1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

An Giang: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao… thuận lợi và thách thức

(Dân trí) - An Giang đã chọn 08 nhóm sản phẩm: lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, dược liệu, nấm ăn - nấm dược liệu để phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, trong bước đi này những vấn đề về đầu tư, ứng dụng công nghệ, đầu ra sản phẩm, nguồn nhân lực và nhận thức của người trực tiếp sản xuất... là những thách thức An Giang cần tập trung nguồn lực vượt qua trong thời gian tới.

Lộ dần những vùng sản xuất chất lượng cao...

Từ năm 2012, Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Nghị quyết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh An Giang triển khai hành động bằng quyết sách về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động, tích cực, nỗ lực trong toàn ngành, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, các địa phương và người dân trong tỉnh cùng tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho tỉnh An Giang.


Hiện nay An Giang đang hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được xác lập

Hiện nay An Giang đang hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được xác lập

Qua 05 năm thực hiện, nhiều vùng sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như lúa gạo (Jasmine, nếp), cây ăn quả (chuối, xoài), chăn nuôi (heo bò), thuỷ sản (cá tra, tôm càng xanh, con giống thuỷ sản), dược liệu (sâm bố chính, ba kích, đinh lăng, củ huyền tinh), rau an toàn, ... đã dần được xác lập.

Phương thức sản xuất dần chuyển biến theo hướng tích cực ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, chú trọng tổ chức sản xuất hàng hoá lớn, gắn với liên kết tiêu thụ, sản phẩm được nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh thị trường, tư duy sản xuất dần thay đổi từ đặt nặng sản lượng sang các mục tiêu hiệu quả, bền vững và hội nhập.

Đối với mặt hàng lúa, gạo đã xác lập các vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn tại huyện Thoại Sơn với hơn 888,9 ha (định hướng 4.260 ha đến năm 2020); vùng sản xuất lúa Jasmine theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại chuyện Châu Phú đạt diện tích sản xuất luỹ kế từ năm 2013 đến nay là 24.759,8 ha;vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản theo mô hình cánh đồng lớn tại huyện Châu Thành đạt diện tích sản xuất luỹ kế từ năm 2012 đến nay là 36.268,73 ha.

Đặc biệt, tại TP. Long Xuyên, diện tích sản xuất lúa thơm đặc sản là 532,5/900 ha, sản xuất lúa Nhật là 579,4/400 ha. Bên cạnh đó, các vùng sản xuất cũng được tăng cường áp dụng các giải pháp canh tác bền vững 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới tiết kiệm nước, công nghệ sinh thái, cơ giới hoá đồng ruộng, v.v…

Những năm qua, mô hình sản xuất theo cánh đồng lớn, An Giang đã liên kết với các doanh nghiệp tiêu biểu như Tập đoàn Vinacam, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Trịnh Văn Phú, Xí nghiệp Lương thực Tri Tôn, Tấn Vương, Công ty Lương thực Miền Bắc, … tăng dần qua các năm. Cụ thể, như chuỗi liên kết với Lộc Trời ở An Phú đạt diện tích mỗi năm từ 300 – 500ha, mang lại lợi nhuận cho nông dân cao hơn từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha; Vùng sản xuất lúa gạo an toàn sinh học tại các xã Vĩnh Lộc, Phú Hữu huyện An Phú được hình thành và tiếp tục phát triển đến nay đã đạt diện tích bình quân 400 – 600 ha/năm, lợi nhuận tăng thêm từ 3 – 3,5 triệu đồng/ha. Hay nhiều mô hình trồng lúa chất lượng cao, trồng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ ở nhiều địa phương đã được cấp giấy chứng nhận chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn toàn thực phẩm...

Điều đáng nói, từ việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa đã mang lại nhiều kết quả khả quan, giúp năng suất đạt trung bình 5,70 - 5,96 tấn/ha (cao hơn 0,2 – 0,5 tấn/ha), lợi nhuận sản xuất tăng bình quân 3.341.320 đồng/ha - 5.487.083 đồng/ha.

Còn đối với thủy sản, các mô hình nuôi trồng thuỷ sản phát triển đa dạng, chú trọng các giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất giống, sản xuất thương phẩm đạt năng suất, chất lượng cao. Đáng chú ý có các mô hình đang được áp dụng phổ biến như sinh sản bán nhân tạo giống lươn, nuôi lươn không bùn mật độ cao; nuôi cá sặc rằn thương phẩm trong ao đất và thức ăn công nghiệp, nuôi tôm càng xanh toàn đực thâm canh trong ao đất, nuôi lươn trong bể lót bạt… Ngoài ra còn có mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh trồng lúa trong vùng ngập lũ qui mô 03 ha/01 hộ/01 ao trong khuôn khổ dự án hợp tác với GIZ…

Hiện nay, ngành cá tra và tôm càng xanh là hai thế mạnh của ngành thủy sản An Giang, do đó, ngoài việc áp dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào khâu nuôi thương phẩm, An Giang còn tập trung đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất giống thuỷ sản và cải thiện chất lượng giống thuỷ sản được chú trọng phát triển. Nhờ đó, những năm qua, sản xuất giống ở tỉnh An Giang đã có những bước phát triển vượt bậc, trong đó phải kể đến giống tôm càng xanh toàn đực (Trung tâm giống Thủy sản đã hợp tác với tập đoàn Tiran của Israel), giống cá tra đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn Quốc tế GlobalGAP.


An Giang là tỉnh được Chính phủ chủ trì tổ chức chuỗi sản xuất giống ca tra theo ba cấp

An Giang là tỉnh được Chính phủ chủ trì tổ chức chuỗi sản xuất giống ca tra theo ba cấp

Đối với chăn nuôi, tại các huyện có thế mạnh về chăn nuôi, các hoạt động cải thiện chất lượng con giống, nâng cao chất lượng thịt, giảm chi phí sản xuất, nghiên cứu các khẩu phần thức ăn vỗ béo cải tiến, chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật gieo tinh nhân tạo trên gia súc được tăng cường. Như tại Tri Tôn, tổng đàn bò là 17.328 con trong đó có 70% là bò cao sản và đàn bò lai chuyên thịt bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo tính từ 2014 đến nay đã thực hiện được trên 937 con, tạo ra được 358 bê lai.

Mặt khác, với ngành chăn nuôi, An Giang còn hướng tới xây dựng các mô hình ứng dụng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi phát triển mạnh. Toàn tỉnh đã có 1.458 công trình khí sinh học được xây dựng đúng theo tiêu chuẩn ngành, nhiều hầm biogas bằng vật liệu composite cũng đã được lắp đặt ở các gia trại. Áp dụng chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học ngày càng phổ biến, chẳng hạn như tại Thoại Sơn đã có 86 mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học Balasa N01 với tổng số là 7.570 con (7.200 con gà, 250 con vịt, 120 con heo) giúp người chăn nuôi tiết kiệm đến gần 90 % lượng nước và 60% công lao động.

Với nhóm ngành hàng rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái và dược liệu đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, trồng trọt, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP.

Sản xuất theo các mô hình liên kết tiêu thụ, truy nguyên nguồn gốc với các doanh nghiệp dần phát triển theo hướng tích cực. Hiện có 06 doanh nghiệp tiêu biểu có thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ tại tỉnh. Trong đó, chuỗi liên kết với Công ty Antesco tại huyện Châu Phú diện tích 385,27 ha đậu nành rau (lợi nhuận bình quân từ 8,15 – 55,2 triệu đồng/ha), 312,02 ha đậu bắp Nhật (lợi nhuận bình quân 20 – 71,42 triệu đồng/ha), 11,15 ha bắp thu trái non (lợi nhuận bình quân 15 – 16 triệu đồng/ha); và tại huyện Tri Tôn đạt 120 ha bắp thu trái non.

Một điểm nhấn trong nhóm ngành hàng này là việc thực hiện chuyển đối đất lúa kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp thành vườn sản xuất cây ăn quả ở một số địa phương bước đầu có những chuyển biến tích cực như ở Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú. Tại huyện Châu Phú hiện đã có diện tích cây ăn trái là 377 ha (so kế hoạch là 307 ha), thành lập được 05 Chi hội nghề nghiệp làm vườn cây ăn trái với 161 hộ tham gia.


Chính những bước tiến trong việc phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Chính những bước tiến trong việc phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Những “nút thắt” cần tháo gỡ…

Để 08 nhóm hàng đạt được những kết quả ban đầu như hôm nay, An Giang đã làm rất tốt công tác tuyên truyền cho người dân, lãnh đạo các cấp chung tây xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện nhiều chính sách ưu đãi với DN, chính sách hỗ trợ đối với người trực tiếp sản xuất… Đặc biệt là chính sách kêu gọi xúc tiến đầu tư để có nhiều DN tham gia vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ 08 mặt hàng chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, trong mục tiêu xây dựng, phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của An Giang còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ.

Theo đó, Sở NN&PTNT An Giang đã xác định việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế về vốn đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào sản xuất còn nhiều bất cập, công nghệ sản xuất trong nước chưa nhiều, chưa đa dạng, kinh phí để thực hiện các mô hình trình diễn còn hạn hẹp, chưa có các mô hình mẫu đúng nghĩa nên không đủ tạo nên hiệu quả tuyên truyền, nhân rộng.

Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao yêu cầu trình độ tri thức ứng dụng KHCN có tính chuyên môn hóa cao, trong khi nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh còn nhiều hạn chế, nguồn lực thu hút, đãi ngộ nhân tài chưa đảm bảo nên chưa có nhiều chuyên gia cho từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, tư duy về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chưa nhất quán, chuyển biến nhận thức của nông dân, doanh nghiệp về tự lực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm, còn trông chờ vào nguồn hỗ trợ của nhà nước.

Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khó thâm nhập thị trường trong nước do có giá thành cao bởi suất đầu tư lớn, hành vi tiêu dùng sản phẩm chất lượng tốt, giá bán cao chưa phổ biến, trong khi năng lực tiếp cận thị trường quốc tế cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều rào cản, hạn chế.

Mặt khác, cơ chế chính sách của trung ương phục vụ cho hoạt động phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đồng bộ, chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập. Trong khi nguồn tự lực của tỉnh chưa thực sự tạo ra được sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…


An Giang đang tập trung nguồn lực tháo gỡ những khó khăn để phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững

An Giang đang tập trung nguồn lực tháo gỡ những khó khăn để phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững

Theo Sở NN&PTNT An Giang để tháo gỡ những “nút thắt” nêu trên, An Giang cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi đặc thù, thu hút đầu tư lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó chú trọng vào hướng dẫn quy trình thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ ưu đãi cho tổ chức, cá nhân, tạo quỹ đất để mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chú trọng phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, gắn kết với các chợ đầu mối, các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, thực hiện các chuỗi cung ứng, các hợp đồng liên kết sản xuất – tiêu thụ nhằm xây dựng các kênh tiêu thụ ổn định cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời xác định các sản phẩm chủ lực của từng địa phương, trong đó phân định cụ thể sản phẩm nào ưu tiên phát triển trước để tập trung nguồn lực đầu tư đúng mức, tăng cường nguồn lực xã hội cùng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, tích cực phối hợp giữa các bên liên quan trong công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho người dân và đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên trách lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để từ đó tạo ra được nền tảng KHCN đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuối VIFABA của Công ty TNHH MTV Chế biến Nông sản Vĩnh Phát; Dự án đầu tư xây dựng Trang trại chăn nuôi heo, gà công nghệ cao và trồng cây ăn trái của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao An Khang; Dự án Trang trại chăn nuôi gà và trồng cây ăn trái công nghệ cao của Công ty TNHH Nông nghiệp Chất lượng cao Sơn Huy; Dự án sản xuất và chế biến rau, củ, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP tỉnh An Giang 2018 – 2020 của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Phan Nam.

Hiện tại, UBND tỉnh An Giang đang kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào 08 dự án nông nghiệp tiềm năng của tỉnh, gồm: Dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời kết hợp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án đầu tư liên kết phát triển chuỗi giá trị gia tăng bò thịt; dự án Khu liên hợp nghiên cứu sản xuất cá tra giống; dự án trồng chuối cấy mô công nghệ cao theo chuỗi giá trị; dự án Làng bè nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái; dự án Nhà máy chế biến rau củ quả; dự án chuỗi cung ứng thịt heo an toàn trên địa bàn tỉnh; Cụm công nghiệp sản xuất Nếp bền vững, Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Phú (đang mời gọi Công ty Cổ phần 620 Châu Thới đầu tư). Đặc biệt, UBND tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang liên kết tiểu vùng tứ giác Long Xuyên mời gọi đầu tư dự án trồng 100.000ha cây Cao Lương để làm Biomass.

H. Hành