1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ẩn số tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam; Được cứu, bầu Đức tiếp mộng "ông trùm"

(Dân trí) - Danh tính vị đại gia Việt Nam tiếp theo lọt top tỷ phú đô la theo xếp hạng của Tạp chí Forbes đang là ẩn số gây tò mò. Bên cạnh đó, thông tin về tình hình của công ty bầu Đức sau khi được tỷ phú Trần Bá Dương "cứu" cũng được dư luận quan tâm theo dõi.

Bầu Đức nhắm mục tiêu “ông trùm nông nghiệp”

Sáng ngày 20/8, trong phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu HAG và HNG của Hoàng Anh Gia Lai đều có diễn biến khá tốt và tăng giá.

HAG tăng 2,8% và kết thúc chuỗi giảm mạnh trong vòng 5 phiên liên tiếp suốt một tuần trước đó. Tương tự HNG cũng “gỡ gạc” được 700 đồng mỗi cổ phiếu, tăng giá 4,9% sau chuỗi giảm triền miên.

​Bầu Đức đang dành tâm huyết cho việc trồng chuối
​Bầu Đức đang dành tâm huyết cho việc trồng chuối

Sự “hồi sinh” mạnh mẽ của HAG và HNG diễn ra ngay sau khi Hội đồng quản trị Công ty ra nghị quyết thay đổi diện tích trồng cây ăn trái.

Theo đó, công ty bầu Đức ghi nhận tăng diện tích trồng chuối thêm 1.007 ha và giảm 1.100 ha trồng ớt so với kế hoạch sử vốn từ đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng. Trong đó, tổng giá trị HAGL Agrico đầu tư vào diện tích trồng mới chuối tăng từ 780 tỷ đồng lên 976 tỷ đồng thì đầu tư trồng ớt giảm từ 357 tỷ đồng xuống còn 161 tỷ đồng.

Suất đầu tư đối với 5.007 ha chuối của HAGL Agrico là 195 triệu đồng/ha và với 900 ha ớt là 178,5 triệu đồng/ha.

Mặc dù cây ớt đã đóng góp lớn cho nguồn thu của HAGL Agirco trong kỳ kế toán vừa rồi song bầu Đức khẳng định, chuối là cây định hướng chiến lược lâu dài của HAGL Agrico. 80% đầu ra cho mặt hàng này là xuất sang thị trường Trung Quốc, ngoài ra còn xuất khẩu sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Trung Đông.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có hơn 2.600 tỷ đồng

Phiên giao dịch sáng ngày 23/8, bộ ba cổ phiếu họ “Vin” gồm VIC, VHM, VRE trở thành trụ cột giúp thị trường tăng điểm phiên sáng. VIC đóng góp cho chỉ số tới 1,39 điểm, VHM đóng góp 1,33 điểm và VRE đóng góp 0,5 điểm.

​Cổ phiếu họ Vin trở thành trụ cột nâng đỡ chỉ số VN-Index sáng 23/8
​Cổ phiếu "họ Vin" trở thành trụ cột nâng đỡ chỉ số VN-Index sáng 23/8

Cụ thể, VIC tăng 1.400 đồng, VHM tăng 1.600 đồng và VRE tăng 850 đồng/cổ phiếu. Với diễn biến này, trong phiên sáng, tài sản ông Phạm Nhật Vượng tại cổ phiếu VIC (bao gồm cả sở hữu trực tiếp lẫn gián tiếp) đã tăng 2.611 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhà Cường “đô la” ngược dòng

Phiên giao dịch ngày 24/8, trong khi phần lớn chứng khoán trên sàn sụt giá thì QCG của Quốc Cường Gia Lai gây bất ngờ khi ngược dòng tăng 2% lên 8.600 đồng/cổ phiếu. Trước đó, mã này đã có chuỗi giao dịch bất lợi, không tăng giá suốt 5 phiên liên tục (4 phiên giảm).

Diễn biến QCG trước đó bất lợi do những thông tin bất lợi việc bị tạm ngừng cấp phép xây dựng và chuyển nhượng dự án bất động sản tại Tổ hợp Khu dân cư Thương mại – Dịch vụ đường 2/9, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Cổ phiếu của công ty Quốc Cường Gia Lai trong phiên sáng nay khởi sắc bất chấp phần lớn mã chứng khoán trên thị trường sụt giảm
Cổ phiếu của công ty Quốc Cường Gia Lai trong phiên sáng nay khởi sắc bất chấp phần lớn mã chứng khoán trên thị trường sụt giảm

Phản hồi từ đại diện QCG cho biết, công ty đã hoàn tất hạ tầng hơn một năm nay. Riêng phần điện, do vướng mắc về thủ tục thi công khiến công ty mới hoàn tất 95% phần ngầm và đang chờ giấy phép đào đường để thực hiện phần còn lại (gồm đào đường, đặt ống, kéo dây, đấu nối, đóng điện).

QCG đã ký thỏa thuận đấu nối các công trình điện tại dự án với Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng ngày 30/7. Ngoài ra công ty đã nộp hồ sơ xin cấp giấy phép thi công lắp đặt đường dây trung, hạ thế và trạm biến áp lên Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng ngày 3/8 .

Cũng theo doanh nghiệp này, trên thực tế QCG đã chuẩn bị xong hết các vật tư, thiết bị, nhân công nhưng thủ tục cấp phép liên quan không thống nhất nên công ty không thể thực hiện.

Tỷ phú Forbes tiếp theo của Việt Nam là ai?

Trong khi trường hợp của ông Nguyễn Đăng Quang khá dễ đoán vì các doanh nghiệp của ông này đều đã cổ phần hóa và lên sàn chứng khoán thì trường hợp của ông Trần Quí Thanh lại là ẩn số thú vị.

Ông Thanh có quá trình kinh doanh từ việc tạo lập thương hiệu bia Bến Thành, bia tươi Laser và đến hiện nay đang đầu tư vào ngành nước giải khát. Là một mô hình doanh nghiệp gia đình, không có cổ phần từ bên ngoài, không huy động vốn từ sàn chứng khoán, nên nhiều thông tin về kinh doanh của doanh nghiệp này cũng như tài sản không được công khai.

Cách đây vài năm, Wall Street Journal của Mỹ từng đề cập đến kế hoạch Tân Hiệp Phát dự định bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để nâng giá trị công ty lên mức 2,5 tỷ USD. Với việc dự kiến bán một tỷ lệ cổ phần thiểu số và được định giá lên đến 2 tỷ USD, tức Tân Hiệp Phát đã có giá trị ít nhất 1 tỷ USD từ vài năm trước.

Tài sản của gia đình ông Thanh còn gây chú ý ở việc bị mất các sổ tiết kiệm trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng (gần 300 triệu USD) gửi ở Ngân hàng Xây dựng vào năm 2016, trong vụ Phạm Công Danh.

Mới đây hình ảnh về các buổi làm việc của bà Trần Uyên Phương (con gái ông Thanh) tại trụ sở Forbes, Hoa Kỳ đã rò rỉ trên mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông nước ngoài, cùng nhiều đồn đoán về việc Việt Nam sẽ có thêm tỷ phú mới.

Hình ảnh bà Trần Uyên Phương xuất hiện ở Forbes đăng trên Facebook của một doanh nhân nước ngoài
Hình ảnh bà Trần Uyên Phương xuất hiện ở Forbes đăng trên Facebook của một doanh nhân nước ngoài

Vấn đề còn lại là ông Thanh có sẵn lòng cung cấp đủ thông tin cho tổ chức xếp hạng danh tiếng Forbes hay không?

Vừa được ông Trần Bá Dương "cứu", loạt "tướng" của bầu Đức liền từ nhiệm

Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai mới đây đã nhận được đơn từ nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của 2 cá nhân là ông Đoàn Nguyên Thu và ông Nguyễn Ngọc Ánh.

Ông Đoàn Nguyên Thu là em trai của bầu Đức và hiện đang là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai, sở hữu gần 6 triệu cổ phiếu HAG.

​Ông Đoàn Nguyên Thu sẽ rút khỏi HAGL Agrico
​Ông Đoàn Nguyên Thu sẽ rút khỏi HAGL Agrico

Ngoài hai thành viên HĐQT nói trên, bà Nguyễn Thị Hải Yến cũng có đơn từ nhiệm Thành viên Ban kiểm soát HAGL Agrico vào ngày 6/8.

Điều đáng chú ý là hoạt động “thay máu” lãnh đạo cấp cao của HAGL Agrico diễn ra ngay sau khi công ty này ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư chiến lược với Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú đô la Trần Bá Dương.

Thế Hưng

Ẩn số tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam; Được cứu, bầu Đức tiếp mộng "ông trùm" - 6