1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bất bình đẳng kinh tế "lấy cắp" 9.000 tỷ USD từ phụ nữ mỗi năm

(Dân trí) - Ở khu vực châu Á, thu nhập phụ nữ kiếm được chỉ bằng khoảng 70-90% so với nam giới. Có khoảng 75% phụ nữ làm việc trong lĩnh vực không chính thức, trong đó họ không được hưởng các chế độ như nghỉ ốm hay nghỉ thai sản được hưởng lương. Bất bình đẳng kinh tế lấy đi của phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển khoảng 9.000 tỷ USD mỗi năm.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Oxfam - một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công, đã công bố một báo cáo với tiêu đề “Một nền kinh tế mang lại lợi ích cho phụ nữ”, nêu rõ tầm quan trọng của công việc được trả lương là một cách thức giúp phụ nữ thoát khỏi đói nghèo.

Theo đánh giá tại báo cáo, bất bình đẳng giới trong nền kinh tế hiện đang quay về nguyên trạng của năm 2008 và hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới tiếp tục phải đối mặt với tiền công thấp, thiếu những công việc thích đáng, an toàn và phải chịu nhiều trách nhiệm hơn cho công việc chăm sóc không lương như việc nội trợ và chăm sóc con cái.

Ngay ở các quốc gia được xem là có sự phân bố đồng đều nhất giữa hai giới thì ước tính phụ nữ vẫn đảm nhận lượng công việc chăm sóc không lương gấp đôi nam giới. Trên phạm vi toàn cầu, khối lượng công việc này trị giá khoảng 10.000 tỷ USD mỗi năm. Con số này lớn hơn tổng GDP của ba nước Ấn Độ, Nhật Bản và Brazil cộng lại.

Ở khu vực châu Á, thu nhập phụ nữ kiếm được chỉ bằng khoảng 70-90% so với nam giới (ảnh minh họa)
Ở khu vực châu Á, thu nhập phụ nữ kiếm được chỉ bằng khoảng 70-90% so với nam giới (ảnh minh họa)

Cựu Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cho biết: “Mặc dù đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, thực tế còn tồn tại nhu cầu bức thiết cần tháo gỡ những rào cản mang tính cấu trúc trong việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ và đảm bảo phụ nữ được hưởng lợi trong các hoạt động kinh tế … Nếu thế giới mong muốn đạt được các mục tiêu phát triển bền vững thì chúng ta cần một bước nhảy vọt trong việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ”.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, bất bình đẳng kinh tế lấy đi của phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển khoảng 9.000 tỷ USD mỗi năm. Số tiền này sẽ không những giúp đem lại lợi ích kinh tế cho bản thân người phụ nữ mà còn giúp giải quyết gánh nặng chi tiêu trong gia đình và tạo ra động lực phát triển cho toàn bộ nền kinh tế.

Ở khu vực châu Á, thu nhập phụ nữ kiếm được chỉ bằng khoảng 70-90% so với nam giới. Một trong những nguyên nhân lý giải thực tế này là do phụ nữ chủ yếu đảm nhận những công việc được trả lương thấp nhất và chủ yếu làm việc trong những khu vực không chính thức. Có khoảng 75% phụ nữ làm việc trong lĩnh vực không chính thức, trong đó họ không được hưởng các chế độ như nghỉ ốm hay nghỉ thai sản được hưởng lương.

Bất bình đẳng giới tồn tại dai dẳng đồng nghĩa với việc công việc của phụ nữ bị hạ thấp giá trị, và phụ nữ có ít khả năng được trao quyền để tuyên bố những quyền lao động của mình. Phụ nữ cũng đảm nhận khối lượng công việc chăm sóc không lương gấp khoảng 2,5 lần so với nam giới, trong khi tính trên phạm vi toàn cầu khối lượng công việc không lương này trị giá khoảng 10.000 tỷ USD.

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Oxfam tại Việt Nam nói: “Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ và doanh nghiệp ở các quốc gia đảm bảo các cơ hội kinh tế cho phụ nữ. Trước hết, cần đảm bảo phụ nữ có công việc thích đáng, bao gồm thu nhập bình đẳng, hợp đồng lao động ổn định và điều kiện lao động an toàn. Thứ hai, cần ghi nhận, giảm thiểu và tái phân bổ công việc chăm sóc không lương. Sau cùng, cần ủng hộ tiếng nói của phụ nữ trong các phong trào lao động, bình quyền, sự tham gia và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trên chính trường.”

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, Oxfam cũng kêu gọi tất cả mọi người ủng hộ phụ nữ để họ có quyền tiếp cận công bằng tới những công việc an toàn, thích đáng, được trả lương bình đẳng và hướng tới một thế giới không còn bất công, đói nghèo.

Bích Diệp