1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: 3 nhóm giải pháp giúp DN vượt qua nguy cơ phá sản

(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã nêu 3 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua nguy cơ phá sản.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: 3 nhóm giải pháp giúp DN vượt qua nguy cơ phá sản - 1Tọa đàm Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020.

Tại buổi tọa đàm "Khôi phục vầ phát triển kinh tế TPHCM năm 2020" tổ chức sáng nay (5/5/), ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, cần phải ngăn chặn đà phá sản của doanh nghiệp.

Theo ông Nhân, muốn ngăn chặn việc phá sản của doanh nghiệp cần thực hiện 3 nhóm giải pháp.

Nhóm giải pháp thứ nhất là hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động.

“Doanh nghiệp đã mất lao động thì không thể phục hồi sản xuất kinh doanh được. Cho nên, chúng ta phải hỗ trợ để giữ chân người lao động ở doanh nghiệp. Vậy giữ chân bao lâu, theo tôi là giữ chân từ 2 – 4 tháng rồi doanh nghiệp sẽ dần phục hồi trở lại”, ông Nhân nói.

Ông Nhân đề nghị UBND thành phố triển khai quyết liệt, vừa gói hỗ trợ của Chính phủ vừa gói của thành phố để người lao động không phải bỏ việc vì không có thu nhập.

“Chúng ta có thể thấy bài học của nước Đức. Họ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng tỉ lệ thất nghiệp không tăng nhiều. Lý do là người Đức đăng ký làm việc từng tuần, đấy là truyền thống chia sẻ của họ. Chừng nào doanh nghiệp còn việc làm, chừng đó người lao động không mất việc. Họ chia mỗi người làm một tý, một tuần làm 1 – 2 ngày cũng được, miễn là còn làm để có thu nhập và là người của doanh nghiệp. Chia sẻ việc làm chứ không bỏ việc làm”, ông Nhân nói.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: 3 nhóm giải pháp giúp DN vượt qua nguy cơ phá sản - 2

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Nhóm giải pháp thứ hai là hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp.

Theo ông Nhân, doanh nghiệp phải trả tiền thuê nhà đất, nhập vật tư, chịu tiền lãi suất… Chính vì vậy, cần phải hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo thanh khoản và cần có một gói hỗ trợ để đảm bảo thanh khoản này.

“Sẽ có công thức, lúc nào anh được cho vay, cho vay bao nhiêu để đảm bảo việc thu lại. Nếu anh vay, anh xài nhiều quá thì phải trả lại hay là tính lãi suất lên đó. Đây là việc các bên thỏa thuận với nhau, chứ giờ mà lập một bộ máy đi kiểm tra thanh khoản của cả trăm ngàn doanh nghiệp ở thành phố thì không làm nổi đâu. Miễn kiểm tra mà cứ thế giao tiền thì cũng chết. Nên khi giao tiền thì cần giao kèo trước, anh mà khai bậy, sau này kiểm tra thì bị xử lý, vậy thôi. Đảm bảo tính thanh khoản là quan trọng”, ông Nhân chia sẻ.

Cũng theo ông Nhân, nhóm giải pháp thứ ba để giúp doanh nghiệp tránh bị phá sản chính là hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhắm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Sử dụng nhu cầu của 100 triệu người dân Việt Nam, trong đó có du lịch, ăn uống, vui chơi… trong nội địa.

Trong buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.

Cụ thể, hỗ trợ khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương. Mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Đẩy mạnh thực hiện thành phố thông minh, xây dựng KCN mới, khu công nghệ cao giai đoạn 2. Đầu tư Khu đô thị sáng tạo tương tác cao TPHCM. Hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vượt qua thử thách…

Đại Việt