1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Bầu” Kiên yêu cầu làm rõ và trả lại hồ sơ, tài liệu của mình

(Dân trí) - Trong phiên tòa xét xử sáng nay (24/5), Nguyễn Đức Kiên kiến nghị tòa án làm rõ việc kê biên tài sản, nhiều tài liệu nhưng không đưa vào danh sách trong hồ sơ tang vật vụ án và yêu cầu trả lại những hồ sơ, tài liệu này.

8h20 sáng nay (24/5), Phiên tòa xét xử vụ án “bầu” Kiên cùng đồng phạm tiếp tục được diễn ra. Trong khi HĐXX tiến hành thẩm các đại diện các ngân hàng về hoạt động giao dịch tiền trong liên ngân hàng để mua cổ phiếu, ông Nguyễn Đức Kiên đã yêu cầu được trả lại một số tài liệu và hồ sơ của gia đình ông.

Ông Kiên nói rằng: “Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã yêu cầu ngân hàng ACB phong tỏa số tài khoản cá nhân và gia đình của tôi. Đồng thời kê biên 3 ngôi nhà, nhiều tài liệu không đưa vào hồ sơ tang vật vụ án. Tôi yêu cầu làm rõ và trả lại những tài sản, tư liệu trên”.

Nguyễn Đức Kiên trong phiên tòa xét xử sáng 24/5

Nguyễn Đức Kiên trong phiên tòa xét xử sáng 24/5
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 


Trong việc thẩm vấn đại diện các ngân hàng, đại diện Kienlongbank cho biết, ngân hàng này và Ngân hàng ACB có mối quan hệ đối tác. Quan hệ giao dịch liên ngân hàng giữa hai đơn vị là thường xuyên, hàng ngày.

Năm 2010, KienLongabank phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Đối với thành viên của Ngân hàng ACB có các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang là cổ đông của ngân hàng này. Nguyễn Đức Kiên không có cổ phần hay cổ đông của Kienlongbank.

Theo HĐXX, năm 2009, ngân hàng KienLongbank vay của Ngân hàng ACB 1000 tỷ đồng (theo cáo trạng). Đại diện Kienlong Bank cho rằng không phải năm 2009 mà là năm 2010. Việc vay tiền thông qua giao dịch liên ngân hàng do nhu cầu sử dụng vốn. Ông Minh cũng khẳng định không cho Công ty ACBS vay tiền.

Phía Kienlongbank cũng khẳng định, qua hai đợt phát hành trái phiếu của Công ty Chứng khoán thuộc Ngân hàng (ACBS), Ngân hàng KienLongbank mua với trị giá hơn 1.500 tỷ đồng.

Về phía Vietbank, đại diện của ngân hàng này là ông Huỳnh Quốc Bình cho hay, trong năm 2009-2010, Ngân hàng Vietbank có nhiều giao dịch liên ngân hàng với Ngân hàng ACB. Việc giao dịch là qua lại hai chiều. “Số tiền giao dịch rất lớn nên không nhớ bao nhiêu”, ông Bình nói.

Ông Bình cho biết, không nắm được việc Ngân hàng Vietbank có vay tiền của Ngân hàng ACB mua trái phiếu hay không. Viện Kiểm sát buộc phải dẫn lại cáo trạng việc giao dịch tiền giữa hai ngân hàng trong việc mua trái phiếu.

Mặt khác, tham gia vào phần xét hỏi, luật sư Vũ Xuân Nam – bảo vệ quyền lợi cho "bầu" Kiên đưa ra hàng loạt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước như: Người dân đi gửi tiền cho Ngân hàng có phải là lĩnh vực liên quan đến ngân hàng không? Người dân đi gửi có phải được Ngân hàng cho phép không, cấp giấy phép cho người dân đi gửi tiền không? Khi người dân đem tiền đi gửi, ngân hàng có xác định là nguồn tiền của ai không? Người dân đi gửi tiền, nộp tiền vào tài khoản, đối với người dân có phải là hoạt động của ngân hàng không?...

Đại diện NHNN liên tiếp từ chối trả lời câu hỏi của luật sư với lý do, không thuộc lĩnh vực mình quản lý, không nhớ hết, đã được trả lời rồi.

Lê Tú
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước
Dòng sự kiện: Xét xử Bầu Kiên