1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bộ trưởng Tô Lâm nói về vụ "anh thợ điện đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng"

(Dân trí) - Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội chiều 30/10, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã nói về vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ngày 30/1 công an thành phố Cần Thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thảo Lực, với hành vi thu mua 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Theo Bộ trưởng, căn cứ những điều trên, công an thành phố tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại địa chỉ quê nhà ông Lực. Qua khám xét, tạm giữ hơn 1.000 sản phẩm kim loại màu vàng, màu trắng, đá hột, sổ sách kinh doanh và một số tang vật khác. Ông Lực là chủ nhà không trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, không có giấy phép mua bán ngoại tệ.

"Công an thành phố Cần Thơ có đủ căn cứ chứng minh vi phạm hành chính và UBND TP Cần Thơ đã quyết định xử phạt ông Lực. Căn cứ Nghị định 185 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên hoạt động thương mại buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử phạt ông Lực. Hiện công ty và ông Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt hành chính, không có khiếu nại, khởi kiện gì", Bộ trưởng thông tin.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, đây là vụ việc gây bức xúc dư luận.

"Dù có quy định xử phạt, nhưng đây là người dân đi đổi chứ không phải cửa hàng kinh doanh ngoại tệ. Việc khám xét nhà cũng phải đúng quy định, đúng thời gian. Dù người dân có vi phạm nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem xét, sửa lại quy định xử phạt hành chính cho hợp lý", bà Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, phạt hành chính mà 6 - 9 tháng sau mới ra quyết định. Do đó, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo, thực hiện đúng pháp luật nhưng cái gì chưa đúng, chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ.

Trước đó, đề cập tới sự việc này tại phiên thảo luận ngày 27/9, Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) thẳng thắn cho rằng, vụ việc đổi 100 USD mà bị xử phạt 90 triệu đồng là "điển hình của sự thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý Nhà nước, làm dư luận không đồng tình".

"Chúng ta đã giúp người dân nhận diện nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi chưa? Sự tồn tại của các điểm đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều. Điều đó trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước", ông nói.

Ông Chiến cũng cho rằng, mức phạt cũng cần phải xem xét lại, vì đổi 10 USD, 100 USD hay 1.000 USD đều phạt từ 80 triệu đồng tới 100 triệu đồng là không phù hợp.

"Cơ chế thị trường có cung ắt có cầu, thị trường buôn bán, chuyển đổi ngoại tệ đen vẫn hoạt động công khai, hầu như không bị xử phạt. Thiết nghĩ, Nhà nước phải thu dẹp trước để người dân không còn vi phạm như anh thợ điện”, ông nói.

Trước đó, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 26/10, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cũng đề cập tới vụ xử phạt này và cho biết: "Khi vào cuộc khảo sát thì đa số người dân không biết đến quy định cụ thể này. Do đó, một vụ việc xử phạt vi phạm hành chính mà công an phải họp báo thì điều này xưa nay cũng hiếm”.

“Ở đây tôi muốn nói đến là việc xem xét, đánh giá trách nhiệm và thực hiện như thế nào? Trong thời gian qua có nhiều văn bản mới ban hành đã gặp phản ứng không đồng tình mạnh mẽ của nhân dân, truyền thông quan tâm đăng tải phản ánh thế là văn bản dừng thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ khi chưa có hiệu lực hoặc có hiệu lực không bao lâu", bà Dung nói.

Phương Dung

Bộ trưởng Tô Lâm nói về vụ "anh thợ điện đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng" - 2