1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

1,22 tỷ USD vốn FDI đã "rót" vào bất động sản 10 tháng đầu năm

(Dân trí) - 10 tháng đầu năm, trong khi vốn đăng ký giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ thì giải ngân FDI lại tăng 5,9%. Kinh doanh bất động sản vẫn là một trong những lĩnh vực hấp dẫn với dòng vốn ngoại.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo 
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 70,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng năm 2014

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố thông tin cho biết, trong 10 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tổng cộng 13,7 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ 2013.

Cụ thể, tính đến ngày 20/10/2014 cả nước có 1.306 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 9,95 tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2013. Đồng thời, có 469 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,74 tỷ USD, bằng 60,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong khi đó, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,15 tỷ USD, tăng 5,9 % so với cùng kỳ năm 2013.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 636 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 9,7 tỷ USD, chiếm 70,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng năm 2014. 

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 29 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,22 tỷ USD, chiếm 8,9%. 

Đứng thứ 3 là lĩnh vực là lĩnh vực Xây dựng với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,03 tỷ USD chiếm 7,5% tổng vốn đăng ký.

Trong 10 tháng năm 2014 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó dẫn đầu về đầu tư nước ngoài là Thành phố Hồ Chí Minh với 2,85 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. 

Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,38 tỷ USD, chiếm 10,1%. Đồng Nai đứng thứ 3 với 1,37 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Tiếp theo là Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 1,36 tỷ USD; 993 triệu USD và 954 triệu USD.

Về đóng góp vào thương mại của khu vực doanh nghiệp FDI, trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực này (kể cả dầu thô) đạt 82,48  tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong 10 tháng đạt 76,2 tỷ USD tăng 14,3% so với cùng kỳ 2013.

Nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI tính đến tháng 10 năm 2014 đạt 68,66 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 57% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 10 tháng, khu vực này xuất siêu 13,8 tỷ USD.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 10 tháng năm 2014:

- Dự án Công ty TNHH điện tử Samsung CE Complex do nhà đầu tư Samsung Asia Pte.Ltd – Singapore đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD;

- Dự án Công ty TNHH SamSung Display Bắc Ninh do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD;

- Dự án Công ty TNHH khoa học công nghệ Texhong Ngân Hà do nhà đầu tư  Hồng Kông đầu tư tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD;

- Dự án đầu tư XD và KD cơ sở hạ tầng KCN cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nhà đầu tư Bỉ tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 259,4 triệu USD.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”