1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Báo Mỹ: Trung Quốc dùng Sáng kiến “Vành đai, con đường” cho mục đích quân sự

(Dân trí) - Chương trình khổng lồ nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng có tên “Vành đai, con đường” (BRI) của Trung Quốc từ lâu đã được xem là một nền tảng để thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên toàn cầu, bất chấp những khẳng định chính thức ngược lại của nước này.

Tuy nhiên, những phát hiện mới của tờ New York Times đã củng cố lập luận đó, làm tăng thêm sự chắc chắn về việc kế hoạch đầu tư này không hoàn toàn là dự án kinh tế mà Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn khẳng định.


Báo Mỹ: Trung Quốc dùng Sáng kiến “Vành đai, con đường” cho mục đích quân sự - Ảnh 1.

Trung Quốc vẫn luôn khẳng định Sáng kiến "Vành đai, con đường" chỉ phục vụ kinh tế và thịnh vượng, không hề có mục đích quân sự. (Nguồn: EJ Insight)

“Vành đai, con đường” có chức năng quân sự

Cụ thể, tuần trước, tờ New York Times cho biết họ đã điều tra một kế hoạch bí mật về các dự án quân sự của Trung Quốc tại Pakistan thuộc BRI.

Theo đề xuất, một đặc khu kinh tế thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan của BRI sẽ được tạo ra để sản xuất máy bay chiến đấu trong khi các hệ thống dẫn đường và quân sự khác sẽ được xây dựng tại các nhà máy ở Pakistan.

Điều đó cho thấy Trung Quốc “lần đầu tiên rõ ràng ràng khiến một đề xuất trong “Vành đai, con đường” phục vụ cho tham vọng quân sự của họ”, tờ New York Times khẳng định.

Đáp lại, ông Lijian Zhao, phó trưởng phái đoàn tại đại sứ quán Trung Quốc ở Islamabad, đã lên mạng xã hội để phản đối các thông tin này của tờ báo. Ông gọi bài báo của Times là “tuyên truyền của phương Tây” và nhấn mạnh rằng hành lang kinh tế song phương hoàn toàn là để phục vụ cho kinh tế.

Tuy nhiên, đối với những người theo dõi chính trị, câu chuyện của tờ New York Times đăng tải đã củng cố những nghi ngờ sâu xa về BRI như một công cụ cho Quân đội và các lực lượng vũ trang của Trung Quốc.

Không hề bất ngờ

“Điều này thực sự không hề khiến chúng tôi ngạc nhiên. Bài báo của The Times chỉ củng cố thêm quan điểm này. Dự án BRI của Trung Quốc có hỗ trợ cho quân sự”, ông Michael Fuchs, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ và là cựu phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2013 đến 2016 khẳng định.

Điều đó không nhất thiết là quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng toàn bộ BRI để tạo lợi thế cho mình, nhưng chắc chắn nó sẽ tham gia vào một số dự án, ông Fuchs nói thêm. “Các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng BRI ở các nước như Pakistan, Sri Lanka và Djibouti đều nhằm tiếp cận với quân đội Trung Quốc”, ông nói.

Đáng nói, năm ngoái, Bắc Kinh đã chính thức ra mắt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti. Bên cạnh đó, cảng Hambantota của Sri Lanka cũng thuộc quyền kiểm soát của China Merchants Port Holdings, và một cảng nước sâu ở khu vực Gwadar của Pakistan được đồn đoán là căn cứ tiềm năng cho hải quân Trung Quốc.

“Hầu hết mọi người làm việc trong giới quân sự đều biết rằng BRI có một chức năng nào đó về an ninh vì vậy bài báo của New York Times chỉ là một sự xác nhận chắc chắn nhất thôi”, James Chin, giám đốc Viện Châu Á tại Đại học Tasmania nói.

Ông này nói thêm rằng một quốc gia không thể tách biệt sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế khi nước này đang phấn đấu để trở nên vĩ đại.

Mưu tính toàn cầu

Theo CNBC, mối quan hệ quân sự Trung Quốc-Pakistan ngày càng tăng có khả năng khiến Ấn Độ lo lắng bởi từ lâu, Ấn Độ đã cảnh giác với mạng lưới các cơ sở quốc phòng và thương mại của Bắc Kinh tại các quốc gia dọc theo Ấn Độ Dương.

Các bài báo về sự tham gia của quân đội Trung Quốc có thể làm tổn hại danh tiếng của BRI tại thời điểm mà sự tức giận của công chúng đối với dự án này ngày càng tăng cao. Công dân của một số quốc gia thành viên thực sự không hài lòng về các điều khoản tài chính và việc làm của Trung Quốc.

“Thời gian tới, tôi nghĩ rằng Trung Quốc vẫn sẽ công bố BRI để phục vụ thương mại và thịnh vượng nhưng tôi nghĩ ngày càng có nhiều người sẽ nghi ngờ và huy động công chúng chống lại BRI. Cuối cùng, BRI có thể chỉ dùng để bán những thứ do Trung Quốc sản xuất và không có gì khác”, ông Chin nói thêm.

Hồng Vân (Tổng hợp)

Báo Mỹ: Trung Quốc dùng Sáng kiến “Vành đai, con đường” cho mục đích quân sự - Ảnh 2.