1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đắk Nông:

Bỏ thành phố lên núi trồng trái cây sạch kiếm tiền tỷ

(Dân trí) - Từ bỏ phố thị sầm uất, hai lão nông chọn mảnh đất Đắk Nông để “khởi nghiệp” từ cây ăn quả. Nắm bắt xu thế thị trường, cả hai nông dân này đều tập trung sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, hàng năm mỗi người thu về cả tỷ đồng.

“Vua sầu riêng” Đắk Nia

Ông Nguyễn Ngọc Trung (bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia, TX. Gia Nghĩa) được người dân địa phương gọi là “vua sầu riêng” của vùng Đắk Nia. Với hơn 40 ha sầu riêng, trang trại mà ông Trung đang gây dựng thuộc vào loại lớn của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên để có được thành công như ngày hôm nay, lão nông này đã gặp không ít thử thách khó khăn. Tất cả bắt đầu từ một cơ duyên hết sức tình cờ.


Mỗi năm trang trại của ông Trung cung cấp ra ngoài thị trường khoảng 500 tấn sầu riêng, cho doanh thu gần 20 tỷ

Mỗi năm trang trại của ông Trung cung cấp ra ngoài thị trường khoảng 500 tấn sầu riêng, cho doanh thu gần 20 tỷ

Năm 2004, trong một lần ngược Nam ra Bắc, ông đi lạc tới thị xã Gia Nghĩa. Trong lúc nói chuyện với người bản địa, biết ở đây đất rẻ hơn khu vực khác, khí hậu lại tương đồng với Lâm Đồng nên ông quyết định mua 62 ha của một số hộ gia đình thôn bon Sê Rê Ú. Sau khi mua được đất, ông rời TP.HCM về lập nghiệp trên mảnh đất này.

Ông Trung cho biết, ông từng là giáo viên trường Trung cấp Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang. Sau khi trường giải thể, ông lên TP.HCM kinh doanh. Công việc thuận lợi nhưng ông vẫn “nặng lòng” với nông nghiệp mà trước giờ mình từng theo đuổi, đam mê nên khi “đến Đắk Nông, những đam mê ấy lại sống lại".

Chỉ tay về phía những hàng sầu riêng trĩu quả, ông Trung tâm sự: “Công việc làm vườn giờ không chỉ là quen thuộc mà với nhiều người đã trở thành một sở thích. Làm nhiều năm, “tay nghề” làm vườn của tôi cũng được nâng lên. Bây giờ cây ra hoa khi nào, cây nào khỏe mạnh và mắc bệnh nào tôi đều biết để điều trị”.


Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn toàn cầu đầu tiên tại Đắk Nông

Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn toàn cầu đầu tiên tại Đắk Nông

Để trái cây chất lượng, ông Trung phải lặn lội khắp các tỉnh miền Tây để chọn mua giống tốt. Hiện trang trại đang trồng ba giống sầu riêng chính có chất lượng thơm ngon, cơm vàng, hạt lép. Mỗi cây sầu riêng “cõng” trên mình khoảng 1,5-2 tạ trái, tính ra hàng năm mỗi cây cũng đem về tiền triệu.

Lão nông chia sẻ thêm: “So với nhiều cây trồng khác thì sầu riêng đang được xem là cây đem lại thu nhập cao cho nhà vườn. Ngoài sản xuất chính vụ, tôi còn “căn” để sầu riêng ra trái vụ nên thời điểm nào cũng có thương lái đến hỏi mua trái cây. Sầu riêng trái vụ cũng bán được giá cao gấp 2-3 lần chính vụ. Toàn bộ diện tích sầu riêng được trồng theo tiêu chuẩn VietGap nên được thị trường ưa chuộng, tin tưởng”.

Sau nhiều năm gắn bó với cây đặc sản này, gần 7.000 gốc sầu riêng của ông Trung đã cho năng suất ổn định, cung cấp ra thị trường khoảng 500 tấn sầu riêng sạch, cho doanh thu 20 tỷ đồng mỗi năm.

Trồng măng cụt theo tiêu chuẩn toàn cầu

Giống như ông Trung, hơn 20 năm trước, ông Trần Quang Đông cũng từ TP.HCM lên Đắk Nông đầu tư xây dựng trang trại trồng măng cụt. Trang trại rộng khoảng 10 ha nằm tại xã Đắk Nia (TX. Gia Nghĩa) được phân làm 5 lô sản xuất, trồng măng cụt theo các lối thẳng thắn. Đặc biệt, đây là trang trại duy nhất tại Đắk Nông đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn quy trình Thực hành Nông nghiệp tốt toàn cầu).


Mỗi năm, mô hình này cung cấp cho thị trường hơn 50 tấn măng cụt sạch

Mỗi năm, mô hình này cung cấp cho thị trường hơn 50 tấn măng cụt sạch

Ông Đông cho biết: “Cái khó của GlobalGAP không chỉ đòi hỏi về kỹ thuật mà công việc phải được sắp xếp theo một hệ thống bài bản, tỉ mỉ. Từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc cho đến thu hoạch và bảo quản phải được theo dõi, ghi chép một cách cụ thể. Việc ghi chép nhật ký hoạt động chăm sóc vườn cây sẽ bảo đảm cho việc truy tìm nguồn gốc của sản phẩm, nhất là những sản phẩm có vấn đề về chất lượng. Nếu có một lô sản phẩm không đạt yêu cầu thì chỉ cần xem nhật ký là có thể biết được lỗi bởi khâu nào”.

Chi phí đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP thường cao hơn 50% so với trang trại bình thường. Bên cạnh đó, để sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sản phẩm khi đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm về đầu ra.

Bình quân mỗi năm, trang trại của ông Đông xuất bán ra thị trường khoảng 50 tấn măng cụt. Cây măng cụt càng lâu năm càng cho sản lượng nhiều hơn (tuổi thọ của măng cụt kéo dài hơn 100 năm). Theo tính toán, khi toàn bộ hơn 10 ha măng cụt của trang trại đạt "độ chín" thì có thể đạt tới 200 tấn quả.

Ông Đông phân tích thêm: "Trong thời kỳ kinh tế hội nhập, việc cung ứng sản phẩm ra thị trường cần phải theo hướng an toàn - bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng thì mới được đón nhận. Do đó, nếu sản phẩm vượt qua được các "rào cản" về kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng… thì người sản xuất không phải lo nghĩ nhiều tới đầu ra. Đây là năm đầu tiên trang trại đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Với tiêu chuẩn này, sản phẩm của trang trại có thể vươn ra các thị trường châu Âu và nhiều nước khác. Hơn nữa, sản phẩm măng cụt của chúng tôi nếu xuất khẩu qua châu Âu thì có giá trên 100.000 đồng/kg, gần gấp đôi thị trường trong nước !"

Theo Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Đắk Nông, hiện nay người tiêu dùng coi vấn đề an toàn thực phẩm là "thước đo" quan trọng nhất của sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, đối với người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm càng đòi hỏi cao hơn. Chính vì vậy, những trang trại sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch tại xã Đắk Nia là hướng đi đúng, có thể tồn tại, phát triển lâu dài, ổn định. Sản phẩm nông nghiệp của những mô hình này có đầu ra ổn định, tạo thu nhập cao cho người lao động.

Dương Phong