“Tết làng quê Việt Nam” ở ngoại ô Mátxcơva…

(Dân trí) - Một cuộc thi đặc biệt mang tên “Tết làng quê Việt Nam” nhằm chào đón Tết Giáp Ngọ 2014 đã được tổ chức tại một khu vực có đông thợ may Việt Nam ở ngoại ô Mátxcơva, Nga.

Ý tưởng trên đã thu hút đông đảo anh chị em thợ may ở đây. Một không khí thi đua với niềm vui háo hức vào xuân đã âm thầm diễn ra giữa các đội. Họ nghĩ ra những thứ cần thiết để làm nên cái bất ngờ với mọi người.

Mà bất ngờ thật. Trên khoảng nền ở tầng 5 khá rộng của khu sản xuất trong nhà máy, tất cả máy móc đã gom dồn về một góc dành cho việc hai đội thi nhau làm đẹp công trình (Trại “Tết làng quê Việt Nam”) dự thi tạo nên góc sân, mảnh vườn, ngôi nhà ở thôn quê Việt Nam…

Trước mắt mọi người, khung cảnh làng quê VN thân thương hiện ra với mái tranh rạ, bờ dậu, vại nước, gáo dừa, cái bừa, cái nơm, bàn thờ gia tiên, câu đối đỏ, cành đào đón xuân, lá cờ Tổ quốc, bộ bàn ghế mộc mạc dân dã, bàn cờ tướng, ngọn đèn dầu hỏa, giàn mướp quả treo lủng lẳng, vườn rau diếp xinh xinh, cây chuối, cây đu đủ, chú cún nằm trước hiên nhà, chuồng gà có chú gà trống oai vệ vỗ cánh phần phật, chuồng chim bồ câu… lại còn thêm cái đài radio mở nhạc tiếng thơ đêm khuya làm mọi người xúc động rơi nước mắt…

Trước cảnh tượng trên, có người xúc động nghẹn ngào, có người chỉ lặng lẽ nhìn mà như tưởng mình đang được về nhà… Phải nói bàn tay và sự sáng tạo của cánh thợ may rất phong phú mà giản dị chân chất như chính họ vậy. Chất liệu làm nên những tác phẩm này là từ những mẩu vải, cành que khô ngoài rừng, những tấm ván, miếng gỗ thừa thẹo, rơm rạ từ cỏ khô, giấy mực phẩm, cành hoa lá nhựa…

Nhưng xin thưa, để có được những hình ảnh đẹp sinh động như thế này, các em đã phải vất vả như thế nào…

Giữa mùa đông Nga rét buốt âm hàng mấy chục độ C, hai bàn tay lạnh cóng, áo mặc còn chưa đủ ấm, các em vẫn bươn chải giữa cánh rừng ven nhà máy tìm tòi nhặt nhạnh từng cành cây khô về làm hàng rào; chọn những cành nào đẹp nhất để về làm giả cành đào; tìm cỏ khô và thậm chí phải mua lại của mấy bác nông dân để về làm giả rơm rạ; mày mò may những tấm áo tứ thân, trang phục anh bộ đội, chú bé “chỏm 3 lá đào”, cô gái dân tộc… Quả là đáng khâm phục các em!

Những cảnh vật hiện ra trước mắt thực sự ấn tượng với mọi người tham gia buổi tham quan chấm điểm cho cuộc thi. Thú vị mà cực kỳ bất ngờ và không nén nổi, phải bật cười là “cậu bé để chỏm ba lá đào”!

“Cậu bé” đang ngồi bệt dưới đất chơi ô ăn quan với cô bạn áo vải nâu sồng. Hóa ra, anh chàng thợ may này đã “hy sinh” mái tóc trai trẻ để chịu trận, cạo đi, tạo thành mái tóc… ba chỏm! Ai cũng phì cười mà thán phục. Dĩ nhiên đội này phải được nhất. Chưa hết, còn cô yếm thắm lụa đào, cô áo nâu sồng chân đất, anh chàng đội khăn xếp, quạt nan phe phẩy… Họ đã hóa thân trong khung cảnh xuân quê hương về trên đất bạn khiến ai cũng nao lòng.

Không khí đón Tết của cánh thợ may nơi này thật độc đáo. Chắc chẳng nơi nào có được. Phút giao thừa đến, họ cùng reo hò khi pháo hoa (được nước bạn cho phép) nổ từ dưới sân nhà máy vọt lên trời đan thành những chùm tuyệt đẹp. Họ cứ ngỡ như còn ở quê nhà đón xuân vậy.

Bữa tiệc đón giao thừa cũng bày biện đủ món: bánh chưng xanh, xôi gấc, giò, chả, nem rán, thịt thà, hoa quả, kẹo bánh, mứt Tết, bia rượu, lại còn cả… tiết canh, lòng lợn tự biên tự diễn (họ “chơi” luôn một chú ỉn mấy chục kg vừa mua từ người dân địa phương về).

Trên sân khấu dựng lên trong khu sản xuất, họ như hóa thân vào những điệu múa lời ca. Một số tiết mục múa hát do họ tự biên tự diễn. Xem ra cánh thợ may ta cũng lắm tài!

Phải thừa nhận một điều rằng: Những người làm công tác tổ chức ở đây đã làm được những gì có thể để tạo nên một không gian vui tươi lành mạnh đưa hương sắc Xuân Giáp Ngọ 2014 ở Việt Nam tới cho những người thợ may trong nỗi nhớ xa nhà. Bởi Tết cổ truyền dân tộc là thời khắc mà ai cũng nhớ quê, nhớ người thân nhất.

“Trong thâm tâm mình, tôi luôn nghĩ mình phải làm sao để công nhân họ được yên tâm làm việc cho mình. Vậy thì mình chỉ có cách tự nghĩ ra những việc có lợi cho họ. Và quan trọng là đảm bảo quyền lợi cho họ”, đây là những lời bộc bạch thật lòng của một ông chủ xưởng, bản thân người viết cũng biết những việc cậu ấy đã nói và đã làm là đúng như thế.

Tạo nên một nơi ăn chốn ở phù hợp, có công ăn việc làm ổn định cho những người thợ may ở thời điểm nhạy cảm này (người nhập cư trái phép đang là đối tượng trục xuất của chính quyền bạn) là một bước đi khó, nhưng không thể không làm. Chỉ cần biết làm theo đúng luật pháp chỉ dẫn, biết đặt lợi ích của tập thể lên trên cái Tôi cá nhân thì tự khắc họ sẽ làm được.

Hình ảnh đêm Giao thừa với “Tết làng quê Việt Nam” ở ngoại ô Mátxcơva của công nhân xưởng may:

Độc giả cùng chia sẻ Tết Việt xa xứ


Độc giả cùng chia sẻ Tết Việt xa xứ


Độc giả cùng chia sẻ Tết Việt xa xứ


Độc giả cùng chia sẻ Tết Việt xa xứ


Độc giả cùng chia sẻ Tết Việt xa xứ


Độc giả cùng chia sẻ Tết Việt xa xứ


Độc giả cùng chia sẻ Tết Việt xa xứ

Xuân Giáp Ngọ đã đến, hòa chung không khí đón Tết của người Việt Nam tại quê nhà, người Việt khắp năm châu cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Báo Dân trí mong được đón nhận mọi chia sẻ về không khí đón Tết Việt của đồng bào ta ở nơi xa xứ. Mọi thông tin xin gửi về dantri@dantri.com.vn hoặc thuytrang@dantri.com.vn, tiêu đề ghi rõ Tết Việt xa xứ. Xin chân thành cảm ơn!

 
Võ Hoài Nam
Từ Mátxcơva, Nga