Hành trình của Tuấn Bendixsen

Từ lâu, cái tên Tuấn Bendixsen đã trở nên quen thuộc với những người yêu động vật, đặc biệt với những ai yêu quý và muốn chung tay bảo vệ loài gấu ở Việt Nam. Anh mang quốc tịch Australia, nhưng từ hơn 10 năm nay đã dành toàn bộ tâm sức của mình cho quê hương.

Hành trình của Tuấn Bendixsen



Tôi gặp Tuấn Bendixsen ở Văn phòng của Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) trên phố Tràng Thi. Trông anh trẻ hơn tuổi 50, nhưng lại trầm lắng hơn bất kỳ người đàn ông nào tôi từng tiếp xúc thuộc độ tuổi này. Có lẽ, những câu chuyện đau lòng được chứng kiến trong hành trình gần một thập kỷ tham gia các dự án cứu hộ gấu ở Việt Nam đã khiến anh trở nên trầm lặng. Với khả năng sử dụng tiếng Việt khá sõi sau gần 30 năm xa quê hương, Tuấn Bendixsen từ tốn kể về tuổi thơ nơi đất khách quê người.

Dấu ấn ngày trở về

Năm 1973, cậu bé Tuấn - khi đó mới tròn 10 tuổi - theo gia đình rời Sài Gòn sang định cư ở Australia xa xôi. Đến Australia, với nỗ lực lớn để hòa nhập với cộng đồng người bản địa tại đây – đặc biệt là vấn đề ngôn ngữ - cả gia đình Tuấn gần như chỉ sử dụng tiếng Anh để có thể sớm sử dụng thành thạo ngôn ngữ thứ hai này. Thậm chí, ngôi trường mà hai anh em Tuấn theo học còn ưu ái bố trí hẳn một lớp học riêng để hai anh em học thêm ngôn ngữ bản địa cho đến khi có thể theo kịp cả lớp. Đó cũng chính là lý do mà Tuấn gần như quên hẳn ngôn ngữ mẹ đẻ vì không có cơ hội sử dụng thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày.

Năm 1995, với nỗi niềm đau đáu hướng về quê hương và nguyện vọng tìm lại người thân hai bên nội ngoại ở quê nhà, Tuấn Bendixsen đã cùng mẹ trở về Việt Nam. Anh chia sẻ: “Rời Việt Nam khi còn quá nhỏ nên trong ký ức của tôi không còn lưu giữ nhiều hình ảnh quê hương. Nhưng qua một số kênh thông tin của người Việt ở nước ngoài và qua những bộ phim Mỹ thời điểm đó, tôi hình dung về Việt Nam còn rất tiêu điều và nghèo nàn. Nhưng, Việt Nam bằng thật khác nhiều so với những gì tôi biết trước đó”.

Để chuẩn bị cho chuyến trở về Việt Nam lần đầu tiên ấy, Tuấn Bendixsen đã tham gia một khóa đào tạo tiếng Việt giao tiếp do một công ty du lịch ở Australia tổ chức dành cho những người đi du lịch Việt Nam. Sau 9 tháng theo học, Tuấn Bendixsen đã có thể nghe hiểu phần nào tiếng Việt, nhưng nói vẫn còn bập bẹ. Mãi sau này, sau vài chuyến đi như vậy thì tiếng Việt của Tuấn Bendixsen đã tiến bộ đáng kể.

Chính trong những chuyến cùng mẹ trở về thăm quê hương như vậy, mối lương duyên của cuộc đời Tuấn Bendixsen với một cô gái Việt Nam đã hình thành. Nhất là khi chị có dịp sang Australia trong một khóa đào tạo kéo dài 1 năm rưỡi tại đây. Năm 1996, anh chị tổ chức Lễ thành hôn tại Australia và điều tâm đắc nhất của Tuấn Bendixsen không chỉ là được kết hôn với một cô gái Việt Nam, mà còn là các con của anh cũng sẽ được mang quốc tịch Việt Nam, được nói tiếng Việt từ nhỏ chứ không phải vất vả học lại tiếng mẹ đẻ như bố của chúng.

Bước ngoặt cuộc đời

Khi cuộc sống và công việc ở Australia của hai vợ chồng Tuấn Bendixsen đang rất ổn định thì anh chị quyết định trở về Việt Nam với hai lý do: Một là anh nhận được lời mời của Giáo sư Tôn Thất Bách trong một dự án về công nghệ sinh học tại Đại học Y Hà Nội. Hai là vợ anh cũng khó thích nghi với cuộc sống xa quê hương. Vì thế, anh quyết định bỏ công việc chuyên môn về công nghệ sinh học tại Đại học Sydney với mức lương thời điểm đó là 60.000 USD/năm – điều mà nhiều người Việt ở Australia mơ ước – để cùng vợ và hai con trở về Hà Nội.

Trong khi vợ anh sớm ổn định công việc tại Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam thì Tuấn Bendixsen lâm vào cảnh thất nghiệp do dự án mà anh hợp tác với Đại học Y Hà Nội thời điểm đó không triển khai được. Mặc dù không gặp khó khăn về vật chất do có tiền tiết kiệm từ trước khi về nước, nhưng về tinh thần, anh thấy mình hoàn toàn không ổn.

“Thời điểm đó, đôi lúc, tôi từng muốn trở lại Australia để tiếp tục công việc chuyên môn của mình. Nhưng ngoài sự động viên của gia đình, trong tôi vẫn luôn day dứt một quyết tâm từ trước khi về nước: Đã trở về quê hương là phải làm được điều gì đó. Tôi không cho phép mình thất bại”.

Và thế là, để vực lại tinh thần, Tuấn Bendixsen bắt đầu khởi động bằng cách đi dạy tiếng Anh cho người Việt với mức lương 30 USD/tuần. Sau 9 tháng bền bỉ dạy ngoại ngữ, anh tình cờ đọc được tin tuyển dụng của Dự án Khuyến khích nhân tài Việt Nam giúp đỡ phát triển quê hương (do UNDP và Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp thực hiện). Với kinh nghiệm từng học tập, làm việc ở nước ngoài, lại có kinh nghiệm am hiểu Việt Nam, Tuấn Bendixsen đã vượt qua các ứng viên khác và trở thành cán bộ của Dự án. Đồng thời, với chuyên môn của mình, anh vẫn tiếp tục hợp tác với Bộ NN&PTNT Việt Nam trong lĩnh vực thú y.

Năm 2003, sau khi Dự án kết thúc thành công, Tuấn Bendixsen trở thành tình nguyện viên của Tổ chức Động vật Châu Á với công việc cứu hộ gấu ngựa tại Việt Nam. Đến năm 2005, anh chính thức gia nhập Tổ chức này và triển khai Dự án xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam trong khu vực Vườn quốc gia Tam Đảo và hiện đang dành hết tâm sức cho công việc đầy ý nghĩa này.

Theo Khánh Nguyễn
TG&VN