1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

7 bộ, ngành cùng vào cuộc giám sát chọn chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thành lập Tổ giám sát gồm các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ và mời Kiểm toán Nhà nước để giám sát quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu cao tốc Bắc - Nam.

7 bộ, ngành cùng vào cuộc giám sát chọn chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam - 1
Bộ GTVT bán hồ sơ thầu các dự án, đã có 120 nhà đầu tư mua hồ sơ.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp triển khai dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc tuyến Bắc – Nam phía Đông 2017 – 2020.

Kết luận nêu rõ, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông là dự án rất quan trọng, có quy mô đầu tư lớn, đi qua nhiều địa phương, có các yêu cầu kỹ thuật phức tạp.

Việc triển khai dự án theo Phó Thủ tướng cần được đặc biệt quan tâm. Do đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đáp ứng các yêu cầu tiến độ, chất lượng.

Cụ thể, về công tác giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng, trước mắt là hoàn thành công tác cắm mốc GPMB để bàn giao cho địa phương.

UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua khẩn trương chỉ đạo rà soát quy hoạch các khu tái định cư và thực hiện xây dựng để đáp ứng nhu cầu tái định cư cho người dân; vận động và có chính sách hỗ trợ người dân thuê nhà tạm cư để bàn giao mặt bằng.

Các bộ, ngành có các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng (như công trình điện, thủy lợi, thông tin truyền thông…) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương để kịp thời di dời.

Về việc lựa chọn nhà đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật, trên nguyên tắc ưu tiên nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín; khuyến khích các nhà đầu tư trong nước liên danh, liên kết với nhau, với các nhà đầu tư quốc tế đủ năng lực để triển khai dự án.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thành lập Tổ giám sát gồm đại diện các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ và mời Kiểm toán Nhà nước để thực hiện giám sát chặt chẽ quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Bộ Xây dựng được giao sớm công bố, điều chỉnh, sửa đổi các định mức để áp dụng cho dự án; hỗ trợ xác định phương pháp và giá gói thầu tư vấn nước ngoài thực hiện công tác kiểm tra, tính toán đối chứng hồ sơ thiết kế kỹ thuật phần cầu chính đối với dự án Cầu Mỹ Thuận 2.

Về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương sớm rà soát, hoàn thành quy hoạch mỏ vật liệu trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo đảm đủ trữ lượng, chất lượng; phối hợp với các Ban quản lý dự án; tư vấn để thực hiện cấp phép, đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng.

Chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông (giai đoạn 2017-2020) được Quốc hội thông qua cuối năm 2017.

Giai đoạn đầu có 11 dự án được triển khai với tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành. Trong đó, 3 dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, 8 dự án theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.

11 dự án với các đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Theo báo cáo của Bộ GTVT, với 8 dự án cao tốc Bắc Nam khác được đầu tư theo hình thức PPP, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện các bước tiếp theo. Hiện nay Bộ bán hồ sơ thầu các dự án, đã có 120 nhà đầu tư mua hồ sơ.

Nguyễn Mạnh