1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Điều hành xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng lý do không tiếp thu ý kiến Bộ Tài chính

(Dân trí) - Giải trình với Thủ tướng về lý do không tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho rằng việc cấm xuất khẩu gạo để buộc phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm.

Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng lý do không tiếp thu ý kiến Bộ Tài chính - 1
Bộ Công Thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan đến vụ xuất khẩu gạo.

Cấm xuất khẩu để buộc bán dự trữ là không nên

Trong báo cáo vừa được gửi tới Thủ tướng về các ý kiến của Bộ Tài liên quan tới việc điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đưa ra một số lý giải cụ thể vì sao “không tiếp thu" ý kiến của Bộ Tài chính.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết họ đã 2 lần góp ý với Bộ Công Thương về điều hành xuất khẩu gạo nhưng không được Bộ Công Thương tiếp thu.

Giải thích về vấn đề này với lãnh đạo Chính phủ, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành và sau đó là của Bộ Công Thương trình bày nhiều vấn đề, bao gồm đánh giá tình hình, dự báo các khả năng, phản ứng của quốc tế đối với lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo, phương án và phương thức điều hành xuất khẩu gạo…

“Bộ Tài chính không phản đối hạn ngạch xuất khẩu gạo cũng như phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS). Không những thế, Bộ Tài chính còn giúp Bộ Công Thương hoàn chỉnh phương án điều hành qua các góp ý về thẩm quyền áp dụng hạn ngạch cũng như các trường hợp không cần áp dụng hạn ngạch”, ông Khánh cho biết.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong cả 2 lần góp ý, ý kiến quan trọng nhất của Bộ Tài chính là chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15 tháng 6 năm 2020 để "bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia".
Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu "linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế".

“Bộ Công Thương đã 2 lần giải trình với Thủ tướng Chính phủ về lý do không thể tiếp thu ý kiến này của Bộ Tài chính”, ông Khánh cho biết.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, việc cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra.

“Cách giải quyết phù hợp nhất, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ là tiếp tục cho xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo tẻ, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch về số lượng để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn”, Bộ Công Thương nêu rõ trong báo cáo gửi Thủ tướng.

Cũng theo Bộ này, đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác có thể sẽ dẫn đến rủi ro về đạo đức và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng phát triển bởi bằng mắt thường, rất khó phân biệt giữa gạo tẻ (loại cấm xuất khẩu) và gạo thơm (loại được phép xuất khẩu).

Bởi xuất phát từ đây, để giảm thiểu rủi ro, cơ quan Hải quan sẽ buộc phải kiểm tra và trưng cầu giám định chủng loại gạo cho từng lô gạo xuất khẩu.

Ngoài ra Bộ Công Thương lo ngại "chi phí tăng thêm về thời gian và tiền bạc là rất lớn và bất hợp lý trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đã đồng tình hạn chế xuất khẩu gạo để chung tay cùng Chính phủ bảo đảm an ninh lương thực".

Bộ Công Thương khi bị nêu "chưa nghiêm túc"?

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã lên tiếng giải thích về việc Bộ Tài chính cho rằng Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng thực tế Bộ Công Thương chỉ thực hiện một cuộc họp 1/2 ngày nên chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo và như vậy là "chưa nghiêm túc".

Cụ thể, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng xuất khẩu gạo, chiều ngày 24/3, lãnh đạo Bộ Công Thương đã trực tiếp báo cáo, sau đó có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép rà soát, đánh giá lại nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo nhằm điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.

Sau đó thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong ngày 25/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 987/QĐ-BCT thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt.

Với thời hạn 3 ngày kể từ ngày 25/3 và trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, việc tổ chức làm việc với từng tỉnh, từng doanh nghiệp chủ chốt để nắm tình hình là không khả thi. Vì vậy, Bộ Công Thương cho biết đã mời các Bộ, ngành có liên quan, đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Hiệp hội Lương thực Việt Nam và 20 thương nhân có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tham dự buổi làm việc với Đoàn kiểm tra vào ngày 26 tháng 3 năm 2020 tại TP. Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc, từng tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và thành viên Đoàn kiểm tra đều đã phát biểu, báo cáo về tình hình sản xuất, nguồn cung thóc - gạo, tình hình xuất khẩu và tình hình ký kết hợp đồng xuất khẩu theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.

Kết quả cho thấy số liệu về cơ bản khớp với các đánh giá trước đó của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sản xuất, cung - cầu và xuất khẩu gạo, kể cả các dự báo về tiến độ xuất khẩu tới cuối tháng 5 năm 2020.

“Quan trọng nhất, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra và trong các góp ý sau đó, không có tỉnh, thành phố, doanh nghiệp hay Bộ, ngành nào, kể cả Bộ Tài chính, cho rằng việc chỉ tổ chức một cuộc họp 1/2 ngày là "chưa nghiêm túc" và "chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo" như Bộ Tài chính sau này nhận xét”, báo cáo gửi Thủ tướng của Bộ Công Thương nêu rõ.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng việc tổ chức cuộc họp với tất cả các bên có liên quan tại TP. Hồ Chí Minh vào 26/3 là cách làm duy nhất khả thi trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, việc đi lại khá khó khăn và Đoàn kiểm tra chỉ có 3 ngày để thu thập, phân tích, xử lý thông tin, sau đó xây dựng báo cáo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Mạnh