1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bánh đăng báo - món “độc” Quảng Nam

Háo hức bởi phải dài cổ chờ hơn tuần mới được nhìn thấy chiếc bánh “cũ mèm” làm ra từ sắn, phả lên mùi thơm rặt quê mùa, bình dị. Còn với người dân Quế Sơn, nỗi háo hức của họ nằm ở sự sum vầy. Khi nồi bánh bắc lên bếp, nghĩa là Tết đã về ngoài hiên, hay những dịp lễ mà cháu con tha hương đoàn tụ.


Mẻ bánh đăng báo mới ra lò. Ảnh: Thanh Trần.

Mẻ bánh đăng báo mới ra lò. Ảnh: Thanh Trần.

Bánh đăng báo là loại bánh làm ra từ củ sắn, gắn với thời kỳ đói khổ triền miên của người dân huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) vào thế kỷ trước. Nay chỉ còn rải rác vài gia đình giữ được nồi bánh ký ức này…

Kỳ công hơn làm ra tờ báo

Tôi hỏi cách làm bánh đăng báo này có giống làm phở sắn Quế Sơn không, ông Nguyễn Xuân (thôn Gia Cát Trung, xã Quế Phong) xua tay: “Phở sắn mà kể vô! Bánh đăng báo ni mần kỳ công, hoàn toàn bằng tay, cực hơn cả các cách mần ra một tờ báo nữa”. Sắn tươi từ đồng dỡ về, bà con đem lột vỏ rồi ngâm nước liên tục nhiều đêm, tiếp tục phơi ba bốn ngày nắng. Ông Xuân bảo cầm miếng sắn lên bẻ gãy “nghe cái tróc” nghĩa là phơi đủ nắng, có thể đem đi xay thành bột được rồi.


Loại bánh mà những đứa con xa quê và người khác xứ ăn một lần là nhớ mãi không thôi.

Loại bánh mà những đứa con xa quê và người khác xứ ăn một lần là nhớ mãi không thôi.

Bao bột đem về nhà, những đôi tay thô tháp chai sần nhưng khéo léo của bà, của má lại miệt mài gột thành hồ. Bột sắn đánh ra dẻo đặc, trải lên lớp lá chuối rồi cán mỏng ra, không gói lại. Phía sau nhà, mấy đứa con đã nhóm bếp, bắc nồi nước lên chờ hấp bánh. “Bánh này tuyệt đối không được luộc, luộc là coi như ăn nước lã. Phải hấp mới giữ được mùi vị bùi bùi, ngọt ngọt của sắn, ăn lại vừa dẻo vừa mềm chứ không bị nhũn”, bà Võ Thị Soạn, vợ ông Xuân dặn dò. Nói rồi bà từ từ xếp lớp bánh này chồng lên lớp khác, đậy kín nồi, bắt mấy đứa con ngồi canh lửa.

Bà kể ngày trước chiến tranh đói khổ, dân vùng núi Quế Sơn quanh năm ăn sắn. Sắn luộc, sắn độn cơm đến ám ảnh. Sau này bà con nghĩ ra cách tráng sắn thành bánh để ăn cho đỡ ngán. “Nhưng hồi nớ làm qua loa lắm, mô có thời gian để ngâm, phơi, xay, hấp nhiều như chừ. Cứ mần răng miễn chín là ăn thôi. Rứa nên bánh làm ra khi mô cũng có màu nâu đất buồn buồn, cũ cũ như tờ báo, có khi cặn bã nổi lên đen thui y như là chữ in. Thành thử mới kêu thứ bánh ni là bánh đăng báo đó”, bà lý giải. Món bánh đăng báo trở thành món ăn chặt bụng, đỡ tiền của người dân xứ sắn Quế Sơn. Ra đồng, lên núi, hay đi làm xa, mỗi sớm chỉ cần nắm theo gói bánh đăng báo là no nguyên ngày.

Bà Soạn còn đang kể dở câu chuyện thì hơi bánh tỏa khắp nhà. Mùi sắn hấp quyện mùi khói bếp đun từ gỗ ẩm xộc vào mũi, vừa ngai ngái, vừa thơm thơm mà có lẽ chẳng ngôn từ nào tả đúng được hương vị thôn quê ấy. Bà Soạn kêu: “Bánh chín rồi, mở nắp vung cho má!”. Gian bếp lại mù hơi từ nồi nước hấp. Thớ bánh lúc nãy còn trắng đục giờ đã ngả sang màu nâu, đúng hệt màu báo cũ. Cả nhà quây lại trong gian bếp chật chội cùng gắp bánh khỏi nồi, trải ra mẹt chờ nguội. Mấy đứa con cầm từng lát bánh ra, đặt xuống mâm gỡ khỏi lá chuối rồi cuộn tròn, chuyền sang tay bố cắt thành sợi dài. Ông Xuân hỏi: “Thấy kỳ công không? Chờ cả tuần cả nhà ai cũng xắn tay áo làm mới ra được chiếc bánh như ri đó”.

“Món bánh đăng báo ni không hề có tên trong sách vở, không nổi tiếng như phở sắn, mì Quảng, bánh tráng, bánh xèo…Nhưng ai tới đây ăn một lần là nhớ suốt đời. Bởi từng công đoạn làm bánh đã rất đặc biệt rồi. Huống chi ý nghĩa của nó còn là ký ức, còn là “tín hiệu” của sum vầy. Mấy đứa con của tui bây chừ đứa nào cũng làm được bánh đăng báo. Tui bắt học cho bằng được. Thế hệ tụi tui dặn nhau gắng giữ được nồi bánh, để con cháu sau này không quên hương vị quê nhà”, ông Nguyễn Xuân, thôn Gia Cát Trung, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam bộc bạch.

Theo: Thanh Trần

Tiền Phong