1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

An Giang: Sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững

(Dân trí) - Tại “Hội nghị triển khai hoạt động ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2019”, ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN - PTNT An Giang cho biết, trong năm 2019 được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực, lấy lại đà tăng trưởng, hướng đến các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN - PTNT An Giang cho biết, tiếp tục sự thắng lợi của những năm trước, năm 2019, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp cùng với việc nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân. Thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn, chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường.

An Giang: Sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững - 1
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở An Giang

Trước mắt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây hoa màu có giá trị kinh tế cao hơn. Dự kiến sẽ tăng hơn 2.000 ha diện tích một số loại cây như: khoai cao, sen, đậu tương, ngô non, ớt, rau ăn lá... từ diện tích lúa kém hiệu quả. 

Trong sản xuất lúa, An Giang sẽ áp dụng chương trình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"; mở rộng áp dụng Global GAP, Viet GAP để giảm giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người dân; tập trung triển khai tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và thay đổi cơ cấu giống lúa gieo trồng theo hướng tăng những giống lúa chất lượng cao có thương hiệu được doanh nghiệp bao tiêu với giá mua được đặt trước.

Trong năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang dành trên 70% diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu, giảm mật độ sạ, giảm bón lượng phân đạm dư thừa, giảm sử dụng thuốc trừ sâu. Trong đó đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các mô hình, các giải pháp tổng hợp trong sản xuất lúa. Kết hợp trồng hoa trên bờ ruộng nhằm xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

An Giang: Sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững - 2
An Giang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gắn Doanh nghiệp với nông dân, HTX để đảm bảo đầu ra cho nông sản

Tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, gắn với thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác của HTX kiểu mới, liên kết từ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác. Đánh giá, tổng kết vai trò kinh tế hợp tác của các HTX kiểu mới. Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả” của Trung ương.

Song song đó triển khai nhanh Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực công nhận mới 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: vùng lúa nếp Phú Tân, vùng lúa giống Lộc Trời, vùng rau màu Kiến An, vùng cây ăn quả Chợ Mới. Hướng dẫn các doanh nghiệp Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Việt Úc và một số doanh nghiệp tiêu biểu khác tại tỉnh thực hiện hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phối hợp phổ biến thông tin, triển khai áp dụng chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng cho cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, HTX, liên hiệp hợp tác xã thực hiện sản xuất kinh doanh thuộc 8 nhóm sản phẩm nông nghiệp được quy hoạch sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Nông nghiệp An Giang có diện mạo mới như ngày hôm nay là từ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Tiếp đó, UBND tỉnh vào cuộc bằng các chính sách hỗ trợ tích cực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Qua 07 năm tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho tỉnh An Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều vùng sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như lúa gạo (Jasmine, nếp), cây ăn quả (chuối, xoài), chăn nuôi (heo bò), thuỷ sản (cá tra, tôm càng xanh, con giống thuỷ sản), dược liệu (sâm bố chính, ba kích, đinh lăng, củ huyền tinh), rau an toàn, ... đã dần được xác lập, phương thức sản xuất dần chuyển biến theo hướng tích cực ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, chú trọng tổ chức sản xuất hàng hoá lớn, gắn với liên kết tiêu thụ, sản phẩm được nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh thị trường, tư duy sản xuất dần thay đổi từ đặt nặng sản lượng sang các mục tiêu hiệu quả, bền vững và hội nhập.

Nguyễn Hành