1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

APEC CEO Summit: "Thế giới không phải do người bi quan sở hữu"

(Dân trí) - Cựu Phó Thủ tướng Đức người gốc Việt cho rằng: "Chúng ta phải chống lại những người chống lại thương mại tự do, chúng ta phối hợp, tập hợp những bên khác liên quan để có thể thay thế những người muốn rút ra. Thế giới không phải do người bi quan sở hữu mà do người lạc quan sở hữu".

Toàn cảnh phiên thảo luận tại APEC CEO Summit.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại APEC CEO Summit.

Trong phiên thảo luận về Tương lai toàn cầu hóa đã diễn ra mở đầu cho 2,5 ngày làm việc của Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC (APEC CEO Summit 2017) diễn ra chiều nay (8/11), ông Andrew Stevens, Tổng biên tập khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, CNN Quốc tế đã đặt một câu hỏi rất thú vị về việc thế giới sẽ như thế nào trong 3 năm sắp tới.

Đáp lời, ông Ian Bremmer, Chủ tịch Tập đoàn Eurasia cho biết, điều đầu tiên ông thấy là sự bất ổn của địa chính trị tăng cường. Đồng thời, bày tỏ sự quan ngại với toàn cầu hoá bởi dù quá trình này vẫn tiếp tục nhưng theo vị doanh nhân nó sẽ "bị tách rời khỏi mong muốn của người dân bình thường".

"Người châu Âu bình thường không cảm thấy thoả mãn với Liên minh châu Âu, họ không còn sự ủng hộ của người dân trên đường phố như ngày xưa. Tôi cho rằng đây là điều sẽ tiếp tục xảy ra. Nếu toàn cầu hoá tách rời toàn cầu hoá với người dân bình thường, đây là thế giới chúng ta không muốn sống”, ông Ian Bremmer nói.

Còn theo ông Rober E.Moritz, Chủ tịch toàn cầu PwC dẫn số liệu khảo sát về việc có tới 75% nhà đầu tư cho biết sẽ nắm lấy cơ hội đầu tư vào APEC và cho rằng, lãnh đạo các doanh nghiệp trong APEC đang cho thấy niềm tin với việc họ có thể xử lý các vấn đề liên quan tới doanh thu, lãi suất, niềm tin tăng lên vì có nền tảng dân số học, người tiêu dùng, tầng lớp trung lưu, sức mua lớn hơn…

Ông cho rằng, một trong những điều quan ngại là tất cả đều thừa nhận có thể khó khăn trong việc đạt được thoả thuận thương mại tự do. Dù vậy, nhìn chung khảo sát cho thấy, lãnh đạo các doanh nghiệp có cái nhìn chung tích cực về tương lai trong 2-3 năm sau.

Cùng quan điểm với Rober E.Moritz, ông Philipp Rosler, Thành viên Ban lãnh đạo, Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF cho rằng: "Chúng ta phải chống lại những người chống lại thương mại tự do, chúng ta phối hợp, tập hợp những bên khác liên quan để có thể thay thế những người muốn rút ra. Thế giới không phải do người bi quan sở hữu mà do người lạc quan sở hữu".

Nhấn mạnh về vai trò của toàn cầu hoá, bà Victoria Kwa Kwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, từ những năm 90 đến năm 2015 GDP toàn cầu tăng gấp đôi, thương mại toàn cầu tăng gần gấp đôi so với GDP toàn cầu, hàng tỷ người đã thoát khỏi đói nghèo, khổ cực và đầu tiên khoảng cách giữa người giàu nhất ở Mỹ với người nghèo nhất ở các nước đang phát triển đang được thu hẹp dần.

Đại diện Wold Bank dẫn lại lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói tại Davos rằng "toàn cầu hoá là đại dương và nỗ lực biến đại dương thành dòng sông là không phù hợp", bà Kwawa khẳng định hiện tại chưa nhìn thấy biện pháp nào thay thế được tốt cho toàn cầu hoá.

“Thay đổi thuế, giải quyết tranh chấp, vấn đề tiêu chuẩn an toàn, lương thực… đảm bảo rằng toàn cầu hoá mang tính bao trùm hơn, những người thiệt hại có cơ hội được đào tạo lại, chính sách bổ sung giúp họ có kỹ năng. Rút khỏi toàn cầu hoá không phải là một lựa chọn, thách thức của chúng ta là nỗ lực giúp duy trì đà của toàn cầu hoá”, đại diện WB cho biết.

Phương Dung

Dòng sự kiện: APEC 2017