1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ẩn số kinh tế năm 2020: Tăng trưởng có tiếp tục làm nên kỳ tích?

(Dân trí) - Giới phân tích kỳ vọng, xu hướng tăng trưởng tốt của nền kinh tế vẫn được duy trì trong năm 2020, dự kiến ở mức 6,85%. Trong khi đó, lạm phát tuy không còn ở mức thấp song vẫn duy trì ổn định và ở dưới mức 4%.

Không có “hiệu ứng phụ” tiêu cực

Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%, giảm nhẹ so với mức tăng 7,08% của năm 2018 (quý I tăng 6,82%, quý II tăng 6,73%; quý III tăng 7,48%; quý IV tăng 6,97%).

Theo nhận xét của MBS, chất lượng tăng trưởng kinh tế cải thiện rất khả quan khi tăng trưởng GDP cao nhưng không đi kèm với những hiệu ứng phụ tiêu cực như lạm phát cao, nợ xấu tăng, nợ công/GDP tăng và tỷ giá VND/USD biến động.

Ẩn số kinh tế năm 2020: Tăng trưởng có tiếp tục làm nên kỳ tích? - 1

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong năm 2019

Lạm phát duy trì ở mức ổn định trong 10 tháng đầu năm và tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm do giá thực phẩm (cụ thể là giá thịt lợn) tăng rất mạnh bởi nguồn cung khan hiếm do tác động của dịch tả lợn Châu Phi.

CPI tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước và CPI tháng 12 tăng 1,4% so với tháng trước đã góp phần đẩy CPI cả năm 2019 tăng 3,66% so với cuối năm 2018 và CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với bình quân năm 2018.

Mặc dù có các yếu tố bất ổn, MBS vẫn kỳ vọng lạm phát năm 2020 được giữ ổn định do tăng trưởng toàn cầu kỳ vọng giảm khiến giá các nguyên liệu cơ bản thấp làm giảm yếu tố chi phí đẩy và chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được thực thi từ giữa năm 2018 khiến yếu tố cầu kéo không cao.

Lạm phát được kỳ vọng duy trì ổn định trong khi nguồn cung USD khá dồi dào nhờ thặng dư cán cân thanh toán khiến áp lực tỷ giá gần như không đáng kể trong năm 2019.

Tỷ giá VND/USD dao động đi ngang trong năm 2019 khi áp lực lạm phát vẫn tương đối thấp trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU đã chuyển sang giai đoạn nới lỏng tiền tệ khiến áp lực bên ngoài lên VND không lớn.

Bên cạnh đó, nguồn cung USD trong nước khá dồi dào nhờ vào dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả FDI và FII), xuất khẩu tăng khá và các thương vụ bán vốn nhà nước.

Vốn FDI giải ngân năm 2019 ước tính đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm trước. Năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 253,51 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Theo đó, Việt Nam tiếp tục xuất siêu trong năm 2019 với mức xuất siêu là 9,94 tỷ USD. Cán cân thanh toán thặng dư và dự trữ ngoại hối vẫn được duy trì ở mức cao là 79 tỷ USD.

Ẩn số kinh tế năm 2020: Tăng trưởng có tiếp tục làm nên kỳ tích? - 2

Tăng trưởng có thể sẽ chững lại trong năm 2020

Chuyên gia MBS nhận xét, cơ cấu của nền kinh tế năm qua tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng khả quan trong đó tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực tư nhân và FDI càng ngày càng gia tăng và tỷ trọng khu vực nhà nước ngày càng giảm.

Trong năm 2019, đầu tư từ khu vực tư nhân chiếm 46%, khu vực FDI chiếm 23% và khu vực nhà nước chỉ còn chiếm 31%.

Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận để tạo ra các bước đột phá về thể chế trong các năm 2017, 2018 và 2019. Theo yêu cầu của Chính phủ, các bộ, ngành đã chủ động rà soát và cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Các nỗ lực này đã bắt đầu cho những kết quả khả quan. Lần đầu tiên Việt Nam vươn lên vị trí 67/141 nền kinh tế trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019. Trong 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá Việt Nam đã cải thiện 8/12 trụ cột tăng điểm, tăng bậc. Các trụ cột có sự cải thiện đáng kể bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin, ổn định về thị trường sản phẩm, quy mô thị trường và thể chế.

Về triển vọng năm 2020, MBS đánh giá, kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ổn định và tăng trưởng tốt với mức độ gia tăng thấp hơn một chút so với năm 2019 do bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp do sự suy giảm của hai nền kinh tế đầu tàu là Mỹ và Trung Quốc.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức ổn định và tăng trưởng tín dụng hợp lý tiếp tục hỗ trợ đầu tư và tiêu dùng từ khu vực tư nhân tiếp tục phục hồi. Khu vực FDI vẫn diễn tiến khả quan và ổn định nhờ kỳ vọng vào các hiệp định thương mại EVFTA và CTPPP.

Xét về tổng thể nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong một chu kỳ đi lên kể từ năm 2012 đến nay. Năm 2019, tăng trưởng giảm nhẹ so với 2018 chủ yếu do các yếu tố bất ổn của môi trường vĩ mô toàn cầu đã tác động đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam vào các tháng cuối năm 2019. Do đó, MBS kỳ vọng xu hướng tăng trưởng tốt của nền kinh tế vẫn được duy trì trong 2020, mặc dù đà tăng trưởng có giảm nhẹ so với năm 2019.

Kinh tế vĩ mô cơ bản giữ ổn định với lạm phát, mặt bằng lãi suất và tỷ giá được giữ ổn định trong khi cán cân thanh toán thặng dư hỗ trợ dự trữ ngoại hối gia tăng.

Theo đó, MBS dự báo, GDP sẽ tăng trưởng khoảng 6,85% trong năm nay, lạm phát tuy không còn ở mức thấp song vẫn duy trì ổn định và ở mức dưới 4% nhờ xu hướng giá hàng hóa cơ bản giảm trên toàn cầu và chính sách tiền tệ thận trọng của NHNN.

Tóm lại, mặc dù bối cảnh vĩ mô toàn cầu không thuận lợi, áp lực lạm phát gia tăng, dư địa nới lỏng chính sách không còn nhiều. Tuy nhiên, với việc nền kinh tế đã cải thiện về hiệu quả thông qua các cải cách cơ cấu của Chính phủ, MBS kỳ vọng chu kỳ kinh tế này sẽ kéo dài hơn các chu kỳ trong quá khứ.

“Chúng tôi dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ tạo đỉnh năm 2019 và chững lại trong năm 2020 và tăng trưởng trở lại vào năm 2021” - chuyên gia MBS nêu tại báo cáo.

Bích Diệp