1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bão dịch Covid-19, đại gia cá tra miền Tây trông chờ vào… nuôi heo

(Dân trí) - Cổ phiếu của “vua cá tra” Hùng Vương đang có chuỗi giao dịch tệ hại với liên tiếp các phiên giảm điểm. Trong khi thuỷ sản “đứng hình” vì Covid-19 thì hi vọng của ông Dương Ngọc Minh đặt vào đàn heo.

Giữa lúc thị trường có diễn biến tích cực thì HVG của Thuỷ sản Hùng Vương ngày hôm qua (2/3) lại suýt giảm sàn, đánh mất thêm 6,62% còn 6.350 đồng/cổ phiếu. Phiên cuối tuần trước, HVG cũng đánh mất 5,56% giá trị.

Doanh nghiệp của đại gia Dương Ngọc Minh vừa tổ chức xong đại hội đồng cổ đông thường niên, tại đây, ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Hùng Vương đã nêu bật những khó khăn của công ty cũng như thừa nhận sai lầm của mình.

Ông Minh cho biết, từ 3 năm trước đã có tham vọng tăng đàn heo, nhưng do dòng vốn ngân hàng chậm trễ, các ngân hàng không ủng hộ, dẫn đến cái “tham”, cái “muốn” của ông trở thành “cái tai hại”.

Ở thời điểm hiện tại, sau khi “bắt tay” với tỷ phú Trần Bá Dương, cuộc chơi đã thay đổi: Từ chỗ Hùng Vương nắm đàn heo thì THADI lúc này sẽ nắm, vì vấn đề thiếu sót HVG nằm ở chỗ xây dựng chuồng trại. Lộ trình HVG-THADI tới tháng 6 năm nay có chuồng trại cho 18.000 con heo bố mẹ và tăng đàn bố mẹ lên đến 30.000-45.000 con ngay trong năm nay.

Trong khi đó, ở sản phẩm “chủ lực” là cá tra, ông Minh cho biết, trước diễn biến dịch Covid-19, các doanh nghiệp thuỷ sản ở đồng bằng sông Cửu Long đều “đứng hình”, năng lực chế biến giảm sút tới 50%. Lãnh đạo Hùng Vương cũng để ngỏ về triển vọng của mảng này do sự phức tạp của dịch bệnh.

Bão dịch Covid-19, đại gia cá tra miền Tây trông chờ vào… nuôi heo - 1

Đại gia Dương Ngọc Minh

Phiên giao dịch 2/3, các chỉ số có sự cải thiện đáng kể sau thời gian giằng co, rung lắc. VN-Index đóng cửa tăng 2,24 điểm tương ứng 0,25% lên 884,43 điểm trong khi HNX-Index tăng 1,09 điểm tương ứng 1% lên 110,67 điểm và UPCoM-Index tăng 0,13 điểm tương ứng 0,23% lên 55,17 điểm.

Thanh khoản được đẩy lên cao khi dòng tiền bắt đáy ồ ạt chảy vào thị trường. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 206,63 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 3.627,49 tỷ đồng và trên HNX là 78,11 triệu cổ phiếu tương ứng 832,84 tỷ đồng. Thị trường UPCoM cũng có 22 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 184,48 tỷ đồng.

Tương quan thị trường khá cân bằng giữa số lượng mã tăng - giảm. Có 324 mã tăng giá, 41 mã tăng trần, không chênh lệch là bao với 301 mã giảm và 43 mã giảm sàn.

Phiên này, SAB phục hồi mạnh, tăng 8.000 đồng lên 170.000 đồng/cổ phiếu. Diễn biến cổ phiếu Sabeco trái ngược hoàn toàn với cổ phiếu BHN của Habeco, giảm 2.500 đồng còn 59.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đó, SAB phiên này đóng góp tới 1,49 điểm cho VN-Index. Trong khi đó, GAS cũng tăng giá mạnh và mang về 1,78 điểm cho chỉ số. Đây cũng là hai mã đóng vai trò “đầu tàu” kéo thị trường tăng điểm ngày hôm qua.

YEG và QCG vẫn giữ được trạng thái tăng trần. YEG tăng trần 4.200 đồng lên 64.400 đồng/cổ phiếu, không có dư bán cuối phiên và dư mua giá trần còn hơn 60 nghìn đơn vị. QCG cũng tăng trần 290 đồng lên 4.570 đồng/cổ phiếu, các lệnh bán được quét sạch trong khi dư mua giá trần còn hơn 1,2 triệu cổ phiếu.

Tương tự, SHB trên sàn HNX cũng tăng trần 900 đồng và đưa mã này về tham chiếu, đạt thị giá 10.500 đồng. Khối lượng giao dịch tại SHB trong phiên hôm qua rất “khủng”, lên tới 54,62 triệu đơn vị.

Theo nhận định của chuyên gia phân tích tại BVSC, VN-Index được kỳ vọng sẽ xuất hiện nhịp hồi ngắn từ vùng hỗ trợ 875-880 điểm. Chỉ số dự báo sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 898-905 điểm trong một vài phiên kế tiếp.

Mặc dù vậy, điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng của khối ngoại và nguy cơ lan rộng và kéo dài của đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp nội cũng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề khi đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và không có dấu hiệu được kiểm soát nhanh chóng.

Do vậy, BVSC cho rằng, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nên duy trì ở mức 20-25% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao được khuyến nghị tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường và các cổ phiếu để bán giảm tỷ trọng.

Trong khi đó, nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt có thể xem xét thực hiện giải ngân mang tính dò đáy với tỷ trọng thấp khi thị trường kiểm định lại vùng hỗ trợ 860-880 điểm.

Mai Chi