1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Áp dụng GlobalGAP, trái cây HAGL không đủ hàng bán cho các đối tác

GlobalGAP là bộ tiêu chuẩn về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế được hầu hết các nước phát triển xem xét như một điều kiện quan trọng để nhập khẩu rau quả. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho sản phẩm, GlobalGAP còn có các quy định liên quan tới bền vững môi trường và xã hội.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện chưa tới 3% diện tích trồng cây ăn trái tại Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP dù các cơ quan chức năng và hiệp hội đã tích cực khuyến nghị. Lý do được các hộ nông dân lý giải là quy mô canh tác mỗi gia đình quá nhỏ nên không thể hình thành vùng trồng chuyên biệt để có đủ nguồn hàng GlobalGAP xuất khẩu.

Do đó, trái cây có GlobalGAP cũng chỉ được thương lái nhỏ thu mua cùng với trái cây phổ thông dẫn tới hiệu quả thấp trong khi phải tuân thủ các quy trình và nhiều điều kiện khắt khe.

Kết quả của việc này là mặc dù kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam tăng trưởng bùng nổ trong những năm trở lại đây trở thành điểm sáng nhất của ngành nông nghiệp, nhưng phần lớn sản lượng vẫn dành cho phân khúc phổ thông với mức giá bán không cao.

Các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU, Úc đều chỉ chiếm dưới 4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Ngay đối với Trung Quốc, một thị trường khổng lồ với nhiều phân khúc từ bình dân tới cao cấp, trái cây Việt Nam hầu như vẫn ít được bán tại các chuối siêu thị cao cấp và chuỗi chuyên doanh hoa quả nhập khẩu. Thực trạng canh tác manh mún đang hạn chế lợi thế sẵn có của nông nghiệp VIệt Nam trước cơ hội bùng nổ nhu cầu tiêu dùng rau quả của Trung Quốc và thế giới.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng hơn 7 lần trong 7 năm 2010-2017
Xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng hơn 7 lần trong 7 năm 2010-2017

Trong khi đó, chỉ có số ít đơn vị chuyên canh hoa quả xuất khẩu với quy mô lớn sớm mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn GAP vào sản xuất như chuối Fohla Long An và chuối 3T Hưng Yên với hơn 120 ha và 70ha theo tiêu chuẩn VietGAP, Thanh Long Hoàng Hậu với 300 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP,… Kết quả là giữa những đợt kêu gọi giải cứu của nông dân nhỏ lẻ với chuối và thanh long vừa qua, các đợn vị này vẫn luôn trong tình trạng không đủ hàng xuất khẩu cho các hệ thống siêu thị lớn ở nước ngoài.

Vừa qua, Tập đoàn HAGL đã công bố phần diện tích vườn cây ăn trái đã đi vào thu hoạch và được Bureau Veritas cấp chứng nhận GlobalGAP lên tới 1.364ha trên nhiều nông trường trồng chuối, thanh long và chanh dây tại cả ba nước Đông Dương. Đây là diện tích GlobalGAP lớn nhất từng được cấp bởi Bureau Veritas Việt Nam. Theo chiến lược, HAGL sẽ hướng tới sản phẩm trái cây cao cấp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính và toàn bộ 18.600ha vườn cây ăn trái đều đang áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP.

Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức khi được hỏi về chi phí áp dụng GlobalGAP trên mỗi kg sản phẩm trái cây đã trả lời: “Đối với HAGL, có GlobalGAP không phải là mua một nhãn hiệu chứng tỏ an toàn và chất lượng để bán hàng giá cao. Đó là một quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế, mà ở quy mô rất lớn như HAGL thì không thể làm được nếu không có quy trình chuẩn. Vì vậy áp dụng GlobalGAP về tổng thể không làm tăng chi phí mà thậm chí giúp Công ty tăng năng suất, tăng chất lượng đầu ra và giảm rủi ro, lãng phí. HAGL đang áp dụng và chắc chắn sẽ áp dụng GlobalGAP trên toàn bộ diện tích cây ăn trái đã trồng”.

Áp dụng GlobalGAP, trái cây HAGL không đủ hàng bán cho các đối tác - 2

Sự đảm bảo về chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, và số lượng hàng lớn quanh năm đang là lợi thế giúp trái cây HAGL nhanh chóng tiếp cận được các hệ thống bán lẻ lớn. Công ty cho biết toàn bộ sản lượng đầu ra của 1.500ha chanh dây và 2,800 ha chuối đã trồng đều được các đối tác lớn ký kết bao tiêu dài hạn. Chanh dây HAGL sau giai đoạn 6 tháng đầu thâm nhập thị trường đã thiết lập được kênh bán hàng riêng với giá bán cao hơn 10-20% so với giá cùng loại của nông dân. Loại quả trọng điểm sắp thu hoạch quy mô lớn là Thanh Long cũng đã có đối tác phân phối với mức giá cam kết cao hơn giá thanh long đỏ trên thị trường.

Dù sẽ đưa ra hàng trăm ngàn tấn chuối, chanh dây, và thanh long… từ các diện tích sắp khai thác, HAGL cho biết hiện công ty vẫn không đủ sản lượng cung ứng cho nhu cầu của các đối tác. Do vậy, Công ty đang tính toán việc đầu tư mở rộng diện tích và năng lực kho vận để đáp ứng các đơn hàng mới.

Kết quả ban đầu khả quan đang chứng minh tính đúng đắn của mô hình làm trái cây quy mô lớn với chất lượng cao của HAGL. Trong những tháng tới, hàng ngàn ha thanh long, xoài cát, mít Thái, bưởi da xanh… theo tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ lần lượt đi vào khai thác. HAGL đang nhắm tới việc cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn tấn trái cây cho vụ cuối năm và giáp Tết, đáp ứng xu hướng nhu cầu ngày càng cao về trái cây tươi ngon, an toàn của người dân Việt Nam và các thị trường quốc tế.