 khiến cho sản lượng điện tiêu thụ tăng cao.

Nếu sản lượng điện tiêu thụ của người dân tăng cao sẽ khiến cho mức thang tính giá điện sẽ khác nhau. Cụ thể, một gia đình sử dụng 200 kWh điện (bậc 3) thì chỉ phải trả khoảng 402.000 đồng nhưng tăng lên 300 kWh (bậc 4) thì sẽ phải trả số tiền lên tới 768.000 đồng, tức tiền điện tăng đến 91% dù sản lượng điện sử dụng chỉ tăng 50%.

Mai Chi (tổng hợp)