1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

12 dấu hiệu sếp muốn sa thải bạn

(Dân trí) - Nếu bạn và sếp không có được mối quan hệ xuôi chèo mát mái, thì những dấu hiệu dưới đây có thể cho thấy sếp đang muốn “tống khứ” bạn khỏi công ty.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bạn hoàn toàn không phải là người “hoang tưởng”, nhưng bạn bắt đầu lờ mờ cảm thấy điều gì đó không ổn từ sếp. Một khi đối mặt với những dấu hiệu sau đây, bạn nên tính tới chuyện kiếm một công việc mới.

1. Bạn mất đi những đặc quyền

Trước kia bạn có thể làm việc ở nhà, đến cơ quan muộn hoặc về sớm. Nhưng đột nhiên, tất cả mọi thứ thay đổi, và bạn đặt câu hỏi vì sao bạn lại mất đi những đặc quyền đó? Bạn có gì sai lầm trong công việc hay không? Đôi khi, những thay đổi này không chỉ xảy ra đối với riêng cá nhân bạn. Tuy nhiên, nếu bạn là người duy nhất gặp phải, bạn cần thiết phải đặt ra câu hỏi tại sao.

2. Sếp đặt bạn vào thế đối đầu với các đồng nghiệp

Nếu bạn bắt đầu cảm thấy văn phòng nơi bạn làm việc trở nên giống như một sân trường, trong đó sếp là một kẻ hay bắt nạt người khác và tìm cách để xảy ra các trận đánh nhau, thì có lẽ đó là lúc sếp đang tìm cách loại trừ bạn. Hãy giữ thái độ điềm tĩnh nhất có thể và tránh rơi vào bất kỳ cái bẫy nào có khả năng dẫn tới việc bạn bị đẩy ra khỏi công ty.

3. Bạn bị điều chuyển công tác tới một nơi “không ra gì”

Nếu bạn bị cấp trên chuyển công tác tới một nơi xa nhà gấp đôi so với ở chỗ làm cũ, có lẽ đó là một dấu hiệu sếp muốn bạn tự xin thôi việc.

4. Bạn nhận được một loạt nhiệm vụ mới không xứng tầm với kỹ năng và kinh nghiệm của bạn

Trong trường hợp các nhân viên khác vẫn giữ nguyên nhiệm vụ cũ của họ, đây có thể là một tín hiệu cho thấy sếp không còn muốn nhìn thấy bạn.

5. Sếp quay lưng khi đồng nghiệp đối xử tệ với bạn

Những trò chơi xấu, bắt nạt đồng nghiệp ở công sở không nên bao giờ được tha thứ hay chấp nhận. Nếu bạn không nhận được sự ủng hộ của sếp khi rơi vào những tình huống như vậy, thì đã đến lúc bạn nên tìm đến lãnh đạo cấp cao hơn và đòi hỏi những quyền lợi của mình trong công ty.

6. Rất khó để bạn xin sắp xếp thời gian nghỉ phép hoặc nghỉ ốm

Nếu sếp không chấp nhận cho bạn nghỉ phép để bạn tới dự đám cưới người thân mà chẳng có một lý do nào liên quan tới công việc, bạn có thể bắt đầu tự hỏi sếp đang ghét mình tới mức độ nào.

7. Bạn không được cho phép tiếp cận với các cơ hội phát triển nghề nghiệp

Nếu công ty vẫn cho phép bạn tham gia vào các lớp học nghiệp vụ hoặc các hội thảo, nhưng bạn lại không được cấp kinh phí để bạn nâng cao kỹ năng, thì đó không phải là một tín hiệu tốt.

8. Sếp bỗng nhiên quản lý bạn từng ly từng tí

Đây không phải là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy sếp muốn “loại” bạn, nhưng bạn vẫn nên nghi ngờ. Hãy tìm hiểu xem có vấn đề gì khiến sếp đột nhiên quan tâm tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong công việc hàng ngày của bạn. Và bạn nên lo lắng nếu như những đồng nghiệp khác không bị sếp “soi” như vậy.

10. Sếp không nghe cuộc gọi của bạn và cũng không tiếp bạn

Cho dù sếp của bạn có khó tính đến đâu, thì việc đột nhiên sếp không muốn nghe bạn nói, và cũng từ chối tiếp chuyện bạn, thì đó là lúc bạn nên đặt một dấu hỏi lớn.

11. Bạn không được tham gia vào những cuộc họp lớn và những quyết định quan trọng

Nếu bạn đã quen được tham gia vào các quyết định trong công ty và đột nhiên điều đó thay đổi, bạn nên bắt đầu lo lắng về vị trí của bạn trong công việc.

12. Những nhiệm vụ tốt nhất được giao cho người khác

Đây sẽ là vấn đề nếu trước kia, bạn luôn được sếp giao cho những công việc quan trọng mà giờ thì những việc đó được giao cho người khác.

Thêm một lời khuyên cho bạn: hãy tỉnh táo. Khi thái độ của sếp thay đổi, bạn cần chú ý xem vị trí của bạn trong công ty có thể bị ảnh hưởng như thế nào, từ đó rút ra cách hành động phù hợp. Có thể bạn sẽ phải có một cuộc trao đổi thực sự với sếp để cải thiện mối quan hệ, hoặc lặng lẽ bắt đầu tìm kiếm một công việc mới.

Phương Anh
Theo AOL Jobs