Người Việt tại Voronezh (Nga): Cầm cự để vượt qua khó khăn

Đã gần 2 năm nay, những cụm từ “khủng hoảng”, “chợ đuội”, “đô trượt”… đã trở nên quá quen thuộc với bà con Việt sinh sống ở Nga. Bởi lẽ khủng hoảng kinh tế Nga, cùng với sự lao dốc của đồng rúp và giá dầu đã khiến cho đời sống của bà con nơi đây ngày càng khó khăn.

Tình cảnh buôn bán ế ẩm của người Việt tại TTTM Ostuzeva 47.
Tình cảnh buôn bán ế ẩm của người Việt tại TTTM Ostuzeva 47.

Voronezh cũng như tất cả các thành phố khác tại Nga, nơi mà có bà con người Việt sinh sống cũng lâm vào hoàn cảnh trên. Nằm cách thủ đô Mátxcơva 500km về phía nam, Voronezh có khoảng 700 người Việt Nam đang làm ăn và sinh sống. Hầu hết bà con ta buôn bán tại Trung tâm thương mại (TTTM) Ostuzeva 47. Khu chợ người Việt này nếu cách đây khoảng 2 năm về trước, người ta dễ dàng thấy khung cảnh buôn bán tấp nập mọi lúc, mọi nơi, thì lúc này bà con chỉ mong có thể “cầm cự” vượt qua khủng hoảng.

Tháng 5, tháng 6 hằng năm được gọi là thời điểm “vào vụ” của các tiểu thương trong chợ, đó cũng là lúc chợ “tít” nhất để trông chờ. Nhưng năm nay cùng với sự khủng hoảng kinh tế kéo dài, cộng với thời tiết biến đổi không ngừng của nước Nga khiến cho bà con càng thêm khó khăn bội phần.

Sở dĩ như vậy vì hàng hóa ở đây chủ yếu là hàng vải, hàng thời trang phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Khí hậu thay đổi, trời mưa nhiều và lạnh, nhiệt độ trung bình tháng 5-6 là từ khoảng 13-18 độ C khiến cho hàng hóa mùa hè của bà con không thể tiêu thụ.

Thêm vào đó kinh tế Nga thời khủng hoảng, đồng rúp mất giá trầm trọng cũng là nguyên nhân khiến người dân nước sở tại thắt chặt chi tiêu. Hàng hóa “nhảy múa” theo giá đô, các mặt hàng tăng giá mạnh, chính vì vậy sức mua các mặt hàng may mặc, giày dép cũng bị giảm theo.

Ông Phạm Ngọc Trung - Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Voronezh, người có công lớn trong việc tạo dựng TTTM Ostuzeva 47 - cho chúng tôi biết: “Trong giai đoạn này bà con cố gắng cầm cự để vượt qua khó khăn! Ban quản lý đã đề ra những phương án để giúp đỡ và hỗ trợ bà con. Ví dụ như công ty cho bà con vay vốn không lãi suất hoặc lãi suất ở mức thấp nhất để lấy hàng buôn bán, trang trải cuộc sống vượt qua giai đoạn này”. Ông cũng cho biết thêm: “Bà con ta tại TTTM hầu hết là đã có giấy tờ hợp pháp, vì vậy ban quản lý luôn cố gắng duy trì ổn định trong vấn đề an ninh, chính trị, đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua sóng gió”.

Dạo quanh một vòng TTTM, có thể nhận thấy là ngày chuyên bán buôn nhưng lượng khách mua hàng khá ít. Anh Đỗ Văn Cường cho biết: “Tôi ở Nga gần 10 năm, chưa có năm nào tháng 6 mà vẫn phải mặc áo kút (áo khoác ấm) đi chợ! Chợ đuội hơn quá nhiều so với mọi năm (đuội - từ để chỉ chợ bán kém). Chỉ mong sao thời tiết nắng ấm ủng hộ bà con mới may ra thoát được khủng hoảng này!”

Chợ đuội, bà con ta cũng đã cùng nhau nghĩ ra rất nhiều cách để tăng thu nhập như: Bán thêm cà phê, trà và một số mặt hàng Việt được người Nga yêu thích khác. Như tâm sự của cô Huỳnh Thị Kim Chung: “Ôi giời ơi, thời tiết này tôi có bán được gì đâu, đuội hơn nhiều so với những năm trước, tôi bán thêm mấy mặt hàng Việt Nam này để trang trải cuộc sống cho gia đình”.

Rõ ràng là nước Nga đã không còn “dễ làm, dễ sống” như trước, với vô vàn những khó khăn đặt ra trước mắt, người Việt tại Nga nói chung, người Việt tại Voronezh nói riêng cần phải đồng lòng hơn nữa, đoàn kết hơn nữa để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Để làm được điều đó, cần hơn nữa sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, các ban ngành đại diện cho người Việt tại Nga và hơn hết là sự quyết tâm, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của đồng bào ta tại nước ngoài.

Và chúng ta vẫn sẽ luôn nuôi hy vọng về một ngày mai tươi sáng, một tương lai tốt đẹp cho kiều bào ta tại Nga.

Theo TRẦN LỆ (từ Voronezh - LB Nga)

Lao Động