6 nguyên nhân khiến sự nghiệp của bạn mãi “lẹt đẹt”

(Dân trí) - Đặt ra những kỳ vọng phi thực tế, cho rằng mình không cần đến sự giúp đỡ của người khác, mất cân bằng giữa cuộc sống và công việc… là một vài trong số những nguyên nhân khiến sự nghiệp của bạn mãi chẳng thể khá hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không ai muốn làm đồng nghiệp hay sếp thất vọng. Không ai muốn kém cỏi trong công việc. Không ai muốn thất bại. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những người thường xuyên nếm thất bại và tự chuốc rắc rối cho mình trong công việc.

Nếu bạn không biết điều gì khiến hiệu quả làm việc và khả năng thành công của bạn mãi “lẹt đẹt”, thì 6 vấn đề dưới đây rất có thể là nguyên nhân:

1. Bạn đặt ra những kỳ vọng phi thực tế

Bạn là một người luôn có thái độ “có thể làm được”, nên như một lẽ tự nhiên, bạn luôn “tự động” nói “vâng” khi được người khác đề nghị làm một việc gì đó. Vấn đề nằm ở chỗ, một vài việc - chẳng hạn ba cuộc họp diễn ra cùng lúc và một loạt nhiệm vụ nặng nề phải được hoàn thành cùng một thời hạn ngắn ngủi - luôn là những việc mà bạn không thể làm được. Tốt hơn hết, bạn nên biết lùi bước và đánh giá xem điều gì là có thể, thay vì lo lắng rằng mình khiến những người tin cẩn mình thất vọng.

2. Bạn một mực tin là mình không cần tới bất kỳ sự giúp đỡ nào

Đây là một sai lầm cực kỳ lớn trong cả công việc lẫn cuộc sống. Cố gắng trở thành một “siêu nhân” là cách chắc chắn để bạn mất phương hướng trong những việc quan trọng, thậm chí là mắc phải những sai lầm gây tốn kém nhiều thời gian và công sức. Tại sao bạn không phát huy khả năng lãnh đạo của mình bằng cách nhận ra rằng, những người khác có nhiều thời gian và/hoặc chuyên môn hơn bạn? Hãy để họ giúp đỡ bạn và mọi chuyện sẽ diễn ra dễ dàng hơn nhiều.

3. Bạn kỳ vọng mọi việc sẽ hoàn hảo


Những người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo dành quá nhiều thời gian để “lăn tăn” về những chi tiết còn chưa đúng ý mình, đến nỗi họ mất đi tầm nhìn đối với cả bức tranh lớn - đó là việc hoàn thành các nhiệm vụ và kết quả tốt (chứ không phải là hoàn hảo). Một dự án sẽ dễ dàng rơi vào cảnh thất bại nếu người chủ trì lúc nào cũng băn khoăn không biết mọi chuyện có diễn ra hoàn hảo không. Ngoài ra, nếu bạn khuyến khích những người khác tin rằng sản phẩm cuối cùng của bạn sẽ là hoàn hảo, như một lẽ tự nhiên, họ sẽ cho rằng, nếu sản phẩm mà bạn tạo ra là không hoàn hảo thì sản phẩm đó không đủ tốt.

4. Bạn mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Bạn có phải là người thường xuyên làm việc 70 giờ mỗi tuần, ăn uống ngay trong văn phòng, không bao giờ thăm bạn bè, gia đình hay làm việc gì đó thú vị? Hãy nhận ra rằng, không ai có thể duy trì kiểu sống và làm việc như vậy được lâu. Một khi bạn kiệt sức, bạn sẽ thấy tất cả xung quanh mình như sụp đổ. Bạn sẽ gặp phải những vấn đề về thể chất và tâm lý, những mối quan hệ bị phá hủy, và một sự nghiệp “giữa ngã ba đường”. Tốt hơn hết, bạn nên cắt giảm công việc ngay trước khi tình hình trở nên tồi tệ.

5. Bạn phụ thuộc quá nhiều vào người khác

Không muốn người khác giúp đỡ là sai lầm, nhưng phụ thuộc quá nhiều vào người khác trong công việc cũng là một sai lầm lớn không kém. Nêu bạn cùng các đồng nghiệp khác tham gia vào một dự án, hãy luôn đảm bảo đúng trách nhiệm của mình. Trong trường hợp bạn được giao nhiệm vụ giám sát, đừng bao giờ lơ là phó mặc mọi việc cho người khác làm, cho dù điều này có thể khiến những người làm cùng bạn cảm thấy không thoải mái. Khả năng thành công của bạn phụ thuộc vào kết quả làm việc của bạn, bởi thế bạn luôn phải ở trong tư thế và vị trí có thể cải thiện được kết quả đó.

6. Bạn đặt ra quá nhiều mục tiêu


Cố gắng ôm đồm quá nhiều việc sẽ dẫn tới mất tập trung và chất lượng công việc kém. Tốt hơn hết, bạn nên đưa ra 3 ưu tiên hàng đầu cho cả năm và dồn thời gian và sức lực để đạt được những mục tiêu này. Hãy nhớ rằng, bạn có thời gian hàng thập kỷ để làm việc và sẽ có đủ thời gian cho tất cả những mục tiêu mà bạn muốn phấn đấu.

Phương Anh
Theo Quickbase