1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

45,5% doanh nghiệp “biến mất” không ảnh hưởng “sức khoẻ” nền kinh tế !

(Dân trí) - Theo VCCI, việc 45,5% doanh nghiệp ngừng hoạt động là điều đáng suy ngẫm và không thể coi là chuyện bình thường. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) lại khẳng định số doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” không ảnh hưởng đến “sức khỏe” nền kinh tế.

Tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp diễn ra hôm qua (29/4), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật Doanh nghiệp, ở nước ta đã có 941.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm 54,5%) và có đến 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%).

Việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường không hẳn là sức khỏe nền kinh tế yếu
Việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường không hẳn là sức khỏe nền kinh tế yếu

Theo ông Lộc, con số 45,5% doanh nghiệp rút khỏi thị trường là điều rất bất thường và đáng suy ngẫm cho “sức khỏe” nền kinh tế. “Biết rằng các doanh nghiệp ngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường nhưng điều đáng nói là khoảng một nửa số doanh nghiệp ngừng hoạt động gần đây là điều đáng suy ngẫm và không thể coi là chuyện bình thường được”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Chiều 29/4, trong buổi họp báo, các cơ quan truyền thông đưa con số 45,5% doanh nghiệp rút khỏi thị trường để “chất vấn” trách nhiệm của Bộ KH&ĐT trong việc thẩm định năng lực của doanh nghiệp trước khi cấp phép. Nếu có sự thẩm định, kiểm tra kỹ trước khi cấp phép thì sẽ không có tình trạng hơn 40% doanh nghiệp “chết yểu”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT - Đặng Huy Đông cho biết, hơn 40% doanh nghiệp “ra đi” không ảnh hưởng đến “sức khoẻ” nền kinh tế. “Chúng tôi mong báo chí hiểu, khi đưa tin thì phải dẫn ra 2 con số là doanh nghiệp tham gia và rút lui khỏi thị trường. Không hẳn các doanh nghiệp rút ra khỏi thị trường là doanh nghiệp chết hoặc yếu. Hiện tại các doanh nghiệp lập mới vẫn lớn hơn số đóng cửa nên chúng ta vẫn hết sức bình tĩnh. Chừng nào số doanh nghiệp tham gia mới thấp hơn số doanh nghiệp rút lui thì mới đáng lo ngại”, Thứ trưởng Đông nói.

Theo Thứ trưởng Đông, thống kê của các quốc gia trên thế giới cũng chỉ ra xu thế doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là điều bình thường. Nếu nền kinh tế tốt thì gia nhập thị trường 15%, rút khỏi thị trường 11-12%, nếu kinh tế xấu thì rút 14%.

Bộ KH&ĐT cho rằng, trong số 45,5% doanh nghiệp rút lui, có nhiều doanh nghiệp sống lại
Bộ KH&ĐT cho rằng, trong số 45,5% doanh nghiệp rút lui, có nhiều doanh nghiệp sống lại

Đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng, Bộ này đi theo nguyên lý làm sao việc gia nhập thị trường dễ và đơn giản nhất cho doanh nghiệp chứ không như trước đây là tiền kiểm rồi mới cấp phép. Trong nền kinh tế thị trường, cơ quan công quyền không đủ khả năng đi kiểm tra, thẩm định, tiền kiểm xem doanh nghiệp có sức khoẻ hoặc không có sức khoẻ để tham gia thị trường mà để doanh nghiệp ra đời. Sức khoẻ doanh nghiệp như thế nào thì tuỳ năng lực cạnh tranh, công nghệ và con người… của chính doanh nghiệp đó. Do đó, sức khỏe doanh nghiệp không thuộc trách nhiệm của Bộ KH&ĐT. Nếu Bộ quay lại tiền kiểm như trước đây thì sẽ là rào cản lớn cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Đông cũng giải thích con số hơn 40% doanh nghiệp đóng cửa. Đây là con số thống kê từ khi luật Doanh nghiệp đầu tiên ra đời (năm 1998) đến nay, tổng dồn của suốt mười mấy năm qua. Không phải hơn 40% doanh nghiệp rút khỏi thị trường là chết hoặc yếu. Trong số đó có nhiều “ông” chết đi rồi sống lại, có doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh sang một ngành nghề khác và rút khỏi thị trường ngành nghề hiện hữu.

“Trong nền kinh tế thị trường, yếu tố tâm lý rất quan trọng. Chúng tôi không cần tô hồng, chỉ cần truyền thông đưa thông tin đúng để không ảnh hưởng đến tâm lý hàng triệu người”, Thứ trưởng Đông nói.

Công Quang

45,5% doanh nghiệp “biến mất” không ảnh hưởng “sức khoẻ” nền kinh tế ! - 3