Người phụ nữ Việt miệt mài với những dự án xanh

Những chuyến đi nhằm góp phần thúc đẩy cộng đồng cải thiện môi trường và hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã đưa Cathy Hà Lâm trở lại Việt Nam sau thời gian dài xa cách và chị quyết tâm hành động vì màu xanh trên quê hương mình.

Cathy Hà Lâm trong một lần gây quỹ.

Cathy Hà Lâm trong một lần gây quỹ.

Một người phụ nữ giản dị, đi đôi dép đế bằng, mái tóc cắt ngắn đơn giản bay bay nhịp theo những bước chân lúc nào cũng như vội vã... - đó là hình ảnh của Cathy Hà Lâm giữa những bộn bề công việc trong khoá tập huấn ngắn ngày cho các giáo viên mầm non ở Hà Nội do Liên hội phi chính phủ Việt- Mỹ tổ chức.

Là một người Việt định cư tại Mỹ, Hà Lâm đã hoạt động rất tích cực trong việc bảo vệ môi trường sinh sống tại đây. Niềm đam mê công việc này đã khiến Cathy trở thành người đồng sáng lập tổ chức môi trường phi lợi nhuận Our1World - một thành viên của Liên hội phi chính phủ Việt-Mỹ vào năm 2005. Đồng thời, Cathy vẫn đảm nhiệm vai trò là điều phối viên của Liên hội Các tổ chức Phi chính phủ Việt - Mỹ và là thành viên Ban điều hành của tổ chức NBNF phi chính phủ về bảo vệ môi trường vùng lưu vực California, Hoa Kỳ.

Mong muốn được góp sức gìn giữ và cải thiện môi trường đến với Hà Lâm từ năm 2000, sau chuyến du lịch vòng quanh thế giới kéo dài 8 tháng. Đi qua nhiều nước, Cathy vô cùng xót xa khi thấy mọi người đang sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch. Càng những nước đang phát triển thì tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch càng cao. Việt Nam cũng nằm trên lộ trình của chuyến đi dài ngày đó và tại đây, chị thấy yêu vô cùng màu xanh trên quê hương mình. Đó chính là động lực để Hà Lâm tham gia vận động duy trì bền vững môi trường sinh sống lành mạnh tại đây.

Từ năm 2005, chị bắt đầu triển khai một số dự án nhỏ về môi trường tại Việt Nam. Cathy Hà Lâm tham gia giảng dạy trong nhiều khoá đào tạo của Liên hội và hiện đang tích cực triển khai mô hình sử dụng bếp và quạt trần bằng năng lượng mặt trời ở một số vùng nông thôn Việt Nam.

Không chỉ bận rộn với việc đứng lớp như bao đồng nghiệp khác, Cathy Hà Lâm còn đảm nhận những công việc mà chị gọi vui là "chạy vòng ngoài, vòng trong". Mê nấu ăn, chị nhiệt tình tham gia cả việc chuẩn bị bữa trưa cho toàn bộ học viên và giảng viên của dự án. Từ những nguyên liệu tươi ngon sẵn có của Việt Nam, Hà Lâm rất sáng tạo khi chế biến một số món ăn dễ làm của các nước. Đây cũng là một trong những lý do khiến các bài thuyết trình về dinh dưỡng cho cuộc sống lành mạnh tại các buổi tập huấn của Hà Lâm luôn hấp dẫn học viên.

Cathy Hà Lâm tâm sự: "Ở Việt Nam, tôi đã gắn vài cái quạt máy chạy bằng năng lượng Mặt trời, rất tốt khi ở những nơi bị cúp điện như những trường học, những thư viện nhỏ ở thôn quê. Tôi muốn giúp cho các em được thoải mái hơn trong học tập. Năm ngoái, tôi đã hoàn thành một mô hình bếp lò, còn gọi là "bếp lò xanh" nhằm giảm bớt nhiên liệu dùng. Loại bếp này dùng ít củi và lại chỉ dùng củi nhỏ nên bà con rất thích vì củi nhỏ dễ kiếm hơn. Năm nay, trở lại Việt Nam, tôi nghiên cứu chế tạo ra các loại bếp lò từ vật liệu tái chế như vỏ bếp làm bằng bình gas đã qua sử dụng… Làm sao để bếp lò cách nhiệt tốt, ít khói và tiện đem vào nhà sưởi ấm trong mùa lạnh...".

Năm nào Cathy Hà Lâm cũng về Việt Nam. Mỗi lần về quê, phương tiện đi lại chủ yếu của chị chính là xe buýt, hãn hữu lắm Hà Lâm mới gọi taxi. Khi về những vùng nông thôn, chị rất mê những ngôi nhà cổ với mái tranh vách đất, chẳng cần đến điều hoà nhiệt độ mà vẫn mát mẻ trong mùa Hè.

Một hình ảnh mà tôi không thể quên mỗi khi nghĩ về một người Mỹ gốc Việt Cathy Hà Lâm đó là khi chứng kiến chị bê những chiếc gáo dừa mà chị đã gom góp từ miền Nam ra Hà Nội để làm bát ăn cơm. Sau đấy, ít ai hình dung nổi chị đã mang cả số gáo dừa ấy sang tận nước Mỹ để bán với giá 10 USD/chiếc và dùng số tiền đó làm từ thiện.

Cathy Hà Lâm là vậy, nhìn đâu chị cũng tìm ra cách để tiết kiệm và tái sử dụng nhiên liệu. Tỉ mỉ từng chút một, người phụ nữ ấy vẫn miệt mài sẻ chia niềm hạnh phúc với những số phận kém may mắn ở quê nhà.

Theo Hoàng Dương
Thế giới & Việt Nam