1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

3 dấu hiệu bạn là một nhân viên “có vấn đề”

(Dân trí) - Bị sa thải là nỗi buồn lớn đối với hầu hết mọi người. Ai cũng có thể có lúc không may lâm vào cảnh này, nhưng nếu bạn thường xuyên bị sa thải thì nhìn nhận lại bản thân một cách nghiêm túc là việc làm cần thiết.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, không ít công ty tiến hành những đợt sa thải nhân sự hàng hoạt. Bạn có thể không may mắn nằm trong danh sách của một đợt cắt giảm nhân viên như thế.

Tuy nhiên, nếu trong công ty chỉ có bạn bị mất việc, và cảnh bị sa thải đã tái diễn với bạn vài lần, thậm chí cho đến nay bạn vẫn đang lo mất công việc hiện tại, thì điều bạn cần làm lúc này là nhìn lại mình xem đã mắc phải những sai lầm gì. Vấn đề chắc chắn nằm ở chính bản thân bạn chứ không phải những khó khăn chung của nền kinh tế.

Dưới đây là 3 dấu hiệu cho thấy bạn là một nhân viên “có vấn đề” mà các sếp không muốn giữ lâu trong công ty:

1. Tất cả những đồng nghiệp mà bạn từng làm việc cùng đều “không ra gì”

Sếp hiện tại của bạn có ngớ ngẩn không? Sếp cũ của bạn cũng như vậy? Điều đó hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên, nếu tất cả các đồng nghiệp của bạn đều là những người “không ra gì” trong mắt bạn, cấp dưới của bạn cũng đều ngớ ngẩn, và tất cả các vị sếp của bạn cũng “cùng một giuộc… thì có lẽ không phải họ tệ, mà chính là bạn quá tệ.

Trên thực tế, những người “không ra gì” thường xem những người xung quanh mình là “không ra gì”, còn bản thân mình mới là số 1. Thử nghĩ xem, nếu tất cả mọi người đều ngu xuẩn, keo kiệt hay yếu kém về năng lực làm việc, tại sao họ vẫn giữ được công việc hiện tại còn bạn thì không? Hãy nhìn thẳng vào sự thật, cải thiện các kỹ năng làm việc và giao tiếp để có thể hòa đồng tốt hơn với những người xung quanh.

2. Bạn gặp vấn đề với những công việc mà tất cả các đồng nghiệp khác đều dễ dàng xử lý được

Có một cô nhân viên mới vào làm việc trong một công ty mà ở đó, mọi người nhắn tin, chat chit suốt ngày. Cô nhân viên mới thấy đây là chuyện bình thường nên cũng làm theo. Nhưng đến một ngày kia, cô bị sa thải còn những người khác thì không. Cô cho rằng mình bị đối xử không công bằng, nhưng có một điều mà chính cô nhân viên này không nhận ra là cô đã nhắn tin và chat chit trong lúc đáng ra cô phải làm việc. Chất lượng công việc của cô quá kém, khiến sếp vất vả, và đó mới là nguyên nhân khiến sếp sa thải cô.

Bài học rút ra ở đây là, cho dù đồng nghiệp của bạn làm những việc không nên làm như đi muộn, về sớm, buôn chuyện, ăn mặc táo bạo… mà vẫn không có vấn đề gì, thì bạn cũng không nên học theo họ. Biết đâu họ lại làm tốt hơn bạn những việc khác.

3. Sếp nào của bạn cũng thích “soi” bạn từng ly từng tí

Nếu tất cả các vị sếp mà bạn từng làm việc dưới quyền đều là những người hay “soi”, thì bạn nên nhìn nhận lại xem lý do vì sao mà họ lại thích “soi” bạn đến vậy. Rất có thể bạn là một nhân viên “đặc biệt” cần có sự giám sát kỹ? Bạn có mắc nhiều lỗi đánh máy? Bạn có thường xuyên trễ việc? Bạn có ăn mặc không phù hợp với văn hóa của công ty?

Nếu bạn giải quyết được vấn đề mà bản thân mắc phải trước khi sếp nhìn vào công việc của bạn, bạn sẽ nhận thấy sếp không còn khó tính như trước.

Phương Anh
Theo Grindstone