1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

3 tháng, có thể thay đổi giá điện một lần

(Dân trí) - Bộ Công Thương công bố dự thảo lấy ý kiến về Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó có nhiều điểm mới về thời gian tối thiểu điều chỉnh giá điện cũng như nguyên tắc điều chỉnh.

3 tháng, có thể thay đổi giá điện một lần - 1

3 tháng được điều chỉnh giá điện một lần

Theo dự thảo, trong năm tài chính, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện...) so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Giá bán điện bình quân được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định và chỉ được điều chỉnh tăng ở mức 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.

Như vậy, so với quy định hiện hành, cả mức điều chỉnh tăng và thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân đều được giảm xuống. Theo quyết định 69/2013/QĐ-TTg đang áp dụng, thời gian điều chỉnh giá điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 6 tháng, giá điện bình quân chỉ được điều chỉnh tăng ở mức từ 7% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành. 

Tăng từ 3 - 5%, EVN được tự quyết định

Trường hợp giá bán điện bình quân cập nhật tại thời điểm tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích Quỹ bình ổn giá điện), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Trường hợp giá bán điện bình quân cập nhật tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá điện) từ 3% đến 5% và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Theo quy định hiện hành, EVN được điều chỉnh trong trường hợp biến động từ 7 - 10%.

Trường hợp trên 5% hoặc giá bán điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định, EVN lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, Bộ Công thương có trách nhiệm tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Theo quy định hiện hành, giá điện cần điều chỉnh trên 10% EVN mới phải trình xin ý kiến Thủ tướng.

Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm được thực hiện sau khi có báo cáo quyết toán chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập của EVN và các đơn vị thành viên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá bán điện bình quân thực hiện của năm liền kề trước đó.

Trước ngày 1/11 hàng năm, EVN xây dựng phương án giá bán điện bình quân trình Bộ Công thương và Bộ Tài chính.

Giá điện sẽ gánh cả Quỹ bình ổn giá điện

Một điểm đáng lưu ý, dự thảo lần này đề cập tới việc thành lập Quỹ bình ổn giá điện để thực hiện mục tiêu bình ổn giá điện.

Nguồn hình thành Quỹ bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Quỹ bình ổn giá điện được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện đã được phân bổ hết.

EVN thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện theo hướng dẫn của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Phương Dung

 

3 tháng, có thể thay đổi giá điện một lần - 2