1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

82.000 tỷ đồng của ACB đang “trú” tại các ngân hàng khác

(Dân trí) - Trong khi kiểm toán lưu ý về 1.500 tỷ đồng của ACB gửi tại Vietinbank và một TCTD, thì hai khoản này vẫn chưa được trích lập dự phòng. Hiện, ACB vẫn còn hơn 850 tỷ đồng cho Vinalines vay, không xếp vào nợ xấu.

Kiểm toán lưu ý 2 khoản tiền gửi “khổng lồ” của ACB

Tại Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất đã được kiểm toán của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC) đã lưu ý đến 2 khoản tiền gửi khổng lồ của ngân hàng này.

Theo đó, tại ngày 31/12/2012, số dư tiền gửi có kỳ hạn của ACB tại một tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước lên tới trên 750 tỷ đồng.

Cụ thể, 718,9 tỷ đồng là khoản tiền gửi có kỳ hạn và 36,5 tỷ đồng là lãi phải thu mà ACB đã ủy thác cho nhân viên gửi tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã quá hạn.

Vụ ủy thác tiền gửi của ACB tại Vietinbank bị
Vụ ủy thác tiền gửi của ACB tại Vietinbank bị trùm lừa đảo Huỳnh Thị Huyền Như chiếm dụng đã khiến nhiều lãnh đạo cấp cao của ngân hàng vướng vòng lao lý.

ACB cho biết, phần lớn các nhân viên nhận ủy thác gửi tiền của ACB đã khởi kiện tại tòa án dân sự yêu cầu Vietinbank hoàn trả gốc và lãi của các khoản này.

Tháng 7 năm ngoái, ACB nhận được thông báo từ Tòa án về việc tạm hoãn xét xử do vụ việc có liên quan đến vụ án hình sự đang điều tra. Từ tháng 7 đến tháng 11/2012, toàn bộ nhân viên ủy thác thực hiện việc khởi kiện.

Tính đến 31/12/2012 và tại ngày phê duyệt BCTC hợp nhất, ACB vẫn chưa được thông báo về kết quả điều tra cũng như chưa có phán quyết của Tòa. Trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của các bên liên quan chỉ được xác định dựa trên phán quyết của Tòa án.

Với việc cho rằng sẽ thu hồi được số tiền này, ACB đã không trích lập dự phòng.

Khoản thứ 2 được kiểm toán lưu ý đến là 1.095 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn tại 1 ngân hàng TMCP trong nước bị quá hạn, tuy nhiên ACB không nêu đích danh.

ACB cho biết, đến ngày phê duyệt BCTC hợp nhất, ngân hàng này đã trả một phần số dư nợ gốc và toàn bộ lãi phải thu đến ngày 31/12/2012 tổng số tiền trên 370 tỷ đồng (gồm 323 tỷ đồng nợ gốc và 47,4 tiền lãi).

Mặc dù, Thông tư 21 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay, đi vay giữa các TCTD đã có hiệu lực từ 31/12/2012 song, theo ACB, Thông tư không hướng dẫn về việc phân loại trích lập dự phòng cho tiền gửi tại các TCTD khác. Phải đến Thông tư số 02 của NHNN ban hành ngày 21/1/2013 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/6 tới mới có hướng dẫn về vấn đề này. 

Do vậy, với khoản tiền gửi thứ 2 này, ACB cũng không thực hiện trích lập dự phòng.

Tổng cộng, 2 khoản tiền gửi còn trên 1.500 tỷ đồng tại 2 TCTD chưa được ACB trích lập dự phòng.

Ngoài ra, BCTC của ACB cũng cung cấp thông tin về 1.145,54 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn (bằng ngoại tệ) của ACB đã được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của ngân hàng tại 1 ngân hàng khác. 

Đến 31/12/2012, tổng tiền gửi và cho vay các TCTD khác của ACB đã lên tới 82.000 tỷ đồng.

Còn hơn 850 tỷ đồng dư nợ của Vinalines

Nợ cần chú ý của ACB trong năm 2012 tăng vọt gấp 17 lần so 2011. Trong đó, có 853,7 tỷ đồng là khoản cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và 1 công ty con của Vinalines vay.

Khoản tiền này được được phân bổ 746,85 tỷ đồng cho vay với mục đích mua và đóng tàu biển còn 106,85 tỷ đồng cho vay tài trợ vốn lưu động.

Đến 31/12, trong số các khoản lãi, phí phải thu của ACB là 4.095 tỷ đồng có 87,5 tỷ đồng là lãi phải thu từ trái phiếu do Vinalines phát hành đến hạn trong tháng 8/2012. Tuy nhiên, ACB đã gia hạn thời hạn trả khoản này đến tháng 8 năm nay. Dự phòng trích lập gần 4,4 tỷ đồng.

Ngày 4/2/2013 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015, trong đó yêu cầu NHNN chỉ đạo và đề nghị các TCTD xem xét tái cơ cấu nợ đối với các khoản vay mua, đóng mới tàu biển của Vinalines; cho Vinalines vay vốn lưu động phục vụ kinh doanh của đội tàu trên cơ sở Tổng công ty và các đơn vị thành viên chứng minh được hiệu quả, cân đối nguồn trả nợ.

Tuy nhiên, tại ngày phê duyệt BCTC hợp nhất, ACB cho biết, chưa nhận được chỉ đạo từ NHNN liên quan đến Đề án này.

Trong cơ cấu dư nợ cho vay của ACB năm vừa rồi, quy mô nợ xấu ở mức 2.571 tỷ đồng gấp 4,5 lần năm 2011. Trong đó, nợ nhóm 3 (dưới chuẩn) tăng gấp 2,7 lần, nợ nhóm 4 (nghi ngờ) tăng gần gấp đôi và nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) tăng gấp 4 lần. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,5% tổng dư nợ so con số 0,56% của năm 2011.

Các khoản dư nợ của Vinalines và liên quan tới nhóm 6 công ty của ông Nguyễn Đức Kiên thuộc nợ nhóm 2, tức chưa tính vào nợ xấu.

Mai Chi