Người Việt ở châu Âu: Bình yên trong bão

Thời gian qua, châu Âu liên tiếp hứng chịu những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra, trong đó Pháp, Bỉ, Đức chịu nhiều tổn thất nặng nề...

Chị Hồng Hải, chủ nhà hàng Hanoi Station đang giới thiệu các món ăn với du khách.

Đối với cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu thì các mối đe dọa khủng bố không hề làm họ lo sợ. Họ vẫn làm việc, học tập vui chơi trước các nguy cơ.

Hơn 40 năm sinh sống và làm việc ở Brussels (vương quốc Bỉ), chị Đoàn Vinh là một hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu. Chị thường được mời đón các đoàn khách từ Việt Nam sang, chở họ đi tham quan với tư cách vừa là lái xe, vừa là hướng dẫn viên du lịch.

Hôm 22/7 vừa qua, trong chương trình tham quan, chị Đoàn Vinh đưa khách tới trung tâm mua sắm ở Bavarian, Olympia-Einkaufszentrum nằm gần sân vận động Olympic. Chị và các du khách đều không ngờ rằng sau khi họ vừa rời nơi này thì một vụ xả súng đẫm máu đã diễn ra khiến 9 người thiệt mạng.

Khi nhận được điện thoại của chị nói rằng, địa điểm xả súng ở Munich là nơi chị và đoàn khách du lịch Việt Nam vừa rời đi, tôi hỏi chị có sợ không, chị trả lời không hề mà chỉ thấy phẫn nộ khi những kẻ khủng bố nhằm vào người dân vô tội.

Và hàng ngày, trên chiếc xe 9 chỗ của mình, chị Đoàn Vinh vẫn tiếp tục rong ruổi từ Brussels sang Paris, Hà Lan, lấy các mặt hàng gia vị của Việt Nam về giao cho khách hàng theo yêu cầu của họ.

Khi các đoàn khách du lịch từ Việt Nam sang giảm sút do lo sợ khủng bố thì chị lại tìm đến những niềm vui của mình là chơi đàn tranh, cây đàn chị mang từ Việt Nam sang, thứ nhạc cụ mà chị vô cùng yêu thích và được học từ nhỏ.

Còn đối với anh Vũ Quang, người đã sống ở Bỉ từ hơn 20 năm nay và hiện đang là đầu bếp của khách sạn Pullman ở thủ đô Brussels thì những hình ảnh cảnh sát lục soát, bắt bớ không phải là chuyện lạ, đặc biệt kể từ sau vụ tấn công khủng bố ở sân bay Zaventem và nhà ga tầu điện ngầm Maelbeek hôm 22/3 vừa qua.

Khách sạn Pullman nơi anh làm việc nằm tại khu vực Gare du Midi, đầu mối của tuyến đường sắt quốc tế nối Bỉ với châu Âu nên rất đông hành khách qua lại. Đây cũng là khu vực cảnh sát và quân đội được tăng cường sự hiện diện để phòng chống khủng bố.

Anh Quang kể sau vụ khủng bố ở Bỉ hôm 22/3, khách hàng tới khách sạn cũng vắng hơn. Anh cũng thường xuyên chứng kiến việc cảnh sát vây bắt các nghi can khủng bố hay những vụ cảnh báo đặt bom. “Brussels không còn yên ổn như trước kia nữa nhưng những đe dọa an ninh không ảnh hưởng tới tôi và không làm tôi sợ. Chỉ có khách tới khách sạn là ít hơn thôi còn tôi vẫn giữ lịch trình làm việc, sinh hoạt như bình thường”, anh Quang chia sẻ.

Cảnh sát Bỉ đi tuần tại các khu trung tâm thương mại ở thủ đô Brussels.

Kể từ sau loạt vụ tấn công liều chết ở thủ đô Paris đêm 13/11 năm ngoái khiến 125 người thiệt mạng và hơn 250 người bị thương và khi cảnh sát lần ra dấu vết của những kẻ khủng bố đều xuất phát từ Bỉ và việc chuẩn bị, lên kế hoạch được thực hiện ở thủ đô Brussels, Bỉ đã đưa cảnh báo an ninh lên mức cao nhất, mức 4 trong 4 ngày. Vào thời điểm đó, mọi hoạt động ở thủ đô Brussels chậm lại. Trung tâm thương mại, nhà ga, trường học đều đóng cửa. Tiếng xe cảnh sát hú còi vang khắp nơi...

Thế nhưng, những người Việt Nam ở đây vẫn giữ nguyên thói quen thường nhật của họ. Đó là trường hợp của chị Phượng, một Việt kiều đã có gần 30 năm sống ở thủ đô Brussels. Chị vẫn hàng ngày đi làm bằng tàu điện. Khi các phương tiện giao thông công cộng tạm ngừng hoạt động thì chồng chị lái xe đưa đón vợ đi làm. Ngày nghỉ, chị và gia đình vẫn tới rạp xem phim hay đi dạo ở công viên.

Đặc biệt, trong ngày Quốc khánh của Bỉ hôm 21/7 vừa qua, tức 1 tuần sau vụ khủng bố bằng ô tô ở thành phố Nice của Pháp cũng đúng đêm Quốc khánh (14-7) và chỉ 1 ngày trước vụ xả súng ở Munich (Đức), cả gia đình chị vẫn tới tham dự các hoạt động mừng Quốc khánh.

2 tháng sau vụ tấn công ở Brussels, chị Hồng Hải đã khai trương nhà hàng Hanoi Station, một địa chỉ chuyên về các món ăn đặc sản của Việt Nam mà chị ấp ủ từ lâu. Vụ khủng bố và cảnh báo an ninh ở mức cao đã khiến chị phải chậm lại kế hoạch khai trương nhà hàng. Nhưng điều này lại giúp chị có thêm thời gian trang trí nội thất thêm ấn tượng, mang đậm chất Việt Nam.

Là chủ nhà hàng Việt nổi tiếng ở thành phố Orléans (Pháp), chị Hương không giấu nổi xúc động khi biết tin đúng đêm 14/7, một vụ thảm sát diễn ra trên bãi biển thành phố Nice khiến hơn 80 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em và gần 1 tuần sau là vụ xả súng ở thành phố Munich.

Đây là những thành phố mà chị có nhiều người quen sinh sống. Khi chính phủ Pháp kéo dài tình trạng cảnh báo an ninh, lượng du khách tới nhà hàng của chị có giảm đôi chút nhưng điều đó không khiến chị buồn. Chị cho rằng chủ nghĩa khủng bố càng phát triển thì mọi người càng phải đoàn kết và quan trọng hơn, càng không được sợ hãi.

Cho đến nay, thỉnh thoảng tại các thành phố của Bỉ, Pháp, Đức, Anh… cảnh sát vẫn nhận được những thông báo đặt bom và những đe dọa khủng bố của IS. Mỗi lúc như vậy, cuộc sống của người dân lại có ít nhiều xáo trộn. Việc buôn bán, làm ăn của bà con Việt kiều cũng bị ảnh hưởng. Nhưng họ vẫn vững tin, vẫn vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục cuộc sống, đóng góp cho nước sở tại và hướng về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Theo An Lê (từ Brussels)

Đại đoàn kết