1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Có tiêu cực trong chống buôn lậu và hàng giả!!

(Dân trí) - Khẳng định không thể không có hiện tượng tiêu cực trong các lực lượng chức năng, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, với 5.200 cán bộ, lực lượng quản lý thị trường quá mỏng, trong khi diễn biến của các đối tượng vi phạm lại quá tinh vi, phức tạp

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tại phiên giải trình về công tác phòng chống buôn lậu do Ủy ban Kinh tế tổ chức ngày 7/1, trong 3 năm từ 2010 đến tháng 9/2013, các lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 800.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó riêng lực lượng quản lý thị trường phát hiện gần 300.000 vụ. 

Tuy nhiên, với kết quả này, các thành viên Ủy ban Kinh tế và các đại biểu Quốc hội vẫn tỏ ra không hài lòng. Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội đặt vấn đề, liệu trách nhiệm của quản lý thị trường đến đâu, khi "ở trên đất nước chúng ta, đâu cũng mua được hàng lậu, hàng trốn thuế".


Quản lý thị trường: 5.200 cán bộ vẫn là "quá mỏng"!

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, phần tồn tại trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái có một phần do nguyên nhân khách quan. Theo đó, trong khi đường biên trên 3.000 km, hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp thì lực lượng quản lý thị trường lại mỏng về người và phương tiện với khoảng 5.200 người và chỉ mới 70% đơn vị quản lý thị trường có trụ sở làm việc ổn định.

Tình trạng chung của lực lượng kiểm tra kiểm soát vẫn là thiếu kinh phí và phải đối phó với những phương thức thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, sử dụng kỹ thuật hiện đại... Đơn cử lực lượng quản lý thị trường, nhiều đội chỉ có 3-4 người quản lý trên địa bàn 3,4 huyện. Trong vòng 15 năm trung bình, mỗi chi cục tăng thêm 1,5 người/năm. Biên chế thiếu, tình trạng phổ biến sử dụng 15-20% hợp đồng ngắn hạn, nhiều đội phải đi thuê, sinh hoạt chật chội.

Ngoài ra, do hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tuy phát triển nhưng một số chủng loại chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng, là cơ hội để hàng lậu, hàng giả xâm chiếm. Tình trạng thiếu việc làm của dân cư biên giới cũng là nguyên nhân khiến các hộ nghèo thiếu phương kế mưu sinh tham gia vận chuyển hàng lậu.

Bộ trưởng Hoàng cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân còn do nhận thức đấu tranh chống buôn lậu chưa quán triệt, mỗi nơi có một sự khác nhau; hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, nhiều lĩnh vực chồng chéo thiếu đồng bộ, tuyên truyền phổ biển luật chưa quan tâm đúng mực v.v...

Lãnh đạo Bộ Công thương đề xuất, bên cạnh các chính sách nâng cao khả năng chống hàng giả, hàng lậu thì cần phải tăng biên chế cho lực lượng quản lý thị trường, số lượng khoảng 1.000 người. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết, hoạt động sắp tới của lực lượng này có thể sẽ gặp khó khăn do từ đầu tháng 7 tới, Luật xử phạt hành chính có hiệu lực, toàn bộ tiền phạt vi phạm hành chính từ hoạt động quản lý thị trường sẽ phải nộp ngân sách nhà nước, các lực lượng không được trích lại như hiện nay.

Do vậy, Bộ trưởng Hoàng kiến nghị, các lực lượng chức năng thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được tiếp tục sử dụng qua việc trích một phần kinh phí từ thu phạt hành chính và tịch thu hàng hóa vi phạm để sử dụng cho công tác của mình. 

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
 Hảng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế liên tục tràn vào Việt Nam với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp (ảnh: Trung Kiên).

Hiệu quả của Quản lý thị trường có tương xứng với chi phí nuôi đội ngũ này không?

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội đã lập tức đặt câu hỏi, liệu có tình trạng tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu, hàng giả hay không. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đánh giá, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương đã không đề cập đầy đủ về thực tế diễn ra.

Ông lấy ví dụ không có trong báo cáo, đó là vụ buôn lậu 2.600m3 dầu DO của công ty dầu Hoàng Sơn (Thanh Hóa). Tàu buôn lậu lại chính là con tàu từng bị bắt trước đây, không làm đăng kiểm mà vẫn ngang nhiên buôn lậu hàng nghìn m3, ngang nhiên hoạt động mà cả biên phòng và cảnh sát biển “không biết”. Đến khi công an và hải quan đi trên tàu cá mới bắt quả tang. Hay như vụ việc Móng Cái bắt xe tải 200 kiện thuốc lá lậu, nhất là vụ 230 kg ma túy loạt qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất... vừa qua.

Ông Cương cho rằng, riêng quản lý thị trường, đây là khâu yếu. Tư thương ngang nhiên buôn bán không cần giấu diếm, từ hàng gia dụng đến xăng dầu, gỗ... Tỷ lệ 85% thuốc lá buôn lậu trong nước nói lên tất cả, cho thấy sự thờ ơ, bất lực của cơ quan chức năng. 

Vị đại biểu đặt câu hỏi, "liệu có ngăn chặn được tình trạng này không, liệu có tiêu cực trong lực lượng quản lý thị trường hay không?". Bộ Công thương vẫn chưa đưa ra được một câu trả lời và cho phương án kiểm soát.

"Còn một số lực lượng chưa làm tốt công việc của mình, đâu đó còn lấp ló sự tiêu cực, bỏ qua, làm ngơ cho buôn lậu. Vấn đề này, tôi nghĩ qua kết quả điều tra có thể làm rõ hơn", ông Cương nói. Đại biểu này đề nghị phải có phương án cách chức, điều chuẩn cán bộ làm ngơ, bảo kê cho buôn lậu.

Đại biểu Trần Du Lịch cũng đưa ra cùng nhận xét, cho rằng báo cáo của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chưa đánh giá hết hệ quả nghiêm trọng của tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng cấm. Các diễn biến này để lại hệ quả là "phá hoại nền kinh tế Việt Nam, gây mất niềm tin cho tất cả những doanh nghiệp làm ăn ngay thật, đang cố sức để xây dựng thương hiệu". 

Ông Lịch đề nghị Bộ Công thương phải làm rõ, phải chăng có tiêu cực trong nội bộ những người chống tiêu cực?  Phải làm rõ nguyên nhân, giải quyết tận gốc vấn đề chứ không thể cứ đổ cho cơ chế, phương tiện.

Có một thực tế theo ông Lịch đó là, lực lượng chức năng của Việt Nam vẫn đang chỉ đi bắt, rượt đuổi người làm thuê, người chở hàng lậu qua biên giới chứ chưa truy bắt đầu nậu. "Nếu không đánh từ gốc, mà cứ bắt ngọn thì làm sao giải quyết được vấn đề" và một lần nữa ông Lịch nghi vấn, "liệu có tiêu cực ở đây hay không?".

Tiếp lời, đại biểu Đỗ Văn Đương cũng cho biết, bản thân ông đã nhận được khiếu nại tố cáo quản lý thị trường,  cho rằng có bao che tiếp tay cho buôn lậu cho lên thị trường đầy hàng giả, nhái. "Quản lý thị trường có trên 5.000 người, xin hỏi trong mấy năm qua lực lượng này phát hiện, bắt giữ được bao nhiêu vụ? Hiệu quả của Quản lý thị trường có tương xứng với chi phí nuôi đội ngũ này không?" - ông Đương chất vấn.

Báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, "chắc chắn không thể không có hiện tượng tiêu cực trong các lực lượng chức năng, đó là điều khẳng định". 

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, "hiện tượng tiêu cực theo tình hình mà chúng tôi nắm được, trước hết là trong lực lượng quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công thương, đây chỉ là thiểu số, số ít, xin khẳng định như vậy! Nếu không thì chắc chắn rằng hoạt động trên mặt trận này vừa qua đã không đạt được kết quả, dù rằng các vị đại biểu nói chưa đáp ứng được yêu cầu". 

Cũng theo Bộ trưởng, trong công tác thanh tra, phát hiệu tiêu cực, năm 2012 và nửa đầu 2013, 45 cán bộ quản lý thị trường đã bị xử lý, trong đó cách chức 2, buộc thôi việc 4 và cảnh cáo 39 người. Công tác luân chuyển cán bộ, thanh tra nội bộ được tiến hành thường xuyên.

Góp thêm ý kiến, Trung tướng Nguyễn Tiến Lực (Phó tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống tội phạm, Bộ Công an) cũng cho biết, công tác xử lý đầu nậu trên thực tế có khó khăn bởi để xử lý hình sự các đầu nậu, rất khó chứng minh là lô hàng được buôn lậu qua biên giới trong khi các chủ hàng bị bắt đều khai là hàng hóa mua gom ở chợ qua từng người dân biên giới. 

Ông Lực cũng chia sẻ, tháng vừa rồi bắt 13 vụ, có vụ tiền tỷ nhưng không xử lý được. Đồng thời đề xuất phải có quy định, nếu là hàng nước ngoài mà không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ là xử lý”.

Bích Diệp
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước