1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

10 điều công ty môi giới việc làm không nói với bạn

(Dân trí) - Mục tiêu chính của các công ty môi giới việc làm là tìm đúng người phù hợp với vị trí mà nhà tuyển dụng đang cần. Trong quá trình tìm kiếm đó, có những điều mà họ chỉ nghĩ về bạn chứ không nói ra.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Uy tín của các công ty môi giới việc làm được đánh giá dựa trên việc họ kết nối hiệu quả ra sao giữa người lao động và các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trong nền kinh tế nhiều thách thức như hiện nay, công việc của các công ty môi giới có phần trở nên khó khăn hơn, khi mà số lượng ứng viên gia tăng, trong khi các yêu cầu của nhà tuyển dụng cũng trở nên khắt khe hơn trước.

Vì lý do này, các công ty môi giới việc làm sẽ phải đưa ra quyết định nhanh chóng hơn về các ứng viên. Nói cách khác, các ứng viên cần lưu ý nhiều hơn tới sức mạnh của nhân tố “ấn tượng đầu tiên”. Các kỹ năng về giao tiếp, cách ăn mặc… đều giữ vai trò quan trọng hơn khi cuộc cạnh tranh giữa các nhân tài ngày càng trở nên khốc liệt.

Thực tế đã cho thấy, những người không gây được ấn tượng tốt đẹp ngay từ đầu dễ bị các công ty môi giới việc làm cho vào danh sách “loại” và không bao giờ được liên lạc trở lại. Bởi vậy, nếu công ty môi giới không gọi lại cho bạn sau khi có một cuộc gặp trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại với bạn, thì rất có khả năng là bạn đã để lại ấn tượng xấu cho họ, ngoài khả năng bạn không có được những kỹ năng phù hợp cho công việc cần tuyển.

Tuy nhiên, công ty môi giới sẽ không bao giờ nói với bạn về sai lầm của ban. Lý do nằm ở chỗ, họ không được trả tiền để làm việc đó. Mặt khác, họ cũng không muốn phá hỏng mối quan hệ với bạn. Và họ cũng không có nhiều thời gian.

Vậy bạn sẽ làm gì để khắc phục vấn đề trong khi bạn còn chưa biết vấn đề là gì? Dưới đây là 10 lý do có thể khiến công ty môi giới việc làm từ chối bạn:

1. Trang phục bạn mặc khi tới cuộc phỏng vấn do công ty môi giới tổ chức quá lỗi thời/nhàu nhĩ/quá chật/quá hở hang/quá bóng bẩy.
2. Bề ngoài của bạn luộm thuộm/lỗi thời/cẩu thả/bốc mùi/gây ấn tượng quá mạnh (chẳng hạn bạn xịt quá nhiều nước hoa…)
3. Giao tiếp bằng ánh mắt của bạn quá yếu ớt/không đáng tin cậy/quá mạnh.
4. Cách bắt tay của bạn ẻo lả/hời hợt/quá mạnh.
5. Bạn nói à, ừ quá nhiều.
6. Bạn nói quá nhiều/sử dụng câu cú tồi/nói những điều không phù hợp (chẳng hạn thề thốt) khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn.
7. Bạn tỏ ra quá tự tin/nhút nhát/coi mình là trung tâm/bất an/xa cách/đãng trí/ngốc nghếch/ tuyệt vọng…
8. Bạn nói quá nhanh/quá chậm/quá to/quá nhỏ.
9. Bạn cười khúc khích/bồn chồn/có hành động kỳ quặc/nhăn mặt/thiếu biểu cảm.
10. Bạn có thái độ thiếu tôn trọng/tự tin/minh bạch/sự thuyết phục.

Vậy làm thể nào để bạn khắc phục được những những sai lầm này? Theo các chuyên gia, nhiều trong số những sai lầm trên có thể được khắc phục bằng cách tập trung vào một điểm: thái độ của bạn.

Nếu bạn giận dữ, lo ngại hoặc bối rối, tất cả sẽ lộ ra. Bạn cần tìm ra một cách để cảm thấy thoải mái về bản thân và khả năng của bạn. Điều này xuất phát từ việc bạn hiểu rõ về các thế mạnh của mình và bám vào đó. Ngoài ra, bạn cũng nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước để chứng minh được vì sao bạn là ứng viên phù hợp nhất cho công việc. Nói thì dễ hơn làm, nhưng đây đều là những việc bạn có thể làm được.

Các thầy cô giáo của bạn đã dạy bạn mọi thứ, trừ việc làm thế nào để bạn được tuyển dụng. Bởi vậy, bạn cần đầu tư thời gian để học cách đi đúng trên con đường tìm việc.

Phương Anh
Theo Careerealism