1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bán hàng xách tay như... đi đánh trận

(Dân trí) - Vào các đợt giảm giá của các hãng thời trang lớn, nhiều người chuyên kinh doanh hàng xách tay "tất bật" như... đi đánh trận, thậm chí phải thức khuya dậy sớm để tư vấn, đặt hàng cho khách.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Thức trắng đêm chờ sale 

3h sáng, chị Nguyễn Thị Hoà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn còn thức để chờ chốt đơn hàng cho khách. Theo chị Hoà, ngày hôm nay một hãng thời trang nổi tiếng ở Pháp sẽ có chương trình giảm giá (sale off) cho khách mua tại các cửa hàng cũng như mua trực tuyến (online) ở trên toàn thế giới. Do đó, chị phải thức để tư vấn, nhận đơn đặt hàng cũng như tiến hành đặt hàng (check out) cho khách. 

“Hãng thời trang này được rất nhiều người ưa thích, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Trong những đợt giảm giá mạnh, nhiều mặt hàng chỉ còn phân nửa giá với số lượng cũng rất ít, nếu không nhanh tay đặt thì dễ bị “lỡ” mất món đồ khách thích”, chị Hoà nói.

Thông tin được cập nhật liên tục trên trang cá nhân của một người bán hàng online.
Thông tin được cập nhật liên tục trên trang cá nhân của một người bán hàng online.

Chị Hạnh Nguyên, một người bán hàng xách tay trên mạng xã hội, thì ví von: “Dân bán hàng online như chúng tôi vào mỗi đợt sale đúng là như đi đánh trận. Khắp nơi trưng biển thức trắng đêm để canh sale cho khách hàng, chỉ đợi khách gửi link, chốt món, thống nhất kích cỡ, màu sắc là cho thêm vào giỏ hàng, đợi thanh toán luôn”. 

Những đợt giảm giá của các hãng lớn nhỏ trên thế giới hẳn đã không còn xa lạ với những người tiêu dùng được mệnh danh là “tín đồ hàng hiệu”. Vào những đợt giảm giá lớn như những ngày lễ, ngày kỉ niệm lớn, thời điểm giao mùa hoặc những dịp đặc biệt, không chỉ một mà hàng loạt các hãng giảm giá mạnh lên tới 50-70%, thậm chí còn giảm thêm (extra sale) với những đơn hàng giá trị lớn.

“Mình rất thích túi xách, ví và đồng hồ của một hãng tại Anh. Hãng này không có đại diện tại Việt Nam, do đó, mình thường nhờ những mối quen xách tay về. Tuy nhiên, mua nguyên giá thì giá rất cao nên thường chờ đợt giảm giá lớn rồi mua cả thể vài món một lúc”, chị Hoàng Hà (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ.

Năn nỉ khách nhận hàng

Do tính chất của hàng xách tay là không có sẵn nên khách phải chờ từ 1-2 tuần. Trong nhiều trường hợp người bán yêu cầu người mua phải chuyển trước 100% giá trị món hàng. Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp, người bán vì tin tưởng nên không yêu cầu đặt cọc, hoặc có cũng chỉ một phần nhỏ món hàng. Và nhiều trường hợp “dở khóc dở cười” cũng phát sinh từ đây.

“Rủi ro gặp nhiều nhất là hàng về khách không ưng, không vừa, hoặc bị chê là không giống màu, giống dáng trên web rồi không chịu nhận hàng. Thực tế là rất nhiều mặt hàng được người thân bên nước ngoài mua rồi gửi đơn vị vận chuyển mang về, hoặc nhờ tiếp viên xách tay, chứ người bán chưa hề nhìn thấy bao giờ. Do đó, cũng không thể tư vấn chuẩn về kích thước, màu sắc, kiểu dáng được”, chị Hoà chia sẻ.

Chị Nguyễn Phương (Hà Đông, Hà Nội) thì gặp phải trường hợp khá phiền phức với người quen khi không thể ước lượng chính xác giá trị món hàng. 

“Chị bạn tôi đặt mua một cái chăn cho trẻ con, nguyên giá bán trên web của Nhật vào khoảng hơn 1 triệu, cộng với phí chuyển về khoảng 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi về tới Việt Nam, đơn vị vận chuyển đòi tiền công lên tới hơn 1 triệu do hộp đựng chăn quá nặng. Dĩ nhiên là khách không chịu lấy và tôi cũng không biết phải làm thế nào vì đó cũng là người thân quen đã lâu”, chị Phương kể.

Ngoài ra cũng phải kể tới trường hợp, do người bán không công bố rõ tỷ giá tính giá hàng trước khi bán, nên khi hàng về xảy ra tranh chấp xung quanh chuyện “đắt rẻ” của món hàng. 

“Tôi chuyên nhận hàng Pháp, Tây Ban Nha với tỷ giá tính cho khách thường vào khoảng 25.000 - 26.000 đồng đổi 1 EUR. Tuy nhiên, nhiều khách chỉ muốn tính mức tỷ giá hơn 23.000 - 24.000 đồng theo niêm yết của ngân hàng”, chị Mai Ly - một người chuyên kinh doanh đồ xách tay khác chia sẻ.

Phương Dung 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”