1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Việt Nam lộ diện loạt “đại gia ngầm”; SCIC không “ngồi mát ăn bát vàng”?

(Dân trí) - Các thương vụ thoái vốn khỏi Vinaconex đã giúp lộ diện một loạt doanh nghiệp trong nước với tiềm lực tài chính “khủng”. Trong khi đó, dù nắm trong tay nguồn lực khổng lồ từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp, song hiệu quả đầu tư vốn nhà nước của SCIC vẫn luôn được dư luận đặt câu hỏi. Đây là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Bộ Công Thương đứng đầu bảng về "chi phí gầm bàn"

 Tuần qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu năm 2018.

Theo khảo sát năm 2018, các doanh nghiệp cho biết các thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại các bộ, ngành có chi phí ngoài quy định cao.

Bộ Công Thương với tỷ lệ 50,9% số doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí ngoài quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đứng vị trí thứ 2 với tỷ lệ 34% doanh nghiệp cho biết phải chi phí ngoài quy định trong thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Đứng vị trí thấp hơn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 16%, Bộ Thông tin và Truyền thông với 17,45% doanh nghiệp phải chi phí ngoài quy định khi chịu kiểm tra chuyên ngành.

"Có 15% doanh nghiệp khẳng định sẽ bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí chính thức ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tỷ lệ này dù giảm so với năm 2015 là 31%, song số doanh nghiệp gặp phải chủ yếu là làm thủ tục xuất nhập khẩu", Báo cáo của VCCI và Tổng cục Hải quan nêu.

Việt Nam lộ diện loạt “đại gia ngầm”; SCIC không “ngồi mát ăn bát vàng”? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Công Thương lên tiếng xin lỗi công luận, xin lỗi nhân dân.

Bộ trưởng Công Thương xin lỗi vì vụ xe công đón người nhà ở chân máy bay

4 ngày sau những ồn ào liên quan tới vụ việc xe biển xanh của Bộ vào đón người nhà Bộ trưởng ở khu vực sân bay Nội Bài, trong văn bản phát đi vào chiều ngày 8/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã gửi lời xin lỗi đến công luận, đến nhân dân,…

"Với tư cách là người đứng đầu Bộ Công Thương, đồng thời người trong gia đình có liên quan, tôi xin được nhận lỗi trước công luận vì đã để xảy ra sự việc này", Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và gia đình cũng gửi lời xin lỗi tới toàn thể hành khách có mặt trên chuyến bay VN262 tối ngày 4/1/2019.

"Đặc biệt tôi xin gửi lời xin lỗi đến Nhân dân, đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng nghiệp trong ngành Công Thương. Tôi coi đây là một bài học sâu sắc cho cá nhân, gia đình, và Bộ Công Thương", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Sabeco chính thức trở thành công ty ngoại

Trong một văn bản gửi đến Sở giao dịch Chứng khoán Singapore ngày 3/1, tập đoàn ThaiBev cho hay, BeerCo – công ty con do ThaiBev nắm 100% vốn đã ký thoả thuận với Công ty TNHH Vietnam Beverage về vấn đề tái cơ cấu khoản vay liên quan tới thương vụ mua cổ phần Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – SAB) hồi cuối năm 2017.

Theo đó, Vietnam Beverage đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 681,66 tỷ đồng lên 111.890,46 tỷ đồng (tương ứng tăng thêm 111.208,8 tỷ đồng), trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Với việc BeerCo mua lại khoản nợ của Vietnam Beverage và tăng vốn điều lệ của Vietnam Beverage gấp 164 lần, BeerCo hiện đang nắm giữ tới 99,39% vốn điều lệ của Vietnam Beverage và qua đó đưa Vietnam Beverage từ công ty TNHH MTV trở thành một công ty TNHH nhiều thành viên.

Việc chuyển đổi khoản vay của Vietnam Beverage khiến doanh nghiệp này cũng như Sabeco chính thức trở thành công ty nước ngoài và giúp giảm gần 5 tỷ USD trong tổng nợ quốc gia của Việt Nam. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco sau khi cộng thêm sở hữu của Vietnam Beverage đã tăng lên 63,35%.

Chủ tịch SCIC khẳng định “siêu tổng công ty” không “ngồi mát ăn bát vàng”

Nắm trong tay nguồn lực khổng lồ thu về từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp, hiệu quả đầu tư vốn nhà nước của “siêu tổng công ty” SCIC được dư luận nhiều lần đặt câu hỏi.

Trong một báo cáo công bố tuần trước Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại thời điểm 31/12/2017, tổng giá trị đầu tư bằng nguồn của SCIC là 40.199,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, cơ cấu danh mục đầu tư của SCIC chưa hợp lý, chủ yếu là hoạt động gửi tiền có kỳ hạn; lợi ích thu được chủ yếu từ cổ tức của một số ít doanh nghiệp SCIC nhận bàn giao.

Các khoản SCIC tự đầu tư cũng mang lại hiệu quả thấp, tỷ suất sinh lời năm 2017 là 6,4% trên giá trị vốn đầu tư. Nhiều khoản đầu tư hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả như một số khoản đầu tư vào lĩnh vực nhiệt điện. Ngoài ra, SCIC còn đầu tư, góp vốn mua cổ phần một số doanh nghiệp bất động sản tuy nhiên các doanh nghiệp này chậm triển khai trong thời gian dài, dẫn tới số tiền đầu tư của SCIC bị tồn đọng nhiều năm, gây lãng phí vốn.

Trả lời báo chí tại buổi họp báo hôm nay (7/1), ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch SCIC “trần tình": "Nói SCIC ngồi mát ăn bát vàng nhưng phải thế đâu. Vốn Nhà nước vẫn có thể lỗ, nguy hiểm rủi ro, vì sao SCIC được chia lợi nhuận mang về cho Nhà nước?".

"Riêng khoản đầu tư Vinaconex, cách vài năm đầu tư vào đó 2.000 tỷ đồng, dư luận nói tại sao đưa vào công ty thua lỗ như thế. Không đầu tư vào thì công ty phá sản và vốn Nhà nước mất. Chúng tôi với trách nhiệm cổ đông, chức năng nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, đưa đầu tư vào và cùng anh em Vinaconex dần dần đưa Vinaconex vượt qua khó khăn. Đầu tiên chia lợi nhuận 4%, sau 8%, 12%. Tự nhiên ngồi mát ăn bát vàng sao được", ông Chi dẫn ví dụ.

Thương vụ thoái vốn tại Vinaconex, Việt Nam lộ diện dần loạt “đại gia ngầm”

Các thương vụ thoái vốn khỏi Vinaconex của Viettel, SCIC và của quỹ ngoại Pyn Elite Fund đã giúp lộ diện một loạt doanh nghiệp trong nước với tiềm lực tài chính “khủng” như Bất động sản Cường Vũ, An Quý Hưng, Đầu tư Star Invest.

Đáng chú ý hơn, sáng 11/1, Vinaconex đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường (ĐHĐCĐ) năm 2019. Tại đại hội, đại diện nhóm cổ đông An Quý Hưng, công ty nắm giữ trên 57% vốn điều lệ của Vinaconex lộ diện chính là ông Đào Ngọc Thanh.

Việt Nam lộ diện loạt “đại gia ngầm”; SCIC không “ngồi mát ăn bát vàng”? - Ảnh 2.

Ông Đào Ngọc Thanh

Ông Đào Ngọc Thanh (sinh năm 1946) đã và đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Cotana Group. Bên cạnh đó, ông Thanh hiện còn đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (API) và là kiến trúc sư trưởng các dự án hiện nay của API.

Ông Thanh còn được biết đến như cha đẻ, CEO của dự án Ecopark, thành phố xanh lớn nhất Miền Bắc. Dự án Ecopark là một trong những dự án của Vihajico do ông Lương Xuân Hà và ông Đào Ngọc Thanh cùng nhau gây dựng. Hiện ông Thanh cũng chính là Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Vihajico.

Phương Dung (tổng hợp)

Việt Nam lộ diện loạt “đại gia ngầm”; SCIC không “ngồi mát ăn bát vàng”? - Ảnh 3.