1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

31 triệu người kinh doanh Trung Quốc đầu hàng

Cuộc cách mạng trực tuyến và thương mại điện tử ở Trung Quốc sẽ tạo ra 46 triệu việc làm mới ở nước này đến năm 2025, nhưng cũng sẽ có tới 31 triệu người kinh doanh theo những hình thức truyền thống bị loại ra khỏi cuộc chơi, tương đương với toàn bộ dân số có việc làm ở Anh.

Kinh doanh truyền thống ở Trung Quốc đang gặp khó khăn.
Kinh doanh truyền thống ở Trung Quốc đang gặp khó khăn.
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
Tì người một cách chán nản trên quầy hàng trong cửa hàng điện tử Hải Long của mình ở Bắc Kinh, Vương Ninh đang ở trong tình trạng ế ẩm nhất đối với công việc kinh doanh của mình. Đã một tuần liền anh không bán được một món hàng nào, ngay tại nơi sầm uất nhất tại Z-Park, nơi được xem là thung lũng Silicon ở Trung Quốc với hàng chục ngàn các công ty và tập đoàn trong nước và quốc tế.
 
Vương Ninh không phải là người duy nhất rơi vào tình cảnh này ở thời điểm hiện tại, khi có tới hàng chục triệu người buôn bán truyền thống ở Trung Quốc đang đối mặt với cảnh bị phá sản do sự bành trướng của thương mại điện tử. Những đế chế thương mại điện tử như Alibaba hay JD đang là biểu tượng công nghệ và phát đạt của Trung Quốc, nhưng nó cũng đang là một vực thẳm với chính một lượng người Trung Quốc không nhỏ chút nào.
 
Theo thống kê mới nhất, các cuộc cách mạng trực tuyến và thương mại điện tử ở Trung Quốc sẽ tạo ra 46 triệu việc làm mới ở nước này đến năm 2025, nhưng cũng sẽ có tới 31 triệu người kinh doanh theo những hình thức truyền thống bị loại ra khỏi cuộc chơi, tương đương với toàn bộ dân số có việc làm ở Anh. 
 
Đó là một trong những mặt trái khủng khiếp mà cuộc cách mạng thương mại điện tử ở nền kinh tế hàng đầu thế giới đang tạo ra. Với chính phủ và lực lượng lao động trí thức mới nổi ở Trung Quốc, thương mại điện tử có thể là biểu tượng của tương lai và thành đạt, thì với hàng chục triệu người buôn bán truyền thống đó lại đang là biểu tượng của sự đe dọa phá sản.

Cuộc cách mạng thương mại điện tử đang thực sự đảo lộn hoàn toàn cung cách sinh hoạt và mua sắm của con người, ít nhất là ở Trung Quốc. Giờ đây người dân Trung Quốc không đến những siêu thị hay cửa hàng bán lẻ để mua sắm các vật dụng cần thiết, mà họ đặt mua qua mạng bằng máy tính hay Smartphone, nó giúp tiết kiệm thời gian khi chỉ một cú click chuột và một lát sau hàng sẽ được mang đến tận nơi. Đi dạo các cửa hàng và mua sắm đã không còn được coi là một thói quen thường lệ nữa, và nó đang trực tiếp góp phần đưa hình thức kinh doanh truyền thống suy tàn một cách nhanh chóng.

Sở dĩ như thế, là vì ở Trung Quốc, với sự bành trướng của các đế chế thương mại điện tử, các mặt hàng sẽ được kết nối trực tiếp từ nhà sản xuất đến các hệ thống giao hàng điện tử mà không cần thông qua hệ thống bán sỉ và bán lẻ như trước đây. Điều này dẫn đến việc hàng hóa sẽ vận chuyển nhanh hơn và ít tốn kém hơn là duy trì một hệ thống bán sỉ và lẻ như truyền thống.
 
Đây là một đòn nặng giáng vào các cửa hàng truyền thống, đầu tiên là các nhà sách, sau đó là các cửa hàng quần áo và điện tử tiêu dùng, rồi đến văn phòng đặt vé máy bay và tương lai có thể là cả ngân hàng. Đi dạo các cửa hàng và mua sắm giờ đây đối với người Trung Quốc vừa tốn thời gian lại đắt đỏ hơn là mua hàng trên mạng.
 
Sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử ở Trung Quốc đang tạo ra những lợi ích lớn cho đất nước Đông Á này, khi tăng lượng công ăn việc làm và nộp thuế nhiều hơn, mức đóng góp của thương mại điện tử vào ngân sách Trung Quốc ước tính có thể lên tới 2,2 ngàn tỉ USD vào năm 2025. Nhưng đồng thời nó cũng đang đẩy một lượng lớn người Trung Quốc ra đường. 
 
Không chỉ có các gian hàng tư nhân lâm vào cảnh phá sản, mà bản thân các tập đoàn sản xuất lớn cũng đang có ý định dẹp bỏ hệ thống phân phối trên toàn quốc, thay vào đó sẽ tham gia vào hệ thống thương mại điện tử của Alibaba hay JD, điều này đồng nghĩa với hàng chục triệu người có thể lâm vào cảnh thất nghiệp. Jack Ma sẽ kiếm được nhiều tiền hơn mỗi khi có thêm một doanh nghiệp mới gia nhập đế chế Alibaba, nhưng cùng lúc ấy cũng sẽ có nhiều người lao động bị sa thải hơn.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang viện cớ về sự cạnh tranh và đào thải tất yếu khi lý giải tình trạng này, theo đó các hình thức kinh doanh mới hiệu quả và năng động hơn sẽ giành chiến thắng và loại bỏ hình thức kinh doanh cũ. Nhưng có vẻ như Bắc Kinh cũng chưa nhận thức được hết những nguy cơ của loại hình thương mại mới mẻ này. Các chuyên gia cho rằng hệ lụy sự bùng nổ cuộc cách mạng thương mại điện tử không chỉ là hàng chục triệu người buôn bán truyền thống thất nghiệp và là một gánh nặng mà chính phủ phải giải quyết, mà bản thân sự bành trướng của các đế chế thương mại điện tử như Alibaba cũng có vấn đề.

Nạn hàng giả đang đe dọa mạnh uy tín của thương mại điện tử và khiến người tiêu dùng mất niềm tin, họ có thể đem đổi lại hàng khi mua ở các cửa hàng truyền thống, nhưng sẽ gặp khó khăn khi mua hàng trên mạng. Alibaba cũng đã thừa nhận tình trạng hàng giả trên hệ thống của mình và gần nhất đã chi 165 triệu USD để cải thiện tình trạng trên. 
Các chuyên gia cũng đánh giá sự bùng nổ thương mại điện tử ở Trung Quốc hiện nay chỉ mang tính nhất thời. Ở Mỹ hay Nhật Bản, nơi thương mại điện tử cũng rất phát triển thì hệ thống bán hàng truyền thống vẫn tồn tại và phát triển khá mạnh, người dân Mỹ hay Nhật Bản vẫn có thói quen mua sắm hàng hóa ở các cửa hàng, được họ coi là cách giảm stress và thư giãn hiệu quả.
 
Giới phân tích đánh giá, điều này sẽ nhanh chóng diễn ra ở Trung Quốc, khi mà cơn sốt mua hàng qua mạng như một thứ thời thượng hiện nay qua đi. Theo khảo sát, phần lớn người Trung Quốc thích mua hàng qua mạng hiện nay chủ yếu vì tính thời thượng của nó, hơn là để tiết kiệm thời gian một cách triệt để nhất. 
 
Tần suất lao động của người Trung Quốc vẫn thua kém so với người Nhật hay Hàn Quốc, và họ vẫn đang có nhiều thời gian rảnh hơn. Điều đáng nói là, nếu tình trạng thương mại điện tử cứ chèn ép các cửa hàng truyền thống như hiện tại, trong tương lai gần lượng cửa hàng truyền thống sẽ giảm đáng kể, và khi cơn sốt thương mại điện tử qua đi, Trung Quốc sẽ lại mất không ít thời gian và công sức để khôi phục lại hệ thống các cửa hàng này.
 
Theo Nhàn Đàm
Một Thế giới/Bloomberg
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”