1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

An Giang: Ngành lúa gạo và thủy sản An Giang đạt kết quả nổi bật nhờ ứng dụng công nghệ cao

(Dân trí) - Năm 2012, An Giang xác định 08 nhóm ngành nông nghiệp chủ lực, gồm: lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, dược liệu, nấm ăn - nấm dược liệu để thực hiện việc tổ chức phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Qua 7 năm thực hiện, đến nay nhóm ngành này đạt được một số kết quả nổi bật, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo và thủy sản.

Qua 7 năm thực hiện Nghị Quyết 09 của Thường trực Tỉnh ủy về phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay cho thấy 08 nhóm ngành “lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, dược liệu, nấm ăn - nấm dược liệu” đạt được nhiều kết quả đáng kể và nổi bật nhất là nhóm ngành hàng lúa gạo và thủy sản.

An Giang: Ngành lúa gạo và thủy sản An Giang đạt kết quả nổi bật nhờ ứng dụng công nghệ cao - 1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư cùng các cán bộ nông nghiệp kiểm tra hệ thống thủy lợi ở vùng sản xuất lúa huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Giang

Đối với lúa gạo…

Diện tích gieo trồng lúa hàng năm của tỉnh có chiều hướng tăng từ 589.253 ha (năm 2010) đến 669.011 ha (năm 2016), là do tăng diện tích sản xuất lúa vụ 3. Các vùng sản xuất tiềm năng phát triển thành vùng nguyên liệu, tập trung các giống chủ lực trong sản xuất phù hợp phát triển cho xuất khẩu là: Jasmine, OM4900, OM6976, OM5451,...

Đến năm 2017, diện tích sản xuất lúa có áp dụng các kỹ thuật, công nghệ theo hướng công nghệ cao (như: ứng dụng trang bằng mặt ruộng bằng tia laser, máy cấy, máy phun hạt giống,… để gieo sạ thưa) là 157.977 ha/636.140 ha gieo trồng, năng suất tăng bình quân 0,2 – 0,3 tấn/ha, giảm giá thành sản xuất từ 16-20%, bước đầu đạt so với mục tiêu Quy hoạch được phê duyệt (tăng năng suất 0,3 - 0,4 tấn/ha; giảm giá thành sản xuất từ 15 - 20 % so với không ứng dụng theo hướng công nghệ cao); vùng đông sườn Phú An (1.595 ha). Ngoài ra, hàng năm tổ chức phục tráng, nhân giống nếp xác nhận từ 2 – 2,5% diện tích sản xuất đảm bảo nhu cầu nguồn giống nếp cho huyện.

An Giang: Ngành lúa gạo và thủy sản An Giang đạt kết quả nổi bật nhờ ứng dụng công nghệ cao - 2
Nhờ ứng dụng công nghệ cao, ngành lúa gạo An Giang đã hình thành nên những vùng sản xuất lúa chất lượng cao với qui mô lớn. Đặc biệt, những vùng sản xuất lúa này luôn găn với Doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho nông dân

Các giống lúa chất lượng cao như ĐS1, RVT được tăng dần diện tích. Một số vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn được xác lập như tại huyện Thoại Sơn hiện tại là 888,9 ha (định hướng 4.260 ha đến năm 2020); vùng sản xuất lúa Jasmine theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại chuyện Châu Phú đạt diện tích sản xuất luỹ kế từ năm 2013 đến nay là 24.759,8 ha; vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản theo mô hình cánh đồng lớn tại huyện Châu Thành đạt diện tích sản xuất luỹ kế từ năm 2012 đến nay là 36.268,73 ha. Tại TP. Long Xuyên, diện tích sản xuất lúa thơm đặc sản là 532,5/900 ha, sản xuất lúa Nhật là 579,4/400 ha. Bên cạnh đó, các vùng sản xuất cũng được tăng cường áp dụng các giải pháp canh tác bền vững 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới tiết kiệm nước, công nghệ sinh thái, cơ giới hoá đồng ruộng, v.v…

Sản xuất theo cánh đồng lớn liên kết với các doanh nghiệp tiêu biểu như Tập đoàn Vinacam, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Trịnh Văn Phú, Xí nghiệp Lương thực Tri Tôn, Tấn Vương, Công ty Lương thực Miền Bắc, … tăng dần qua các năm.

Tại huyện Tri Tôn, diện tích sản xuất luỹ kế từ 2014 đến 2016 là 27.131,9 ha lúa chất lượng cao, 16.701 ha lúa Nhật, hơn 500 ha lúa Nàng Nhen, gần 100 ha lúa mùa nổi và bình quân 64 ha/năm lúa Nàng Nhen Bảy Núi theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Chuỗi liên kết với Lộc Trời ở An Phú đạt diện tích mỗi năm từ 300 – 500 ha, mang lại lợi nhuận cho nông dân cao hơn từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha. Tại huyện Châu Thành, diện tích cánh đồng lớn đạt 36.286,73 ha luỹ kế từ năm 2012 đến nay. Tại huyện Chợ Mới, tổng diện tích tham gia cánh đồng lớn luỹ kế từ 2012 là hơn 7.107 ha, ký kết tiêu thụ được hơn 4.000 ha. Tại TX. Tân Châu hiện nay đạt 300 ha và tại TP. Châu Đốc cũng đạt 628,6 ha.

An Giang: Ngành lúa gạo và thủy sản An Giang đạt kết quả nổi bật nhờ ứng dụng công nghệ cao - 3
Ngành thủy sản An Giang đạt những kết quả nổi bật

Vùng sản xuất lúa gạo an toàn sinh học tại các xã Vĩnh Lộc, Phú Hữu huyện An Phú được hình thành và tiếp tục phát triển đến nay đã đạt diện tích bình quân 400 – 600 ha/năm, lợi nhuận tăng thêm từ 3 – 3,5 triệu đồng/ha. Mô hình trồng lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ tại Tân An, TX. Tân Châu đạt diện tích 0,2 ha, áp dụng trên giống TC 26 do chính nông dân lai tạo đạt năng suất từ 400 – 450 kg/1.000 m2. Ssản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ các giống Jasmine 85, Lúa Nhật ĐS1 tại TP. Long Xuyên đạt diện tích 03 ha của Công ty TNHH Ba Lá Phong, giá bán 20.000 đồng/ký, đóng gói bằng máy hút chân không, mỗi gói 02 đến 05 kg, sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn toàn thực phẩm.

Ngoài ra, mô hình ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa: làm đất, trang bằng mặt ruộng, giảm lượng giống gieo sạ: 100- 120 kg/ha, loại giống đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, áp dụng quy trình 1 phải 5 giảm tại các huyện mang lại nhiều kết quả khả quan, giúp năng suất đạt trung bình 5,70 - 5,96 tấn/ha (cao hơn 0,2 – 0,5 tấn/ha), lợi nhuận sản xuất tăng bình quân 3.341.320 đồng/ha - 5.487.083 đồng/ha

Đối với thuỷ sản…

Triển khai các quy hoạch về các vùng sản xuất tập trung, giai đoạn 2017 - 2020 hình thành và phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, gắn kết với phát triển các vùng sản xuất sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao đã được quy hoạch; đồng thời tổ chức thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao; áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất thủy sản; nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng.

Tổng diện tích nuôi sản ứng dụng công nghệ cao tính đến năm 2017 là 497,26 ha, đạt 145,69%; Sản lượng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao là 202.894,85 tấn, đạt 235,96% so chỉ tiêu diện tích nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định 1021/QĐ-UBND ngày 2/7/2014 của UBND tỉnh An Giang.

An Giang: Ngành lúa gạo và thủy sản An Giang đạt kết quả nổi bật nhờ ứng dụng công nghệ cao - 4
An Giang đang thực hiện Đề án giống cá tra ba cấp, đây là nhiệm vụ quan trọng mà Bộ NN&PTNT đã giao cho tỉnh An Giang.

Trong đó, diện tích nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn an toàn chất lượng như ASC VietGap, Global GAP... đạt 458,74 ha và sản lượng đạt 202.301 (so với mục tiêu Quyết định 1021/QĐ-UBND ngày 2/7/2014 của UBND tỉnh An Giang là 300 ha tương ứng với sản lượng khoảng 135.000 tấn).

Tôm càng xanh toàn đực khoảng đạt 16,7 ha, tổng sản lượng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao là 20 tấn (so với mục tiêu Quyết định 1021/QĐ-UBND ngày 2/7/2014 của UBND tỉnh An Giang 300 ha tương ứng với sản lượng 750 tấn).

Cá lóc nuôi ứng dụng công nghệ vi sinh hạn chế thay nước khoảng 15 ha, tương ứng đạt sản lượng 210 tấn (so với mục tiêu Quyết định 1021/QĐ-UBND ngày 2/7/2014 của UBND tỉnh An Giang là 150 ha tương ứng với sản lượng 30.000 tấn).

Tổng diện tích nuôi lươn ứng dụng công nghệ cao nuôi lươn không bùn đạt 5 ha, bằng 47,55% tổng diện tích nuôi lươn toàn tỉnh, ước tính sản lượng đạt 253,65 tấn, bằng 23,77%,

Điểm nhấn của ngành hàng thủy sản là An Giang Được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ thực hiện Đề án giống cá tra 3 cấp. Khi được giao nhiệm vụ quan trọng này, An Giang phối hợp với Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc đầu tư Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao với quy mô hơn 200 ha; đã hoàn thành giải phóng mặt bằng khu đất diện tích 104 ha; xây dựng khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao với 18 nhà màng, diện tích mỗi nhà 200m2 và công ty đang thực hiện việc đầu tư nhiều hàng mục phục vụ cho Đề án, như: khu văn phòng; khu lưu giữ cá bố mẹ chọn giống…

Công ty có đàn cá Tra bố mẹ được chọn lọc theo quy trình công nghệ cao, số lượng đã được tuyển chọn là 2.000 con từ nguồn cá campuchia đã thu thập số liệu và đang trong quá trình báo cáo đánh giá, do viện nghiên cứu CSIRO đánh giá; đồng thời cũng đã tiếp nhận thêm 1.000 con cá tra bố mẹ của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II để nghiên cứu sản xuất giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho nuôi thương phẩm của tỉnh An Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến năm 2019 sẽ cung ứng con giống ra thị trường. Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc đã thống nhất tham gia Đề án liên kết sản xuất cá tra 3 cấp với vai trò cấp 1, cấp 2 và cấp 3.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp An Giang còn kết hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai thực hiện Đề an giống cá tra 3 cấp. Từ sự bắt tay này, Trung tâm giống Thủy sản An Giang thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm giống Thủy sản An Giang thành Trung tâm giống cấp vùng phục vụ cho phát triển hệ thống giống cá Tra 3 cấp chất lượng cao, Cụ thể là: Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị Trại giống Bình Thạnh 2 phục vụ cho việc áp dụng công nghệ cao vào chương trình sản xuất; Xem xét mở rộng diện tích tại Trại giống Bình Thạnh…

Hợp tác với các tổ chức quốc tế đặc biệt là công nghệ của Israel, hợp tác với các Viện nghiên cứu Thủy sản và các Trường đại học để liên kết các ứng dụng hoa học kỹ thuật trong lai tạo và phát triển đàn cá bố mẹ. Trong năm 2018 công ty sẽ hợp tác liên kết tiêu thụ cá tra giống của các chi hội sản xuất giống như Chi hội AFA; Chi hội cá giống Châu Phú và tham gia vào Đề án cá tra 3 cấp với vai trò cấp 1, cấp 2 và cấp 3.

Công tác nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất giống thuỷ sản và cải thiện chất lượng giống thuỷ sản được chú trọng phát triển. Nhờ đó, những năm qua, sản xuất giống ở tỉnh An Giang đã có những bước phát triển vượt bậc.

Nguyễn Hành