1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

2 vụ nóng nhất kinh tế tuần qua: “Bộ sậu” Mobifone bị khởi tố; Asanzo đóng cửa nhà máy

(Dân trí) - Ngày 26/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Tổng Giám đốc và 3 Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty viễn thông MobiFone do có liên quan đến thương vụ tai tiếng AVG. Đây tiêu điểm tuần qua bên cạnh những diễn biến mới quanh nghi án gian lận của Asanzo, sức “nóng” của giá vàng hay cuộc đua lãi suất.

Thương chiến Mỹ-Trung "leo thang", giá vàng SJC vọt lên mốc 43,2 triệu đồng/lượng

2 vụ nóng nhất kinh tế tuần qua: “Bộ sậu” Mobifone bị khởi tố;  Asanzo đóng cửa nhà máy - 1

Giá vàng biến động mạnh trong bối cảnh thương chiến leo thang

Trước biến động mạnh theo giá vàng thế giới, giá vàng SJC đã tăng lên mức 43,2 triệu đồng/lượng vào phiên giao dịch sáng ngày 26/8. Dù giá vàng SJC tăng mạnh nhưng lực mua trên thị trường lại khá yếu, thậm chí xu hướng bán vàng ra từ người dân nhiều hơn.

Cụ thể, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của Tập đoàn DOJI giao dịch ở mức 42,45 triệu đồng/lượng (mua vào) - 43,2 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn. Các mức giá này tăng mạnh mỗi chiều 450.000 đồng/lượng và 600.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước.

Tương tự tại TPHCM, giá vàng SJC qua báo giá của Công ty SJC giao dịch ở mức 42,55 triệu đồng/lượng - 42,95 triệu đồng/lượng.

Lúc 7h sáng ngày 26/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới qua niêm yết của Kitco.com có biên độ tăng tới 20,1 USD, giao dịch ở mức 1.546,7 USD/ounce.

Chạy đua lãi suất lên 10%/năm, Ngân hàng Nhà nước "tuýt còi"

Giữa lúc thị trường vàng biến động mạnh thì ở kênh tiền gửi cũng đang diễn ra cuộc “chạy đua” lãi suất rất “gay cấn”. Gần đây nhất có ngân hàng còn phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm.

Ngân hàng Nhà nước đã phải phát đi thông cáo cho biết: “Động thái tăng lãi suất này làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý  tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ”.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trong đó gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.

Hơn 56.000 tấn quặng suýt bị bán lậu với giá rẻ mạt sang Trung Quốc

2 vụ nóng nhất kinh tế tuần qua: “Bộ sậu” Mobifone bị khởi tố;  Asanzo đóng cửa nhà máy - 2

Hơn 56.000 tấn quặng suýt bị xuất lậu sang Trung Quốc với giá rẻ mạt

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn biến phức tạp thì mới đây, ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan khẳng định với phóng viên Dân Trí: Cơ quan công an đang khởi tố, bắt giam các đối tượng liên quan trong vụ xuất lậu hơn 56.000 tấn quặng sang Trung Quốc .

Trước đó, đại diện Cục Điều tra Chống buôn lậu cho biết Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn và toàn bộ hồ sơ, tài liệu, tang vật đã được chuyển cho Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an).

Từ tháng 12/2017 đến tháng 10/2018, Công ty cổ phần Diệp Bảo Anh mở 79 tờ khai xuất khẩu 79 lô hàng với tên khai báo “Xỉ có thành phần chính là Fe2O3, SiO3… thu được từ công nghệ luyện thép đã được tinh chế dạng bột” với tổng khối lượng 56.781 tấn.

Tuy nhiên, Cục Điều tra chống buôn lậu khẳng định: Toàn bộ số hàng hóa nêu trên là “tinh quặng sắt” và không có tên trong danh mục hàng hóa được phép xuất khẩu theo quy định tại Thông tư 41/2012/TT-BCT, được sửa đổi tại Thông tư 12/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương. Với giá gần 1 triệu đồng/tấn như hiện nay, số tiền hàng dự kiến vào khoảng 56 tỷ đồng.

Bộ "sậu" Mobifone vừa bị khởi tố dính sai phạm gì trong thương vụ với AVG?

Một thông tin khác liên quan đến vấn đề pháp luật, ngày 26/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Tổng Giám đốc và 3 Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty viễn thông MobiFone do có liên quan đến thương vụ tai tiếng AVG. 

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đăng Nguyên, Tổng Giám đốc MobiFone (trước đây là Phó Tổng Giám đốc trong giai đoạn MobiFone mua AVG) cùng với ba Phó Tổng Giám đốc MobiFone là các ông Nguyễn Bảo Long, Hồ Tuấn và Nguyễn Mạnh Hùng về hành vi “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”– theo Điều 220 Bộ luật hình sự 2015.

Cùng bị khởi tố về hành vi nêu trên còn có một thành viên hội đồng thành viên của MobiFone là bà Phan Thị Hoa Mai để điều tra về hành vi liên quan đến những sai phạm trong thương vụ chuyển nhượng cổ phần trị giá hơn 8.000 tỷ đồng giữa Mobifone và AVG. 

Trước đó, một loạt  phó tổng giám đốc của Mobifone đã bị Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương ra quyết định thi hành kỷ luật Đảng vì có sai phạm trong vụ AVG.

Theo kết luận của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án Mobifone mua lại 95% cổ phần AVG, ông Nguyễn Đăng Nguyên cùng chịu trách nhiệm về những sai phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ, Ban Tổng giám đốc.

Đợi mãi chưa thấy kết luận thanh kiểm tra, Asanzo than “kiệt quệ”, "có nguy cơ phá sản"

2 vụ nóng nhất kinh tế tuần qua: “Bộ sậu” Mobifone bị khởi tố;  Asanzo đóng cửa nhà máy - 3

Ông chủ của Asanzo cho biết, đến ngày 30/8 không công bố kết luận, có thể Asanzo cân nhắc xem xét đình chỉ hoạt động

Liên quan đến nghi án Asanzo nhập hàng Trung Quốc “gắn mác” Made in Vietnam , doanh nghiệp này mới đây đã có thư kiến nghị gửi lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan chức năng liên quan tới việc đến nay chưa có bất kỳ kết luận thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý, thương hiệu của doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Asanzo cho biết, kể từ sau khi báo Tuổi trẻ đăng tải nhiều bài báo, tránh biếm hoạ cáo buộc sản phẩm Asanzo là “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt”, “lừa người tiêu dùng”… Công ty đã tiếp nhiều đoàn công tác thuộc các cơ quan quản lý chuyên ngành như: Các đoàn công tác của Cục kiểm tra sau thông quan, Cục điều tra chống buôn lậu; Tổng cục quản lý thị trường; Ban chỉ đạo 389 Quốc gia; Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ; Cục thuế TP.HCM.

Trong 2 tháng qua, công ty này đã cung cấp tài liệu pháp lý, chứng từ, hợp đồng, số liệu kế toán, tài chính, tài liệu liệu liên quan đến nhãn hiệu, dây chuyền, công nghệ, bí mật kinh doanh và thông tin sản phẩm mang thương hiệu Asanzo.

“Chúng tôi đã mất hơn 80% doanh số so với bình thường, con số thiệt hại ước tính lên đến hàng ngàn tỷ đồng, thị phần của chúng tôi đã bị sụt giảm đặc biệt nghiêm trọng”, Chủ tịch Asanzo cho biết thêm.

Điều đáng lưu ý theo phản ánh của Chủ tịch Asanzo, mặc dù doanh thu giảm, doanh nghiệp “lay lắt”, “kiệt quệ” nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ kết luận điều tra nào được công bố.

Thậm chí theo ông Tam, cho đến những ngày cuối cùng của tháng 8 này, vẫn còn một số cơ quan tiếp tục yêu cầu cung cấp tài liệu pháp lý, hồ sơ chứng từ, kế toán, tài chính, giấy chứng nhận về nhãn hiệu… và buộc giải trình, mặc dù ông này khẳng định đã cố gắng hết sức để cung cấp đầy đủ toàn bộ trước đó.

Mai Chi (tổng hợp)