1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bộ trưởng Tài chính: “Chúng ta không làm thì vẫn phải ăn”

(Dân trí) - Chia sẻ vừa trên góc độ người điều hành ngân sách, vừa trên góc độ đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ nỗi trăn trở trước thực tế nợ thì tăng rất nhanh nhưng tăng trưởng kinh tế lại rất khó khăn. “Nếu nói thẳng tưng, thu không được thì không chi thì quá đơn giản, nhưng cuộc sống thì khác, chúng ta không làm vẫn phải ăn…”

Gánh nặng dồn vào ngân sách Nhà nước

Báo cáo của Chính phủ về nợ công cho thấy, đến cuối năm 2016, các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép: nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, cơ quan điều hành thừa nhận “công tác quản lý nợ công đã bộc lộ một số bất cập”. Cụ thể, nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ (ngoài sự gia tăng nợ trong nước).

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng không khỏi trăn trở trước áp lực nợ gia tăng nhanh trong khi tăng trưởng khó khăn.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng không khỏi trăn trở trước áp lực nợ gia tăng nhanh trong khi tăng trưởng khó khăn.

Trên tư cách đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhìn nhận, dư luận rất quan tâm đến nợ công. Mặc dù theo báo cáo, nợ công đã cải thiện một bước nhưng cũng “chỉ ở mức độ” và tỷ lệ nợ công/GDP đã sát trần Quốc hội quy định.

Người đứng đầu ngành tài chính cũng bày tỏ nỗi trăn trở trước thực tế nợ thì tăng rất nhanh nhưng tăng trưởng kinh tế lại rất khó khăn. Năm ngoái tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 6,21%, năm nay cũng chỉ ước đạt 6,2%, thấp hơn kế hoạch là 6,7%.

Theo quy định của Luật NSNN, nếu thu không đạt dự toán thì phải giảm chi. Thế nhưng, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, “những năm qua, chúng ta không làm được điều đó, thậm chí còn tăng chi, nên gánh nặng dồn vào nợ công”.

“Nếu nói thẳng tưng, thu không được thì không chi thì quá đơn giản. Nhưng cuộc sống thì khác, chúng ta không làm vẫn phải ăn. Quyết tâm thì cao, nhưng tổ chức thực hiện thì thấp nên gánh nặng dồn vào NSNN. Nhưng NSNN không phải cái giỏ, ai muốn đổ gì vào đó thì đổ”, vị Bộ trưởng chia sẻ.

Thế nhưng, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì nếu thời gian qua, Quốc hội không quyết liệt “còn lâu Bộ trưởng Dũng mới tái cơ cấu được nợ công”.

Trước đây, thời hạn vay trái phiếu Chính phủ rất ngắn, chỉ 1-2 năm, lãi suất cao, chưa chia xong vốn, chưa phân bổ xong thì đã tới thời hạn trả nợ. Áp lực lớn quá, Quốc hội đã yêu cầu phải giảm tỷ lệ vay nước ngoài, yêu cầu không được vay kỳ hạn dưới 5 năm và không quá 30% kỳ hạn trên 5 năm. Chỉ vài năm, Bộ Tài chính đã cơ cấu lại kỳ hạn vay và lãi suất trái phiếu Chính phủ, nên đã có kết quả tái cơ cấu nợ như hiện nay.

“Vay mới tới hạn trả được nợ là an toàn, không trả được thì không an toàn”, bà nói.

Giảm xuống tối thiểu những dự án khó định lượng kiểu "nâng cao năng lực"

Theo nhận xét của đại biểu Phan Huỳnh Sơn (An Giang), riêng trong vấn đề vay ODA, có nhiều dự án theo hướng chung chung như "nâng cao năng lực, tăng cường năng lực bộ ngành"... kết quả nhìn thấy rất trừu tượng, khó đánh giá.

Chính vì vậy, những dự án không định lượng được cần phải giảm xuống tối thiểu, trừ trường hợp thật sự có ý nghĩa và bất khả kháng mới đưa vào.

Quan điểm này được nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu rất đồng tình. Theo ông, vay ODA để “tăng năng lực” cần phải giảm, “chứ mua xe cộ về rồi lại dùng với mục đích không rõ ràng. Tôi thấy giảm rồi nhưng quyết tâm thì phải giảm hơn nữa”.

Trong báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài (năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001). Trong đó tập trung vào 3 chủ nợ lớn, đó là: Nhật Bản (tăng 6,8 lần), Ngân hàng Thế giới (WB - tăng 11,5 lần) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB - tăng 20,3 lần).

Việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Trên thực tế đã có một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng trả thay; còn thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối trả nợ.

Bích Diệp