50 năm nhìn lại: Điều gì tạo nên thành công của EVNNPC?

(Dân trí) - Để được thành quả như ngày hôm nay, Tổng công ty Điện lực miền Bắc-EVNNPC đã phải trải qua rất nhiều khó khăn thử thách…

Gánh vác nhiệm vụ kinh tế lẫn chính trị

Quyết định thành lập Công ty Điện lực (tiền thân Tổng công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC) vào năm 1969.

Sau 50 thành lập và không ngừng phát triển, EVNNPC đã làm tròn sứ mệnh của mình trong việc cung cấp nguồn điện, phục vụ mọi mặt của đời sống - kinh tế - xã hội của người dân.

50 năm nhìn lại: Điều gì tạo nên thành công của EVNNPC? - 1

Gánh vác nhiệm vụ hết sức nặng nề cả về kinh tế lẫn chính trị, EVNPNC bằng sự nỗ lực của các cá nhân, tập thể đã tạo ra những con số có ý nghĩa. Mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm của công ty này liên tục ở mức 2 con số (từ 12 đến hơn 14%).

Để được thành quả như ngày hôm nay, EVNNPC đã phải trải qua rất nhiều khó khăn thử thách. Trong đó, thách thức lớn nhất là nguồn lực bị hạn chế.

Thành lập trong giai đoạn mới thành lập công ty, cả nước đang bước vào giai đoạn cao trào của cuộc chiến chống Đế quốc Mỹ và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cơ sở hạ tầng còn vô cùng nghèo nàn. Ngành công nghiệp điện của Việt Nam trong thời kỳ đầu không thể tiếp cận với khoa học tiên tiến của thế giới.

Tuy nhiên, bằng tất cả cố gắng, EVNNPC đã phấn đấu không ngừng nghỉ để dòng điện luôn hoạt động, phục vụ người dân.

Điều khiến đội ngũ lãnh đạo của EVNNPC quan tâm không chỉ là thực hiện nhiệm vụ chính trị, những bài toán kinh doanh bảo đảm tăng trưởng vốn, mà còn là định hướng làm sao xây dựng văn hóa doanh nghiệp để xây dựng được đội ngũ chuyên nghiệp, dịch vụ khách hàng xuất sắc và thương hiệu tiêu biểu.

Làm sao để tìm được bản sắc riêng? Làm sao tăng cường gắn kết quan hệ văn hoá trong toàn bộ hệ thống quản lý lãnh đạo từ Tổng công ty đến các đơn vị một cách hiệu quả và tích cực nhất? Đó là những câu hỏi khó đòi hỏi phải tìm ra cách thức xây dựng và phát triển hệ thống nội dung văn hoá EVNNPC ngày càng phong phú, hiệu quả nhất với các nội dung về văn hoá lãnh đạo, văn hoá ứng xử, văn hoá kinh doanh, văn hóa an toàn và văn hoá học tập…

Những chương trình đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ, năng lực của các cấp quản lý, cũng như nhân viên là một lời giải. Qua đó, EVNNPC mong muốn xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phong cách lãnh đạo EVNNPC thực sự đổi mới, chuyên nghiệp, hành động, hiệu quả; tạo ra một môi trường văn hoá lành mạnh, tạo động lực và cơ hội để nhân viên phát triển hết khả năng của mình, tăng cường sự gắn kết giữa các đơn vị thành viên, các cá nhân cũng như nâng cao giá trị niềm tin của khách hàng, đối tác đối với sứ mệnh và con đường phát triển của EVNNPC.

Hợp tác quốc tế: Vươn xa để thành công

Để làm nên thành công hôm nay, không thể không nhắc tới vai trò của hợp tác quốc tế. Công tác hợp tác quốc tế được EVNNPC rất chú trọng. Bắt đầu hoạt động từ đó với việc tiếp tục xây dựng công trình Thủy điện Thác Bà bằng nguồn vốn giúp đỡ của Liên Xô.

Ngay sau khi được thành lập, Công ty Điện lực tiếp nhận và nhanh chóng triển khai và ngày 22-2-1970 ngăn sông và lần lượt đưa vào vận hành các tổ máy 1 (5-10-1971), tổ máy 2 (10-3-1972) và tổ máy 3 (19-5-1972).

50 năm nhìn lại: Điều gì tạo nên thành công của EVNNPC? - 2

Công trình Thủy điện Thác Bà đã trở thành một trường học đào tạo thế hệ những cán bộ chuyên môn và tích lũy nhiều kinh nghiệm quí báu cho ngành Điện Việt Nam phát triển những giai đoạn sau này, đặc biệt là hoạt động hợp tác quốc tế còn rất mới mẻ đối với Việt Nam lúc bây giờ.

Sau công trình Thủy điện Thác Bà, Công ty Điện lực khởi công công trình Nhiệt điện Ninh Bình (100MW) do Trung Quốc viện trợ (24-6-1971) và công trình Thủy điện Hòa Bình (1920MW) bằng nguồn vốn vay của Liên Xô (6-11-1979).

Năm 1995, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) ra đời. Một số đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực 1 được tách ra và về trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Các sở điện lực tỉnh, thành phố được đổi tên thành Điện lực tỉnh. Đây cũng là thời điểm Việt Nam có những chuyển biến cơ bản về quan hệ quốc tế: Mỹ bỏ cấm vận kinh tế. Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Các tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) … bắt đầu nối lại quan hệ và cho Việt Nam vay các khoản vốn vay phát triển chính thức.

Vào thời điểm này, Công ty Điện lực 1 bắt tay vào triển khai Dự án “Cải tạo lưới điện 3 thành phố: Hà Nội- Hải Phòng-Nam Định” bằng nguồn vốn vay nước ngoài từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), theo đó, dùng vốn vay nước ngoài (vay của ADB/vay lại của Chính phủ) cho việc mua sắm vật tư thiết bị và dịch vụ tư vấn nước ngoài và dùng vốn đối ứng (gồm vốn vay tín dụng đầu tư Nhà nước và vốn khấu hao cơ bản) cho xây lắp và chi phí khác, nhằm nâng cao khả năng cung cấp điện cho các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định đáp ứng kịp thời nhu cầu gia tăng phụ tải.

Cùng nguồn vay ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 1993-2017, EVNNPC đã triển khai Dự án Cải tạo lưới điện phân phối thành phố Thái Nguyên (giai đoạn 1) bằng nguồn vốn của Thụy Điển với tổng mức đầu tư 123 tỷ đồng và hoàn thành vào năm 2002.

Từ hiệu quả các dự án trên, EVNNPC đã khẳng định với các tổ chức tài chính quốc tế về hiệu quả từ các dự án góp phần tăng trưởng nền kinh tế và giảm nghèo, trong khi dòng vốn này trên thế giới có xu hướng giảm thì đối với Việt Nam và đặc biệt đối với ngành điện lại tiếp tục tăng.

Tiết kiệm, nâng cao hiệu quả đầu tư

Giai đoạn 2006-2010, đây là giai đoạn Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, trở thành thành viên chính thức của WTO, vốn ODA đạt được 28,05 tỷ USD vốn cam kết và tỷ lệ giải ngân đạt 44,21%.

Cũng ở vào thời điểm này, EVNNPC được là một thành phần của Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam vay vốn World Bank (WB) theo Hiệp định tín dụng số 3358-VN ký ngày 19/2000 giữa Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) và Bộ Tài Chính (thay mặt Chính phủ Việt Nam).

Do EVNNPC thực hiện đấu thầu thi công xây lắp nên đã giảm được rất nhiều chi phí. Quá trình thực hiện dự án đã tiết kiệm được vốn đầu tư, nên đã tăng được quy mô đầu tư từ 340 xã lên 530 xã góp phần cung cấp điện cho người dân nông thôn ở diện rộng hơn so với dự kiến ban đầu của Dự án.

Dự án thành phần Năng lượng nông thôn Việt Nam khu vực miền Bắc vay vốn WB đã giúp cho người dân ở vùng sâu vùng xa được hưởng lợi từ điện lưới quốc gia với giá mua điện rẻ do mua điện trực tiếp từ ngành điện.

Ngoài ra một hiệu quả xã hội lớn khác mà giá trị của nó khó có thể tính được bằng tiền là nâng cao đời sống văn hóa và nâng cao dân trí cho người dân trong vùng dự án. Các xã nằm trong dự án phần lớn là những xã nằm ở vùng sâu vùng xa trong trong điều kiện hạ tầng cơ sở cần thiết như đường giao thông còn khó khăn và thu nhập kinh tế còn thấp và vì vậy việc giao lưu với bên ngoài còn rất hạn chế. Điều đó làm cản trở việc tiếp thu thông tin và kiến thức từ bên ngoài. Từ việc có điện người dân trong vùng dự án đã có thể sử dụng các phương tiện thông tin như tivi, radio rộng rãi hơn, do vậy đời sống văn hóa tinh thần đã được cải thiện và người dân đã có thể tiếp thu những kiến thức về sản xuất được truyền tải qua phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, từ năm 1995, EVNNPC cũng đã triển khai các dự án bằng nguồn vốn ODA đa phương, song phương. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, các quốc gia, tổ chức song phương khác ….đã giúp EVNNPC xây dựng hệ thống lưới điện phân phối trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc.

Nhờ Dự án, kinh tế nông thôn được phát triển, đời sống dân trí người dân được nâng cao, tiết kiệm được chi phí tiêu dùng từ giá điện rẻ góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, thúc đẩy sản xuất tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp tạo công việc cho người dân góp phần nâng cao mức sống.