“Vua rác” David Dương: Người đưa công nghệ xanh về Việt Nam

Là doanh nhân thành công trên đất Mỹ, nhưng David Dương luôn tâm niệm mình là người Việt, yêu nước Việt nên đầy trách nhiệm đóng góp cho quê hương.

Với diện tích 1.760 ha và tổng vốn đầu tư lên hơn 700 triệu USD, dự án Khu công nghệ Môi trường xanh Long An được xem là khu xử lý rác hiện đại nhất trong tương lai, đảm nhận xử lý rác cho 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
 
Nhân dịp chính thức khởi công dự án này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông David Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty xử lý chất thải Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư dự án.
 
Ông David Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty xử lý chất thải Việt Nam (VWS)
Ông David Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty xử lý chất thải Việt Nam (VWS)

* Thưa ông, Khu công nghệ Môi trường xanh Long An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là dự án xử lý rác hiện đại nhất hiện nay của nước ta, xin ông cho biết đôi nét về dự án này?

- Khu công nghệ Môi trường xanh là dự án có diện tích hơn 1.760 ha, sẽ xử lý toàn bộ chất thải cho TP.HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài ra nơi đây sẽ dành các khu riêng biệt để phân loại, tái chế như chất thải điện tử, chất thải nguy hại từ hộ gia đình; xử lý chất thải y tế, tái tạo năng lượng từ chất thải.

Cùng với xưởng chế biến phân compost, Khu Công nghệ môi trường xanh tại Long An của chúng tôi còn có nhà máy xử lý nước sinh hoạt và bùn thải, sản xuất nước uống từ nước sau khi xử lý và nước mưa...

Dự án còn có Khu Trung tâm công nghệ Môi trường Hoa Sen, với diện tích 450 ha được quy hoạch và thiết kế nhằm đảm bảo chất thải phát sinh từ các hoạt động trong khu để xử lý kịp thời ngay tại đây.

Tổng  mức đầu tư trong 20 năm đầu của dự án vào khoảng 500 triệu USD, và sẽ dần dần tăng lên khi Công ty phát triển thêm các dây chuyền công nghệ xử lý các loại rác khác nhau.

Bằng việc khởi công cây cầu để dẫn vào dự án vào ngày 9/11 vừa qua, chúng tôi dự kiến sau 12 tháng nữa là dự này sẽ bắt đầu tiếp nhận xử lý rác.

Song song với việc xây cầu thì chúng tôi cũng xây dựng bên trong những hạng mục có thể tiếp nhận rác được trong vòng khi cầu. Chúng tôi quan tâm là làm sao là dự án được xây dựng đúng tiến độ vì hiện nay Long An đang gặp khó khăn trong việc xử lý rác.

Hiện chính quyền tỉnh Long An cũng đang hối thúc phải làm sao xây dựng cầu xong sớm để dự án có thể tiếp nhận xử lý rác sớm.

Dự án có sẽ xử lý rác trong thời gian từ 75-100 năm.

*

 
* Theo ông với quy mô dự án lớn như vậy, liệu lượng chất thải trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam có đủ để dự án hoạt động?

- Hiện nay dự án được xây dựng để xử lý rác cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chúng tôi đang đầu tư theo dạng cuốn chiếu.

Trước hết dự án này sẽ xử lý một lượng rác thải lớn của TP.HCM, Long An và dần dần khi tiếp xúc được với các địa phương khác trong vùng và nhận được thêm khối lượng rác mới thì sẽ xây dựng thêm.

Với cách làm như vậy Công ty sẽ không bị chi phí quá nặng khi phải xây dựng hết cả một dự án để chờ xử lý một khối lượng rác khổng lồ. Cách làm của công ty là khi có khối lượng rác ở địa phương nào về thì lại xây dựng thêm dây chuyền để tiếp nhận xử lý, như thế giá thành sẽ không bị đội lên và nhà đầu tư cũng không vướng vào việc bỏ tiền đầu tư quá lớn mà phải trả lãi ngân hàng trong khi dự án chưa có rác để xử lý.

* Khi dự án hoàn thành thì việc vận chuyển chất thải từ các tỉnh, thành phố trong vùng đến khu này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Công tác vận chuyển rác đến Khu công nghệ môi trường xanh của chúng tôi tại Long An sẽ được thực hiện chủ yếu bằng đường thủy để hạn chế tối đa việc tạo áp lực lên đường bộ. Công ty dự kiến sẽ đặt ở mỗi địa phương lân cận TP.HCM một trạm tiếp nhận và trung chuyển rác. Rác thu gom tại địa phương sẽ được đóng vào container và chuyển đến khu liên hợp.

Trong tương lai, rác sẽ được sẽ vận chuyển rác về dự án bằng xà lan. Như vậy, sẽ giảm được chi phí vận chuyển rất nhiều vì khi vận chuyển bằng xà lan có thể vận chuyển từ 2.000 đến 3.000 tấn thay vì vận chuyển từng xe ô tô thì chỉ có thể vận chuyển từ 10 đến 12 tấn. Đây là ưu điểm lớn của dự án này và nó cũng đem lại lợi ích cho nhiều tỉnh thành ở miền Nam vì tất cả các tỉnh thành ở miền Nam thì nơi đâu mình cũng có sông hết. Thành ra mình lập ra ở đây một trạm trung chuyển ngay mé sông thì nó rất thuận lợi và ít tốn kém.

 
 Phối cảnh Khu Công nghệ môi trường xanh Long An
 Phối cảnh Khu Công nghệ môi trường xanh Long An

* Hiện nay cả 2 dự án của VWS đầu tư đều nằm ở vùng kinh tế phía Nam, trong thời gian tới ông có dự định đầu tư những dự án xử lý rác hiện đại như thế này ở miền Trung và miền Bắc không?

- Thực sự là hiện nay nhiều tỉnh thành của miền Trung và miền Bắc đang kêu gọi chúng tôi.

Chúng tôi cũng biết lúc này vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý rác đang là một đề tài nóng mà cũng có thể gọi là nhức nhối. Nhưng làm sao tìm ra giải pháp xử lý rác và bảo vệ được môi trường với giá thành phù hợp là vấn đề nan giải.

Chúng tôi biết đó là vấn đề bức xúc nhưng muốn đầu tư phải bài bản và thật tốt. Vì vậy chúng tôi muốn làm xong dự án Khu công nghệ môi trường xanh của Long An, sau khi cổ phần hóa xong mới làm một thêm một dự án ở miền Trung và một dự án ở miền Bắc.

* Ông kỳ vọng gì về hiệu quả mà dự án Khu công nghệ môi trường xanh sẽ đem lại?

- Chúng tôi kỳ vọng là dự án này sẽ thành công và đưa ra cổ phần hóa, lúc đó mọi người dân đều có thể tham gia vào dự án mà chắc chắn là lợi nhuận tốt, được bảo đảm.

Điều chúng tôi mong muốn là dự án sẽ nhận được sự hưởng ứng của bà con đầu tư vào, đặc biệt là kiều bào ở nước ngoài khi họ thấy được đây là một dự án lớn, dự án tầm cỡ mà lại bảo vệ được môi trường, góp phần cải thiện đời sống người dân, của xã hội.

Lúc đó dự án sẽ không còn là của riêng chúng tôi nữa mà là dự án chung của cả xã hội.

Theo tôi, việc làm này không những tạo cơ sở tài chính vững chắc để thực hiện dự án mà còn phù hợp với các chính sách kêu gọi, khuyến khích đầu tư của Chính phủ đối với Việt kiều./.

* Xin cảm ơn ông!

(Là một doanh nhân thành công trên đất Mỹ, nhưng ông David Dương luôn tâm niệm rằng mình là người Việt, yêu nước Việt nên đầy trách nhiệm đóng góp cho quê hương.

Năm 2005 ông và gia đình đã bắt đầu đầu tư về nước bằng việc thành lập Công ty Việt Nam Waste Solutions 100% vốn nước ngoài mà ông làm Chủ tịch HĐQT.

Đây là công ty đầu tiên triển khai xây dựng hệ thống xử lý rác hiện đại nhất nước ta đặt tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM với tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD.

Mới đây, Công ty California Waste Solutions (CWS)-công ty mẹ của VWS vừa thắng thầu gói thầu trị giá 2,7 tỉ USD thu gom và xử lý rác thải cho toàn thành phố Oakland ở bang California, Hoa Kỳ trong vòng 20 năm với tổng trị giá 2,7 tỉ USD).

Theo Lan Anh/VOV.VN