1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bộ trưởng Công Thương nói về hiệu quả bô xít Tây Nguyên, sức khoẻ Đạm Ninh Bình

(Dân trí) - Người đứng đầu ngành công thương trả lời chất vấn trước Nghị trường Quốc hội liên quan tới hiệu quả dự án bô xít Tây Nguyên và những vướng mắc tại dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, đáp lại câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về hiệu quả kinh tế các công trình khai thác bô xít Tây Nguyên, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, dự án gồm 2 dự án sản xuất alumin tại Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng).

Năm 2013, dự án tại Tân Rai đi vào hoạt động, đạt công suất thiết kế phê duyệt, sản lượng hiện là 650.000 tấn alumin. Trong khi đó, Dự án Nhân Cơ đi vào hoạt động năm 2016 và đã có sản phẩm đầu tiên, đạt công suất năm 2018 là 85% với khoảng 580.000 tấn; dự kiến năm 2019 đạt 100% công suất thiết kế.

"Dự án đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu đặt ra trong báo cáo khả thi được phê duyệt. Một số vấn đề dư luận lo ngại liên quan tới chất lượng công nghệ, bảo vệ môi trường, sự vận hành ổn định, an toàn nhà máy và các tác động đời sống người dân..., đến nay cơ bản đạt được theo yêu cầu. Điểm thuận lợi hiện nay là thị trường alumin phát triển tốt, giá bán tăng liên tục, năm 2019 giá có thể lên "đỉnh" khoảng 672 USD", ông nói.

Bộ trưởng cho biết, tổng thể phát triển ngành bô xít không đơn thuần ở khai thác, chế biến alumin xuất khẩu, mà đây là tổ hợp dự án lớn và được phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn đầu là triển khai xây dựng 2 dự án alumin, kế tiếp sẽ thực hiện dự án điện phân nhôm trên cơ sở đánh giá lại kết quả thực hiện 2 nhà máy ở Tân Rai và Nhân Cơ.

"Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, địa phương để có đánh giá toàn diện, tổng thể hiệu quả dự án trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh, chính trị... Dự kiến việc tổng kết sẽ kết thúc vào cuối năm 2018, sau đó Bộ Công Thương xin ý kiến cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư tiếp theo", Bộ trưởng cho biết.

Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi liên quan tới 12 đại dự án thua lỗ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, trong số các dự án này, Nhà máy Đạm Ninh Bình hiện tồn tại nhiều vấn đề vướng mắc và “sức khỏe đang có vấn đề nhất”.

Theo Bộ trưởng, đối với dự án này, một trong những vướng mắc hiện tại là việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán dự án theo chỉ đạo của Chính phủ. Song khi vào nghiên cứu để triển khai kiểm toán đã kiến nghị không thể kiểm toán được bởi công tác quyết toán dự án đầu tư của Đạm Ninh Bình chưa hoàn thành.

"Nguyên nhân là vướng mắc pháp lý giữa chủ đầu tư và nhà thầu EPC của Trung Quốc. Ngoài ra, có rất nhiều vướng mắc trong qua trình triển khai dự án giữa nhà thầu, chủ đầu tư và cơ quan chủ quản là Vinachem", Bộ trưởng cho biết.

Do tranh chấp kéo dài, trải qua nhiều giai đoạn lãnh đạo khác nhau của Vinachem và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã dẫn tới tồn đọng liên quan tới vấn đề chạy thử, cung cấp than cho dự án và một số nội dung khác về giám sát, chi phí thiết bị của nhà máy đều chưa thống nhất được. Có khả năng chúng ta phải xử lý bằng tranh chấp pháp lý tại tòa.

Vì vậy Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đã chỉ đạo Vinachem chuẩn bị phương án mời tư vấn pháp lý, triển khai thực hiện các biện pháp. Trong đó, có xử lý tranh chấp tại tòa. Thời gian tới, Ban chỉ đạo Chính phủ sẽ chỉ đạo Vinachem và chủ đầu tư phải tiếp tục làm rõ chi tiết liên quan tới quá trình quản trị dự án đầu tư nhằm đồng thời phục vụ cho việc cơ quan thanh tra, điều tra sẽ xem xét trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan để có hướng xử lý về mặt pháp lý.

Đồng thời, sẽ tìm phương án giải quyết tranh chấp với tổng thầu cũ để có cơ sở thống nhất các biện pháp thực hiện quyết toán dự án đầu tư và thực hiện kiểm toán dự án. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp khác về tài chính, cơ cấu nợ, quản trị doanh nghiệp, quản trị dự án trong quá trình vận hành dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của các phương án sản xuất - kinh doanh.

"Hiện nay, sản phẩm của nhà máy vẫn lưu hành trên thị trường nhưng vẫn cần phải thực hiện các giải pháp trong thời gian tới", Bộ trưởng nói thêm.

Phương Dung

Bộ trưởng Công Thương nói về hiệu quả bô xít Tây Nguyên, sức khoẻ Đạm Ninh Bình - 2