1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

290.000 tỷ đồng “đổ” vào kênh chứng khoán trong năm 2015

(Dân trí) - Thị trường chứng khoán của Việt Nam đã trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bất chấp thị trường chứng khoán nhiều nước trong khu vực giảm từ 12% đến 20% và xu hướng dòng vốn rút ra khỏi các nước mới nổi.

Phát biểu tại lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong năm 2015, huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt gần 290.000 tỷ đồng, chiếm 28% tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội.

Thị trường chứng khoán của Việt Nam đã trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bất chấp thị trường chứng khoán nhiều nước trong khu vực giảm từ 12% đến 20% và xu hướng dòng vốn rút ra khỏi các nước mới nổi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2016
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2016

Với 6 năm theo mô hình Sở Giao dịch chứng khoán, từ năm 2009 đến 2015, Sở GDCK Hà Nội đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế với tổng giá trị huy động toàn thị trường đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân về huy động vốn là 44%/năm trong 5 năm trở lại đây.

Cụ thể, thị trường cổ phiếu niêm yết với 377 doanh nghiệp, giá trị vốn hóa đạt trên 150.000 tỷ đồng, có độ minh bạch thông tin và chất lượng quản trị ngày càng được nâng cao, phần lớn doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lãi.

Thị trường trái phiếu Chính phủ chính thức trở thành một thị trường chuyên biệt từ năm 2009, phát triển đột phá về quy mô và chất lượng, đóng vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách nhà nước, cung cấp chỉ báo quan trọng để định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Với tốc độ tăng trưởng bình quân về quy mô niêm yết đạt 26,5%/năm, thị trường trái phiếu Việt Nam được đánh giá là phát triển nhanh nhất khu vực Đông Á và ASEAN.

Thị trường giao dịch chứng khoán dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết (gọi tắt là UPCoM) có tốc độ tăng trưởng quy mô đăng ký giao dịch bình quân đạt tới 34%/năm, hiện có 256 doanh nghiệp đăng ký giao dịch với tổng giá trị vốn hóa trên 60.000 tỷ đồng, là bước đệm vững chắc cho các doanh nghiệp trước khi tham gia niêm yết.

Ngoài ra, Sở GDCK Hà Nội cũng đã trực tiếp thực hiện đấu giá cổ phần hóa cho 158 doanh nghiệp Nhà nước lớn và đấu giá thoái vốn Nhà nước tại 70 doanh nghiệp khác.

Thị trường chứng khoán năm 2015 là năm ghi nhận nhiều đổi mới quan trọng. Theo đó, hệ thống khuôn khổ pháp lý tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ hơn với nhiều văn bản được ban hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy sự phát triển của thị trường, hỗ trợ đắc lực cho quá trình tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Trong đó, phải kể đến những văn bản rất quan trọng như Nghị định 60/2015/NĐ-CP với nội dung hướng dẫn về tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch, đấu giá cổ phần theo lô... Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, mở ra nền tảng pháp lý quan trọng để phát triển thị trường này.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016, chỉ số của cả hai sàn chứng khoán đều giảm nhẹ, thanh khoản thấp. HNX-Index giảm 0,5 điểm tương ứng 0,63% còn 79,45 điểm; VN-Index giảm 1,09 điểm tương ứng 0,19% còn 577,94 điểm.

Bích Diệp

 

290.000 tỷ đồng “đổ” vào kênh chứng khoán trong năm 2015 - 2