1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

72% sản phẩm của doanh nghiệp chế biến, chế tạo đang tồn kho!?

(Dân trí) - Chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo hết 9 tháng đầu năm là 72,1%, tăng 17,2% so với cùng thời điểm năm trước (63,8%). Đây là con số đáng lo ngại về bức tranh của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam vừa được Tổng cục Thống kê công bố.

Cụ thể, tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế xã hội quý 3 và 9 tháng đầu năm sáng 28/9, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra nhiều dữ liệu của kinh tế Việt Nam.

72% sản phẩm của doanh nghiệp chế biến, chế tạo đang tồn kho!? - 1

Đường đang là một trong những sản phẩm tồn kho lớn nhất hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang kêu cứu

Tổng cục Thống kê khẳng định, 9 tháng đầu năm Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây.

Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, kết quả tăng trưởng 6,98% khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%; dịch vụ tăng 6,85%...

Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,37%) và các ngành dịch vụ thị trường (Bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65%).

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,20% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,98%; khu vực dịch vụ chiếm 42,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,08% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2018 là: 13,94%; 33,50%; 42,51%; 10,05%).

Đáng chú ý nhất là thông tin về tỷ lệ tồn kho tăng 2 con số của ngành chế biến chế tạo trong nước. Cụ thể, tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng năm 2019 đạt 9,36% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp tăng 9,56% nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành và toàn nền kinh tế (tăng 11,37%).

Tuy nhiên, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính đạt 72,1%, tăng 17,2% so với cùng thời điểm năm trước (63,8%).

Giới chuyên gia cho hay, tỷ số tồn kho của nền kinh tế bình thường tăng khoảng 12- 15% là bình thường. Tuy nhiên, nếu tăng cao sẽ không tốt, gây tác động xấu đến doanh nghiệp và chứng tỏ doanh nghiệp khó bán hàng ra thị trường, tiêu dùng suy giảm.

Hiện theo đánh giá của giới chuyên gia, nền kinh tế đang tồn tại nhiều vấn đề mang tính căn bản chưa thể giải quyết để giải phóng sức phát triển như: chuyển biến khu vực doanh nghiệp Nhà nước cực kỳ chậm chạp, quá trình cổ phần hóa, tái vốn chậm.

Trong khi đó, giải ngân đầu công - vốn mồi cho nền kinh tế đang rất chậm chỉ đạt 30 - 40% dự toán Quốc hội và Chính phủ giao. Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian qua không có nhiều dự án lớn cỡ hàng tỷ USD. Phân tích đầu tư nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy xu hướng doanh nghiệp ngoại mua các dự án, tham gia mua cổ phiếu nhiều hơn là đầu tư. Các lĩnh vực đầu tư, có rất nhiều dự án nhỏ, bình quân từ 2 - 5 triệu USD/dự án gia tăng trong thời gian qua.

An Linh