Nữ bác sĩ Bùi Kim Hải và tấm lòng vì quê hương

Là một gương mặt phụ nữ Việt thành đạt trong ngành y ở nước ngoài, chị Bùi Kim Hải luôn trăn trở, ưu tư, khi thấy còn nhiều người bệnh ở Việt Nam thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe. Và bác sĩ Hải đang nỗ lực đem những kiến thức, kinh nghiệm của mình về nước...

Từ một lời hứa với cha

Nữ bác sĩ Bùi Kim Hải sinh ngày 18/6/1952 tại Sài Gòn trong một gia đình giàu có. Sau khi theo học trường Marie Curie và đỗ tú tài năm 1971, chị được du học tại Vương quốc Bỉ. Sang Bỉ theo học ngành y tại Trường Đại học Liège, chị luôn nhớ lời căn dặn của cha trước khi lên đường: "Con hãy hứa với ba, sau khi học xong, con phải về nước giúp những người nghèo".

Năm 1979, Bùi Kim Hải tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Đại học tổng hợp Liège, sau đó chị theo học thêm 2 năm chuyên ngành Bác sĩ đa khoa gia đình. Kể từ đó, bác sĩ Bùi Kim Hải đã có gần 30 năm sinh sống và làm việc tại Bỉ. Không chỉ là một chuyên gia xuất sắc trong chuyên ngành Bác sĩ gia đình, chị Bùi Kim Hải còn là bác sĩ nước ngoài duy nhất làm công tác giám định tại tòa án Bỉ.

Mang kiến thức về giúp đồng bào ở quê hương

Trong khi giành được những thành công trong sự nghiệp ở nước ngoài, lòng của bác sĩ Bùi Kim Hải vẫn luôn trăn trở với câu hỏi phải làm gì cho quê hương. Từ năm 1989, chị đã nhiều lần trở về Việt Nam để khám chữa bệnh cho những bệnh nhân trong nước. Bằng uy tín của mình, bác sĩ Bùi Kim Hải đã vận động và tìm kiếm được nhiều dự án hợp tác và hỗ trợ y tế của Bỉ dành cho Việt Nam, cùng với sự tham gia của những cơ sở y tế, các cơ quan liên quan của Vương Quốc Bỉ, trong đó có bệnh viện trường Đại học Y Liège. Với các dự án hỗ trợ y tế này, nhiều trang thiết bị tiên tiến và thuốc men đã đều đặn được gửi về giúp cho những bệnh viện trong nước.
 
Mỗi lần về Việt Nam, chị lại "kéo theo" không chỉ nguồn tài trợ, mà cả những giáo sư, bác sĩ Bỉ, những người có thiện chí với Việt Nam. Chị là nhịp cầu giúp cho sự hợp tác, trao đổi thông tin về các thành tựu chuyên môn mới nhất trên thế giới giữa những bác sĩ Việt Nam và Bỉ, đồng thời đưa các bác sĩ trẻ của Việt Nam sang thực tập, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Ở Bỉ nhiều lượt giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng viên cũng đã từ Bỉ sang Việt Nam hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với các đồng nghiệp Việt Nam.

Dự án ghép thận cho Việt Nam

Năm 2004, bác sĩ Bùi Kim Hải đã cùng giáo sư Meurisse - Chủ nhiệm bộ môn khoa Ghép tạng, Bệnh viện Đại học Tổng hợp Liège cùng xây dựng dự án ghép thận, và được Bộ hợp tác  và Phát triển Bỉ chấp thuận tài trợ 300.000 euro giúp Việt Nam chương trình ghép thận và mở các khoá đào tạo về ghép thận tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2005 đến 2007. Theo dự án, các giáo sư, bác sĩ Bệnh viện trường Đại học Y khoa Liège đã sang hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với các đồng nghiệp Việt Nam, giúp Việt Nam thực hiện nhiều ca mổ ghép thận theo phương pháp mới. Nhờ các chương trình này, đã có một số bác sĩ Việt Nam được đưa sang đào tạo tại Bỉ và hàng trăm bệnh nhân được ghép thận, hoặc được mổ tim. Bên cạnh đó, chương trình cấy điện ốc tai, luyện giọng cho trẻ em bị điếc cũng đã thành công, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.

"Bác sĩ gia đình" - Giải pháp chống quá tải bệnh viện và hơn thế

Về nước, thấy nhiều bệnh viện luôn quá tải, chị rất đỗi băn khoăn. Năm 2005, một Hội thảo Việt - Bỉ về Bác sĩ gia đình lần đầu được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Sau những chuyến qua lại vận động, kiên trì thuyết phục các cấp lãnh đạo, đội ngũ giáo sư, bác sĩ của cả hai quốc gia, chương trình đào tạo bác sĩ gia đình cho Việt Nam do bác sĩ Bùi Kim Hải làm cầu nối đã được Bộ Hợp tác và Phát triển Bỉ tài trợ mỗi năm 100.000 euro trong 5 năm, từ 2008 đến 2012. Dự án này đang được triển khai tại Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện 115, Bệnh viên Nhân dân Gia Định, TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp hình thành thí điểm hệ thống bác sĩ gia đình ở Việt Nam.

Bác sĩ Bùi Kim Hải cho biết, thuật ngữ "Bác sĩ gia đình" không có nghĩa là "bác sĩ đến nhà" như cách hiểu lâu nay tồn tại ở Việt Nam, mà đây là một hệ thống bác sĩ được đào tạo chuyên khoa bài bản và có giấy phép hành nghề. Hệ thống này không chỉ khám, chữa bệnh ban đầu, theo dõi diễn biến sức khỏe của các cá nhân mà còn có trách nhiệm chính trong chỉ định các phương pháp y học và cơ sở y tế để điều trị. Nhờ vậy, bệnh nhân không cần phải đến các bệnh viện khám bệnh, tránh được tình trạng quá tải ở  các bệnh viện và những lây nhiễm không đáng có khi bệnh nhân tiếp xúc với môi trường có nguy cơ cao là bệnh viện. Điều này không chỉ góp phần giải quyết nguyên nhân xảy ra tình trạng quá tải bệnh viện, mà còn là cách tổ chức các tuyến điều trị đúng chuyên môn và tạo sự chọn lựa tốt nhất cho bệnh nhân.

Hệ thống chăm sóc y tế phù hợp với Việt Nam

Tại Vương quốc Bỉ, hệ thống Bác sĩ gia đình  đóng vai trò rất quan trọng. Sau 50 năm áp dụng, mô hình bác sĩ gia đình đã đảm nhận điều trị cấp và mãn tính cho 80-85% số bệnh nhân của nước này, nên số người điều trị tại bệnh viện chỉ chiếm 15% số người bị bệnh. Các bác sĩ gia đình không chỉ khám, chữa bệnh, mà còn hiểu rõ điều kiện sống, tâm lý, nhận vai trò lưu giữ hồ sơ bệnh án, làm luật sư trong giám định, giám sát, bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân khi gặp những khiếu kiện về thương tật, rủi ro do chữa trị... Hệ thống Bác sĩ gia đình tạo ra một phương pháp hữu hiệu, trong việc tiếp cận toàn diện giữa bác sĩ với người bệnh.

Những kinh nghiệm của nước Bỉ trong lĩnh vực Bác sĩ gia đình đã được Bác sĩ Bùi Kim Hải tìm cách đưa về nước áp dụng để nhằm xây dựng một hệ thống chăm sóc y tế phù hợp với điều kiện của những người dân ở quê nhà. Theo chị, năm 2009, trong hệ thống đào tạo Y khoa của Việt Nam sẽ có khoa Bác sĩ gia đình, mà Đại học Y Phạm Ngọc Thạch của TP. Hồ Chí Minh sẽ là trường đi đầu . "Phía trước đang còn rất nhiều khó khăn nhưng được sự tiếp sức của các viện, trường, của lãnh đạo ngành, của các giáo sư, bác sĩ có tâm huyết, tôi tin mọi việc rồi sẽ tới đích", bác sĩ Bùi Kim Hải cho biết.

"Đa số trí thức Việt kiều đều mong muốn đóng góp cho đất nước"

Không chỉ có những dự án trong lĩnh vực y tế, từ nhiều năm nay Bác sĩ Bùi Kim Hải đã phối hợp cùng Chính quyền thành phố Liège và Công ty cổ phần Thương mại Việt Bỉ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục... Bác sĩ Bùi Kim Hải đã được trao tăng danh hiệu công dân danh dự của TP. Hồ Chí Minh. Năm 2006, chị là một trong 60 Việt kiều được Chính phủ Việt Nam mời cho đóng góp ý kiến về việc xây dựng và phát triển của đất nước, Bác sĩ Bùi Kim Hải chia sẻ: "Đa số trí thức Việt kiều đều mong muốn có những đóng góp cho đất nước. Các thế hệ trí thức Việt kiều trẻ sinh ra ở nước ngoài có thể là cầu nối để thế giới đến với Việt Nam.

Vũ Anh Tuấn
Theoulg.ac.be, báo chí trong và ngoài nước