Phá vỡ “tiêu chuẩn” để làm điều lớn lao hơn

Là người Việt Nam sinh ra ở Nga nhưng trông lại giống người Nhật Bản, học Đại học ở Anh, nói tiếng Anh kiểu Mỹ và nói tiếng Việt kiểu… Anh, đó là những cảm nhận thú vị đầu tiên về Thảo Nguyên.


Thảo Nguyên trong buổi lễ tốt nghiệp tại Đại học Tổng hợp Leeds, 2012

Thảo Nguyên trong buổi lễ tốt nghiệp tại Đại học Tổng hợp Leeds, 2012
Là người Việt thế hệ thứ hai ở Nga nhưng Nguyễn Thảo Nguyên và bố mẹ em vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Em là con gái út của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng - người được cộng đồng người Việt ở Nga cũng như giới văn nghệ sĩ trong nước rất trân trọng, quý mến. Năm 1993, một sự cố đã xảy ra với gia đình Thảo Nguyên và khiến chị cả của em mất tích tại Nga. Vì lý do này mà sau khi tốt nghiệp Đại học Mátxcơva, bố mẹ Thảo Nguyên vẫn dùng dằng ở lại nước Nga để ngóng tin con...

Với em, ấn tượng về xứ sở bạch dương là gì?

Ấn tượng nhất đối với em là hai chữ "chuyển nhà". Tuổi thơ trong ký ức của em là căn phòng nhỏ chật chội trong ký túc xá của Đại học Moscow - nơi cả gia đình sinh sống. Khi bố mẹ em học xong, gia đình em chuyển ra ngoài thuê nhà và từ đó là chuỗi ngày tháng chuyển nhà liên tục. Cứ hôm nào bố đến đón em ở trường mà khi trở về lại đi một con đường khác có nghĩa là em sắp đến một chỗ ở mới và một năm thì có khoảng năm, sáu lần như thế vì cứ ở được một, hai tháng là chủ nhà lại đòi tăng giá thuê. Lúc đó, bố mẹ em cũng không nghĩ gia đình sẽ ở lại Nga lâu dài…

Có vẻ như vốn tiếng Việt của em cũng không tồi?

Trên thực tế, chúng em - những người Việt sinh ra ở Nga chỉ có thể nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga. Các bạn người Việt của em không biết nói tiếng Việt, còn em thì được bố mẹ dạy tiếng Việt hàng ngày. Khi em chưa nói tốt thì mỗi lần gặp các cô bác người Việt trong các sự kiện sinh hoạt cộng đồng, em rất xấu hổ vì hay dùng từ sai và mỗi lần như thế, mọi người lại cười ồ lên. Dù sao, em cũng là một người Việt ở nước ngoài may mắn vì có thể nói được tiếng Việt.

Nước Nga có nền giáo dục nổi tiếng thế giới và nhiều người Việt Nam hiện nay vẫn mơ ước được học tập tại đây. Vậy tại sao Thảo Nguyên lại lựa chọn nước Anh để học đại học?

Em học phổ thông và hai năm đầu tiên của bậc đại học tại Nga. Đến khi đó, em nhận ra là mình không phù hợp với hệ thống giáo dục của Nga vì nó quá đề cao việc thuộc lòng lý thuyết mà không có những bài tập ứng dụng thực tế.

Nhân cơ hội được đến Anh học tập ngắn hạn trong chương trình trao đổi văn hóa, em thấy rất thích phương pháp giáo dục ở Anh vì vừa học lý thuyết và dùng lý thuyết đó áp dụng vào thực tiễn cuộc sống song song. Vì thế, em quyết định tới Anh và học chuyên ngành Marketing tại Đại học Tổng hợp Leeds. Em tốt nghiệp năm 2012 và bây giờ đang tìm cơ hội học tập ở một nước Bắc Âu nào đó.

Thường xuyên trở về Việt Nam, em thấy quê mình thế nào?

Em trở về Việt Nam lần đầu khi mới ba tuổi. Dần dần, khi em lớn lên thì mỗi lần theo bố về thăm quê, em lại thấy Việt Nam thay đổi, phát triển nhanh đến ngạc nhiên.

Em thích đi du lịch vì nước mình có nhiều thắng cảnh đẹp, đặc biệt là biển miền Trung quá đẹp. Em còn thích sự chân chất của người dân mỗi khi về quê và các món ăn thì ngon vô cùng. Lần nào về, em cũng tham gia một khóa học nấu ăn để biết và để khi cần thì giới thiệu cho bạn bè thưởng thức.

Vậy có điều gì khiến em chưa thích không?

Cũng có, như là em cảm thấy người Việt Nam mình hay đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Điều đó khiến mọi người thường cố làm cho mình thật đẹp đẽ bề ngoài mà đôi khi quên mất việc làm đẹp cả nội dung bên trong.

Ví dụ như em để đầu tém như thế này thì về quê, mọi người hay bảo em là không nên để tóc như thế này, phải ăn mặc thế kia, chứ không thì "người ta cười cho đấy". Em không thích câu này vì không hiểu vì sao lại phải quan tâm đến "người ta" nhiều thế và để cái "người ta" đấy chi phối rất nhiều đến cuộc sống của mình?

Có lẽ vì thế quá quan tâm đến "người ta" mà em thấy đa số những người trẻ ở quê mình lớn lên theo một tiêu chuẩn, một khuôn mẫu vô hình và thường chỉ cố lấp đầy tiêu chuẩn rồi coi đó là thành công như học đại học, đi làm, lập gia đình và sinh con… mà không nghĩ là mình còn có thể làm được nhiều việc khác nữa. Nếu như ngày càng có nhiều người phá vỡ được "tiêu chuẩn" đó và mơ ước làm được những điều lớn lao hơn nữa thì em tin là đất nước mình sẽ phát triển nhanh hơn.

Có ví dụ nào cho niềm tin ấy không?

Đơn giản như là khi em tới Đà Nẵng, Nha Trang, thấy đường phố rất sạch sẽ, chẳng khác gì đường phố châu Âu nhưng ở Hà Nội lại không được như thế.

Vì thế, em nghĩ là chưa bắt tay vào làm thôi chứ nếu đặt ra mục tiêu, tiêu chuẩn cao hơn thì chắc chắn là làm được.

Cảm ơn Thảo Nguyên!

Theo Liên Châu
Báo Thế giới và Việt Nam